*Đến nay, Đề án sáp nhập một số đơn vị trường học trực thuộc UBND thành phố Kon Tum được triển khai rất nghiêm túc, theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra. Việc sáp nhập trường cơ bản nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân các xã, giảm số lượng trường, tăng tỷ lệ học sinh mỗi trường, bảo đảm ổn định cho sự phát triển lâu dài, tăng khả năng tiếp cận giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập cho tất cả mọi người. Qua đó, công tác quản lý, điều hành ở các trường có nhiều cấp học đã được quan tâm thực hiện đảm bảo nề nếp và phát huy hiệu quả. Đến thời điểm này, số trường được sáp nhập đi vào ổn định.
Trường Tiểu học - THCS Trường Sa (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường Tiểu học Đào Duy Từ và Trường THCS Trường Sa. Ảnh:baokontum.com.vn
Theo đó, trong năm học 2018 - 2019, thành phố Kon Tum tiến hành sáp nhập 3 trường Tiểu học với 3 trường Trung học cơ sở thành trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở phường Trường Chinh, phường Lê Lợi và xã Hòa Bình. Tháng 8 năm 2019, thành phố Kon Tum tiếp tục sáp nhập 5 trường Tiểu học với 5 trường Trung học cơ sở ở phường Nguyễn Trãi, xã Đăk Năng, xã Chư Hreng, xã Đăk Cấm và xã Vinh Quang. Như vậy, từ chỗ trên địa bàn thành phố có 73 trường công lập, hiện nay chỉ còn 65 trường công lập.
Theo kế hoạch, năm 2020 tiếp tục sáp nhập 6 trường Tiểu học với 6 trường Trung học cơ sở ở xã Kroong, xã Đăk Blà, xã Đăk Rơ Wa, xã Đoàn Kết, phường Trần Hưng Đạo, phường Thắng Lợi và thực hiện thí điểm chuyển 3 trường Mầm non công lập thành trường Mầm non ngoài công lập gồm: Trường Mầm non Tuổi Thơ (phường Quyết Thắng); Trường Mầm non Hoa Anh Đào (phường Duy Tân) và Trường Mầm non Hoa Phượng (phường Quang Trung). Đến tháng 8 năm 2021, thành phố tiếp tục sáp nhập thêm 8 trường gồm Trường Tiểu học Phan Đình Phùng và Mạc Đĩnh Chi thành 1 trường và sáp nhập 3 trường Tiểu học với 3 trường Trung học cơ sở ở xã Ngọc Bay, xã Ia Chim và phường Thống Nhất.
Tuy mới bước đầu, nhưng việc sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum bước đầu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, góp phần tích cực tinh giản bộ máy biên chế, giảm dần nhu cầu bổ sung biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, từ đó giảm nguồn chi thường xuyên, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đảm bảo môi trường học tập an toàn, thân thiện, hiệu quả và bình đẳng cho học sinh. Việc sáp nhập cơ sở giáo dục, không ảnh hướng đến quá trình học tập của học sinh tại các trường mà chất lượng dạy và học được quan tâm và nâng cao hơn.
*Với phương châm tinh gọn để tăng tốc, nhiều năm qua, không chỉ riêng ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu, mà các cấp chính quyền tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác rà soát nhằm sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, giảm các điểm lẻ, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo để tăng hiệu quả dạy và học.
Theo thống kê của ngành Giáo dục, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 299 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên (GDTX). Trong đó có 89 trường mầm non, mẫu giáo, 121 trường tiểu học (TH), THCS có 59 trường, THPT có 20 trường… So với cuối năm học 2018 - 2019 đã giảm 6 trường.
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh minh họa: baobaclieu.vn
Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành, tính đến ngày 30/5/2019, toàn ngành có 9.967 người. Trong đó, sự nghiệp giáo dục có 9.794 người, gồm: mầm non 1.916 người (167 giáo viên hợp đồng tạm tuyển, 127 nhân viên hợp đồng); TH 3.988 người (129 giáo viên hợp đồng tạm tuyển, 85 nhân viên hợp đồng); THCS 2.751 người (144 giáo viên hợp đồng tạm tuyển, 59 nhân viên hợp đồng); THPT 987 người (15 giáo viên hợp đồng tạm tuyển, 85 nhân viên hợp đồng)…
So với thời điểm tháng 10/2018, toàn ngành đã giảm 86 người. Trong đó, đội ngũ giáo viên từ 7.868 giảm xuống còn 7.778, cán bộ quản lý khối sự nghiệp giáo dục từ 708 người giảm xuống còn 699 người, nhân viên từ 795 người giảm xuống còn 774 người, riêng nhân viên hợp đồng từ 413 nay còn 391 người… Tuy nhiên do sáp nhập 2 Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Khoa học và Công nghệ nên số cán bộ quản lý nhà nước lại tăng. Cụ thể là từ 113 người lên 142 người…
Việc rà soát, tinh gọn bộ máy, tinh gọn mạng lưới trường lớp qua những năm học gần đây đã cho kết quả khá khả quan khi chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Đây cũng là nền tảng để ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu tiếp tục thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
*Trong năm học 2018-2019 tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện giải thể, sáp nhập năm trường THPT, gồm: Trường THPT Đinh Chương Dương, Trường THPT Lê Văn Linh, Trường THPT Triệu Sơn 6, Trường THPT Trần Khát Chân và Trường THPT Tĩnh Gia 5. Lý do giải thể là các trường THPT nói trên có vị trí và quy mô không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông của tỉnh; việc giải thể các trường THPT đó là nhằm tập trung đầu mối, nguồn lực cho hoạt động giáo dục phổ thông. Việc giải thể, sáp nhập cũng để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đề án sắp xếp các trường THPT công lập hiện có của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025.
Trường Trần Ân Chiên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: vietnamnet.vn
Trong năm học 2019 - 2020 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện giải thể, sáp nhập tám trường trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn.
Các trường thuộc diện giải thể, sáp nhập năm học này gồm: Trường THPT Trần Ân Chiêm (Yên Định), Trường THPT Dương Đình Nghệ (Thiệu Hóa), Trường THPT Triệu Thị Trinh (Nông Cống), Trường THPT Trần Phú (Nga Sơn), Trường THPT Nguyễn Hoàng (Hà Trung), Trường THPT Lê Viết Tạo, Trường THPT Lưu Đình Chất (Hoằng Hóa), Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương).
Theo đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” tỉnh Thanh Hóa sẽ giảm 12 trường THPT so với hiện tại. Việc sắp xếp được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm mỗi huyện có ít nhất một trường THPT với quy mô không quá 45 lớp; sắp xếp lại các trường THPT quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp, hoặc có vị trí địa lý không phù hợp. Đối với khu vực miền núi, nếu các trường THPT có quy hoạch phù hợp nhưng quy mô nhỏ thì ghép thêm trường trung học cơ sở trên cùng địa bàn xã thành trường phổ thông nhiều cấp học. Phương án bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh các trường THPT thuộc diện giải thể, sáp nhập được thực hiện theo quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa./.