Triển khai các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia

Thứ tư, 12/02/2020 16:16
(ĐCSVN) - Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Quy mô, tiềm lực nền kinh tế được tăng cường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, an sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập, đời sống người dân được nâng lên.

Trong quá trình phát triển đất nước, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa tương xứng với kỳ vọng. Mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.

Năng suất lao động Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn cần tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới (Ảnh: Khánh Huy) 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngay từ đầu 2020 này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư – chủ động tham mưu chính sách

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Năng suất lao động quốc gia”; chọn một số lĩnh vực, một số địa phương thực hiện thí điểm Chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Song song là xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

Bên cạnh đó là xây dựng Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong tháng 9 năm 2020.

Ngoài ra, xây dựng chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Bộ Khoa học và Công nghệ - nghiên cứu, triển khai các phương án giúp tăng năng suất

Bộ cần tập trung nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 10 năm 2020.

Đồng thời, xây dựng Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6 năm 2020.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng đề án thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 8 năm 2020.

Ngoài ra, khẩn trương triển khai các dự án năng suất của Tổ chức năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên gia năng suất, tham gia các dự án trung tâm xuất sắc của APO; xây dựng và triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu thúc đẩy năng suất trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Bộ Công Thương – đẩy mạnh tăng năng suất lao động trong lĩnh vực ngành

Bộ tiến hành rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn.

Bên cạnh đó, xây dựng các giải pháp tăng năng suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, tập trung vào hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Thêm vào đó, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện năng lực cạnh tranh công nghiệp và thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh công nghiệp với các nước ASEAN-4; tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao và vai trò của khu vực tư nhân trong công nghiệp chế biến chế tạo được nâng lên.

Hơn nữa, xây dựng Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2020.

Các Bộ, đơn vị khác căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình cần cứ chức năng, nhiệm vụ của mình để có những phương án giải quyết phù hợp góp phần cùng cả nước gia tăng năng suất lao động trong tới gian tới./.

HNV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực