Bài 5: Cởi “nút thắt” cho sự năng động, sáng tạo

Thứ sáu, 27/10/2023 17:37
(ĐCSVN) – “Chúng ta phải rất chú trọng đến vấn đề về công tác cán bộ. Bố trí chọn cán bộ thế nào? Bố trí cán bộ vào việc nào cho đúng vai việc đó. Đừng đưa thợ nề sang làm thợ mộc, đừng đưa thợ mộc đi làm thợ sơn. Tóm lại, lựa chọn cho đúng người mà lại phải bố trí đúng việc để khai thác, phát huy tất cả phẩm chất, năng lực, sở trường của mỗi người”.

Cơ chế nào bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm?

Bài 2: Cần ban hành Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Bài 3: Bảo vệ cán bộ bằng “thành trì” luật pháp

Bài 4: “Đai bảo hiểm” cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán về đường lối, quan điểm, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, nhằm khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì Nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Nhiều vấn đề mới nảy sinh khiến cho cán bộ, đảng viên chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí còn e ngại sợ bị xem xét trách nhiệm. Vậy chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào, đâu là giải pháp cho thực tế này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà trao đổi với phóng viên. 

PV: Thưa đồng chí! Vấn đề sợ trách nhiệm dẫn đến né tránh, đùn đẩy công việc đã diễn ra từ lâu, nhưng thời gian vừa qua càng trở nên nổi cộm, gây bức xúc dư luận, cản trở sự phát triển của xã hội. Vậy, đồng chí nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Trong thực tiễn, vấn đề né tránh trách nhiệm, ngại trách nhiệm, sợ trách nhiệm đã xảy ra từ lâu. Trong cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” có trích đăng một số bài đã đăng trên Tạp chí Cộng sản, trong đó có những bài của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết cách đây gần 50 năm về bệnh sợ trách nhiệm. Điều đó là đúng, tức là có một bộ phận, có một số ít đã bộc lộ từ lâu rồi chứ không phải đến bây giờ.

Thực tiễn thời gian gần đây, tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm diễn ra phổ biến hơn, rộng hơn, nhất là đối với những cán bộ có chức, có quyền. Đây là một điều thực tiễn và chính từ thực tiễn đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chúng tôi vẫn gọi đó là kết luận 6 dám. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, rất cần thiết mà Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận. 

Tuy nhiên, chúng ta lại phải thấy thế này: Đây là việc rất cần thiết, phải làm nhưng vấn đề là Bộ Chính trị chưa ban hành quy định mà Bộ Chính trị ban hành kết luận thì Kết luận của Bộ Chính trị muốn nói lên, đây là một chủ trương, đây là một quan điểm của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo.

Thế còn bảo vệ thế nào? Khuyến khích thế nào lại phải được thể chế hóa thành quy định của Nhà nước thì mới triển khai thực hiện được. Còn vấn đề dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đâu phải chỉ có đảng viên, những người chưa phải là đảng viên cũng có thể thực hiện được. Đó là lí do vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP quy định “về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Tôi cho rằng, Nghị định này thực chất là sự cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

PV: Có thể thấy rằng, trong thực tế thời gian qua, việc phát hiện những biểu hiện sợ sai, không dám quyết, không dám làm, thậm chí đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác hoặc đơn vị khác diễn ra ngày càng nhiều. Thậm chí, căn bệnh này đã được các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ, từ đó yêu cầu các cấp, ngành phải kịp thời đề ra những giải pháp nhằm ngăn chặn và tháo gỡ. Với sự vào cuộc quyết liệt như vậy của cả hệ thống chính trị, công tác này thời gian qua đã có tiến triển như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Có thể nói Kết luận số 14 của Bộ Chính trị đã phản ánh đúng thực tế, bắt đúng mạch được cuộc sống nên được dư luận đánh giá rất cao. Thứ hai là sau khi có Kết luận của Bộ Chính trị thì các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy cũng đã tập trung chỉ đạo vấn đề này để làm thế nào  khắc phục cho được bệnh sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi đã bổ sung thêm một điều “dám”, đó là “dám hành động” và bổ sung thêm mấy chữ “không” là: “Không đùn đẩy trách nhiệm, không né tránh trách nhiệm, không đổ lỗi cho khách quan”. Dù rằng cuộc sống có nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng trong thực tế nhiều người lại đổ cho khách quan mà không thấy nguyên nhân chủ quan của mình để sửa chữa, khắc phục.

Tất nhiên, khi chưa có Nghị định của Chính phủ thì việc triển khai thực hiện còn ở mức độ nhất định, nhưng khi Chính phủ đã có Nghị định quy định rõ về vấn đề này tôi tin rằng việc sợ sai, không dám quyết, không dám làm, thậm chí đẩy "quả bóng" trách nhiệm sang cho người khác hoặc đơn vị khác… từng bước sẽ khắc phục được.

Còn tại sao lại có chuyện đùn đẩy, né trách nhiệm? Theo tôi ở đây phản ánh 2 vấn đề. Thứ nhất, có chuyện sợ trách nhiệm, đùn đẩy cho người khác; cấp dưới đẩy lên trên, cấp trên đẩy xuống dưới; né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm,… đấy là do sợ trách nhiệm. Chúng ta cần phải phân biệt, cần bóc tách ra.

Điểm thứ hai, tôi cho rằng phụ thuộc vào trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ. Phải phân biệt cho rõ, trường hợp nào là đùn đẩy, né tránh, trường hợp nào là do bản thân cán bộ còn thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, chưa đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ được giao, để chúng ta xem xét, bố trí cho đúng.

PV: Như đồng chí có chia sẻ, các giải pháp nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay chúng ta đã có. Tuy nhiên, để có thể “mạnh tay” hơn với việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chúng ta cần quyết tâm, quyết liệt, kiên trì công phá “tảng đá” mang tên trách nhiệm bằng những hình thức, phương pháp như thế nào? Đâu là giải pháp quan trọng nhất?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Tôi có thể nói rằng, Kết luận 14 của Bộ Chính trị mới là chủ trương, Nghị định của Chính phủ thì tương đối cụ thể, rõ ràng hơn và đó là vấn đề quy định của chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhưng chúng ta cũng phải thấy một vấn đề thế này: Không một quy định nào, không một nghị định nào mà có thể giải quyết một cách thấu đáo các vấn đề. Cho nên giải pháp ở đây là phải sử dụng đồng bộ rất nhiều giải pháp để tất cả cán bộ tùy theo chức trách, nhiệm vụ phải thấy trách nhiệm của mình trong vấn đề này.

Trước hết, muốn làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình phải hiểu được, nắm được, phải “đúng vai, thuộc bài” như đồng chí Tổng Bí thư vẫn thường nói. Đúng vai là làm đúng việc của mình chứ không “chèo” sang việc của người khác. Thuộc bài là phải nắm được chính sách, pháp luật, nắm được quan điểm, chủ trương, đường lối, phải nắm được kiến thức, phải có kinh nghiệm.

Chúng ta phải rất chú trọng đến vấn đề về công tác cán bộ. Bố trí chọn cán bộ thế nào? Bố trí cán bộ vào việc nào cho đúng vai việc đó. Đừng đưa thợ nề sang làm thợ mộc, đừng đưa thợ mộc đi làm thợ sơn. Tóm lại, lựa chọn cho đúng người mà lại phải bố trí đúng việc để khai thác, phát huy tất cả phẩm chất, năng lực, sở trường của mỗi người.

Chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời động viên, khuyến khích những cán bộ tốt, làm được việc và kịp thời phát hiện để chấn chỉnh, góp ý, giúp đỡ, phê phán những cán bộ làm chưa hết trách nhiệm. Khen thưởng, kỷ luật phải công minh, có thành tích biểu dương, khen thưởng kịp thời, có sai lầm, khuyết điểm phải kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh. Đừng để những khuyết điểm nhỏ tích tụ trở thành sai phạm lớn, bởi khi trở thành sai phạm lớn thì mất mát cán bộ, lúc đó việc khắc phục vất vả, khó khăn và lâu dài hơn nhiều.

Chính vì vậy, tôi cho là phải kết hợp đồng bộ các giải pháp vừa là giáo dục chính trị tư tưởng, vừa là đề cao trách nhiệm của mỗi người; vừa phải phát huy trách nhiệm nêu gương, đặc biệt là cán bộ đảng viên phải nêu gương trước, cấp trên phải nêu gương trước cấp dưới, đảng viên phải nêu gương trước quần chúng. Rồi công tác kiểm tra, giám sát, công tác cán bộ phải lựa chọn, đánh giá qua thực tiễn, qua thử thách. Như vậy chúng ta mới có thể được giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, tồn tại.

Đặc biệt bây giờ khi đã có nghị định, quy định rồi, những cán bộ nào mà thoái thác trách nhiệm, những cán bộ nào đùn đẩy trách nhiệm… phải xử lý nghiêm minh, phải thay đổi cán bộ, bố trí cán bộ một cách kịp thời để khắc phục sự trì trệ trong công tác cán bộ. Như vậy cũng là thực hiện đúng quan điểm của Đảng, có lên có xuống, có vào có ra trong công tác cán bộ là điều bình thường và lúc đó trở thành văn hóa trong Đảng.

Trong thực tế điều này chúng ta đã bắt đầu triển khai thực hiện và từng bước đang đi vào cuộc sống. Đó là văn hóa từ chức. Vừa qua đã có một số trường hợp khi thấy mình không đáp ứng yêu cầu, báo cáo cấp có thẩm quyền và cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí việc khác phù hợp với năng lực.

Theo tôi là, bây giờ có những người bố trí các vị trí cao nhưng mà trình độ, năng lực không đáp ứng được, không những ảnh hưởng đến công việc chung mà bản thân người cán bộ đó rất vất vả vì lúc nào cứ phải cố, phải kiễng. Một mặt là ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của Đảng, của cách mạng nhưng cũng rất khổ cho cán bộ đó. Cho nên làm thế nào chúng ta chọn đúng cán bộ nhưng mà lại phải bố trí cho đúng người, đúng việc để phát huy năng lực, sở trường của cán bộ. Đó cũng chính là mục tiêu của công tác cán bộ là chọn cho đúng người, bố trí cho đúng việc.

PV: Để cụ thể hóa Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là cơ sở nhằm cởi “nút thắt” cho sự năng động, sáng tạo. Theo đồng chí, để Nghị định này đi vào cuộc sống, chúng ta cần làm những gì trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Đúng là Nghị định 73 là cơ sở nhằm cởi nút thắt cho sự năng động sáng tạo, dám nói, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì sự nghiệp chung. Nghị định này chính là việc cụ thể hóa Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, trở thành cơ chế, chính sách của Nhà nước. Ở đây tôi muốn nói là khi một chủ trương của Đảng được ban hành ra thì các tổ chức của Đảng và tất cả đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu các tổ chức đảng và một đảng viên nào đó không chấp hành, tức là đã vi phạm quy định của Điều lệ Đảng và phải xử lý.

Còn khi một chủ trương được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị định quy định của Chính phủ, tức là của Nhà nước thì không phải chỉ có các tổ chức Đảng, tất cả đảng viên phải chấp hành mà tất cả mọi công dân Việt Nam đều phải chấp hành. Điều tôi muốn nói là việc cụ thể hóa những chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước là rất quan trọng. Rõ ràng nội dung Nghị định 73 làm rõ nhiều vấn đề. Bộ Chính trị quy định cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thế bây giờ khuyến khích vật chất thế nào? Khuyến khích tinh thần ra sao… phải thể hiện trong chính sách của Nhà nước mới dễ thực hiện.

Cùng với đó bảo vệ cán bộ trong trường hợp nào? Bảo vệ cán bộ là bảo vệ những cái gì? Bảo vệ danh dự, bảo vệ uy tín, thậm chí bảo vệ cả thân thể. Như vậy, Nghị định của Chính phủ đã quy định rất rõ đối tượng nào, đến đâu, thế nào…

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Để nghị định đi vào cuộc sống, chúng ta phải nghiên cứu, học tập, quán triệt rất sâu sắc, nắm cho chắc, đặc biệt là những cán bộ thực hiện việc này. 

Để nghị định đi vào cuộc sống, chúng ta phải nghiên cứu, học tập, quán triệt rất sâu sắc, nắm cho chắc, đặc biệt là những cán bộ thực hiện việc này… Và khi chúng ta thực hiện được chủ trương này thì có thể tạo nên một động lực, khơi dậy được khát vọng của cả đội ngũ cán bộ rất to lớn. Tôi tin là như vậy.

PV: Như đồng chí đã trao đổi, Nghị định 73 có thể giúp tháo gỡ những tình huống đang vướng ở trước mắt. Nhưng một số ý kiến lại cho rằng, về căn bản thì cần cân nhắc đưa vào luật những quy định như khuyến khích những việc làm chưa được pháp luật quy định ? Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đức Hà: Ở đây có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là có những quy định đã có nhưng sau thời gian thực hiện, quy định đó không còn phù hợp với thực tiễn nữa. Có người chờ quy định sửa. Mà mỗi lần sửa, thay đổi cần phải có thời gian. Chính vì vậy, khi chúng ta xem xét một vấn đề đúng là có những vấn đề đã quy định rồi nhưng quy định này hiện nhiều người biết, nhiều người nói không còn phù hợp với thực tế nữa nhưng mà không dám làm. Bây giờ có người dám làm, làm khác đi một tí cho phù hợp với thực tiễn. Có thể nó không đúng với văn bản, đúng quy định nhưng lại đúng với thực tiễn. Đó là vấn đề mới.

Còn vấn đề thứ hai là có những cái chưa có trong quy định. Đây là vấn đề cực kỳ khó. Xem xét về mặt lý luận, chúng ta thấy đây là vấn đề rất đúng rồi. Từ thực tiễn đặt ra, chúng ta nắm bắt thực tiễn, tổng kết thực tiễn để từ đó cho chúng ta nhận thức mới, lý luận mới để tổng kết thực tiễn, nâng lên thành lý luận và từ lý luận lại quay trở lại để soi đường cho thực tiễn.

Thực tiễn đang đặt ra vấn đề thế này, có những cái bây giờ chưa có quy định, tức là chưa có lý luận nhưng mà thực tiễn chỗ này nó nảy sinh, thực tiễn chỗ kia nó nảy sinh, chúng ta phải biết khái quát lại từ thực tiễn để chúng ta rút ra đằng sau vấn đề này nó là cái gì? Chỗ này mới đặt ra vấn đề đòi hỏi trình độ cán bộ. Cái có rồi thì phải biết nó có còn phù hợp hay không? Còn cái chưa có thì phải dự báo là thực tiễn đã xảy ra chuyện này, thực tiễn xảy ra chuyện kia. Cho nên đúng là có những cái đã có quy định rồi nhưng nó không còn phù hợp phải mạnh dạn thay đổi, mạnh dạn đổi mới. Còn những cái chưa có nếu thực tiễn nó bộc lộ, thực tiễn đã chỉ ra cần thiết phải làm, chúng ta bàn bạc, thảo luận thống nhất. Điều đó đòi hỏi phải rất quyết liệt, bởi không phải ai cũng dám làm.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thu Hà - Nguyễn Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực