Thực hiện có hiệu quả mục tiêu “bảo toàn và phát triển vốn nhà nước” tại các doanh nghiệp

Thứ ba, 18/08/2020 16:41
(ĐCSVN) - Đến thời điểm hiện nay, Đảng bộ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) có 12 tổ chức đảng trực thuộc (trong đó 09 chi bộ trực thuộc Đảng ủy Ủy ban, 02 đảng bộ cơ sở và 01 đảng bộ cơ sở được giao một số quyền cấp trên cơ sở. Tổng số đảng viên đến thời điểm hiện nay là 3.927 đồng chí.
Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp 

Trong thời gian hơn 1 năm thành lập và đi vào hoạt động, Đảng ủy Ủy ban đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy công tác Đảng, ban hành Quy chế hoạt động, Quy chế phối hợp, phân công công tác Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Kế hoạch công tác; chỉ đạo, điều hành theo chương trình, kế hoạch, đảm bảo phát huy đầy đủ vai trò của tổ chức Đảng, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ cấp trên cơ sở, cũng như các vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ đối với tổ chức đảng mới thành lập, nhiệm vụ chính trị rất lớn và phức tạp, có nhiều áp lực, trong khi nguồn nhân lực hạn chế, cán bộ công tác Đảng 100% là kiêm nhiệm, các quy chế, quy định còn thiếu đồng bộ, cán bộ về công tác tại Ủy ban có sự khác biệt về văn hóa, phong cách, tư duy làm việc do đến từ nhiều Bộ, cơ quan khác nhau.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban đã xây dựng kế hoạch công tác và phối hợp chặt chẽ với Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ủy ban để kịp thời thông tin, nắm bắt tình hình, đưa ra các giải pháp chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, định hướng cho việc thực hiện đúng các nhiệm vụ chính trị của Ủy ban, đảm bảo hoàn thành tốt chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Đảng ủy Ủy ban đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban Cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo Ủy ban trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh bộ máy mới được thành lập, tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi bản lĩnh chính trị và tư duy đột phá để hoàn thành trọng trách “bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Triển khai thực hiện nhanh chóng và kịp thời nguyên tắc tiếp nhận và chuyển giao nguyên trạng quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty từ các Bộ, Cơ quan theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung xử lý dứt điểm các công việc còn dở dang được bàn giao về Ủy ban. Cùng với việc hoàn tất ký Biên bản tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty với 05 Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban đã tiếp nhận để tiếp tục xử lý 259 việc các Bộ đang xử lý dở dang; trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn, tồn đọng qua nhiều năm; có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ. Sau hơn 01 năm tiếp nhận, Ủy ban đã tiến hành phân loại công việc theo mức độ cần thiết, cấp bách để ưu tiên xử lý nhằm sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp.

Đến hết tháng 5/2020, Ủy ban đã hoàn thành xử lý 220/256 công việc (đạt tỷ lệ 85%) tập trung chủ yếu ở các vấn đề: bổ sung các chức danh lãnh đạo chủ chốt tại các Tập đoàn, Tổng công ty, xếp loại doanh nghiệp năm 2017, phê duyệt báo cáo tài chính, quỹ tiền lương, thù lao thực hiện năm 2017, 2018, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, quyết toán cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp, vướng mắc về thực hiện quy trình các dự án đầu tư, xử lý 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương... Đối với 30 việc chưa hoàn thành, Ủy ban đã xử lý xin ý kiến hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền, các cơ quan liên quan và sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện trong thời gian tới để xử lý dứt điểm.

Thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp được quy định tại các văn bản pháp luật để xử lý những công việc mới phát sinh sau khi Ủy ban tiếp nhận 19 Tập đoàn, Tổng công ty gồm có 12 nội dung (trong dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành đã gửi các đại biểu).

Tăng cường hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; nỗ lực, cố gắng cao nhất thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc. Qua thực tế rà soát cho thấy, Ủy ban đã hoàn thành 78,6% các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Tăng cường và đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, phát huy cao nhất trách nhiệm của Ủy ban trong việc thực hiện thẩm quyền được giao, góp phần giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Về công tác cán bộ, nhận thức rõ vai trò nền tảng, nòng cốt của công tác cán bộ và tổ chức bộ máy; phát huy vai trò của cấp ủy Đảng trong việc lựa chọn và tiếp nhận cán bộ từ các Bộ, Cơ quan về Ủy ban, đảm bảo yêu cầu về bản lĩnh chính trị, đạo đức tác phong, được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác tốt đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của công việc quản lý vốn.

Ủy ban đã hình thành đầy đủ cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 131/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời hình thành đầy đủ tổ chức đảng và các đoàn thể theo đúng quy định. Trên cơ sở tổng biên chế 100 cán bộ, công chức năm 2019 được Bộ Nội vụ giao, tính đến 31/5/2020, Ủy ban đã tuyển chọn, tiếp nhận 93 cán bộ, công chức. Cán bộ, công chức của Ủy ban đều được tuyển chọn chặt chẽ, đúng quy định, được đào tạo cơ bản. Ủy ban đã nghiên cứu, rà soát và ban hành các quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý nội bộ cho hoạt động của Ủy ban hiệu quả hơn. Đến tháng 5/2020, Ủy ban đã ban hành 56 quy chế, quy định, quy trình, hướng dẫn, nhiều hơn so với dự kiến ban hành khi Ủy ban mới thành lập (44 quy chế, quy định).

Phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tạo sự thống nhất trong phối hợp hành động, giúp ban hành những quyết định đúng đắn và kịp thời, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Theo Nghị định số 131/NĐ-CP, Ủy ban là cơ quan được giao quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty; chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, quản lý người đại diện vốn nhà nước và các chức danh lãnh đạo tại các doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, theo quy định và cơ cấu tổ chức bộ máy hiện hành của Đảng, 16/19 Đảng bộ các Tập đoàn, Tổng công ty lại trực thuộc Đảng bộ Khối các doanh nghiệp Trung ương nên sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác Đảng đều do Đảng bộ Khối các doanh nghiệp Trung ương thực hiện đôi với các doanh nghiệp này. Trong bối cảnh có sự đặc thù như vậy, ngay sau khi Ủy ban đi vào hoạt động, Đảng ủy Ủy ban, Ban Lãnh đạo Ủy ban đã phối hợp với Đảng bộ Khối các doanh nghiệp Trung ương xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan, giúp cho việc quản lý, điều hành đối với các Tập đoàn, Tổng công ty được vận hành xuyên suốt và hiệu quả hơn.

Trong các quyết sách quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác cán bộ của các Tập đoàn, Tổng công ty, sự phối hợp giữa Ủy ban và Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương cơ bản được bảo đảm hiệu quả, giúp các doanh nghiệp sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, nhất là các chức danh lãnh đạo, quản lý, nâng cao chất lượng và kết quả hoạt động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, thực hiện có hiệu quả mục tiêu “bảo toàn và phát triển vốn nhà nước” tại các doanh nghiệp.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban đã sớm nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng tại Đảng bộ Ủy ban, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, luôn song hành cùng các nhiệm vụ chuyên môn; yêu cầu rèn luyện và bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp phải đi đôi với việc rèn luyện, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, đạo đức tác phong, làm tốt công tác tư tưởng, hiểu biết và nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cơ quan “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng của Nghị quyết TW4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Đảng ủy đã tổ chức các lớp học tập, quán triệt và triển khai thực hiện cho toàn thể đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Ủy ban; đồng thời yêu cầu các chi bộ trực thuộc duy trì việc đưa nội dung này trong các buổi sinh hoạt, có viết bài thu hoạch và cam kết thực hiện, đảm bảo việc triển khai Nghị quyết đi vào thực chất, có tính lan tỏa đến nhận thức của từng cán bộ, đảng viên trong cuộc sống hàng ngày và việc thực thi nhiệm vụ được giao.

Kết quả sau một thời gian thực hiện Đảng ủy và lãnh đạo Ủy ban, cán bộ, đảng viên và cấp ủy đảng các cấp đã nhận thức được đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng; vai trò của cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, của người đứng đầu và đảng viên được phát huy mạnh mẽ, tạo nên phong trào sâu rộng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi, đạo đức trong sáng, thực sự tiên phong, gương mẫu, làm nền tảng để tạo nên một tập thể cơ quan Ủy ban đoàn kết, sáng tạo, vững vàng trước mọi thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ./.

Minh Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực