(ĐCSVN) - Đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam diễn ra cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vượt qua sự hạn chế của điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam lúc đó, vượt lên những hạn chế của các sĩ phu yêu nước đương thời, bằng thiên tài trí tuệ và bằng hoạt động thực tiễn của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết đó, đã tìm ra giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.
Vào giữa thế kỷ thứ XIX, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã thống trị ở Anh, Pháp, Đức và một số nước khác ở Tây Âu. Ở các nước này, giai cấp tư sản tăng cường áp bức, bóc lột giai cấp công nhân. Và cũng tại đây, phong trào công nhân phát triển từ "tự phát" đến "tự giác", mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản trở nên gay gắt. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đối với chủ nghĩa tư bản đòi hỏi phải có lý luận tiên phong dẫn đường. Để đáp ứng đòi hỏi đó, chủ nghĩa Mác ra đời với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Lý luận của chủ nghĩa Mác khẳng định sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, xây dựng xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Đến cuối thế kỷ thứ XIX, chủ nghĩa tư bản thế giới chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước đế quốc tranh giành nhau xâm chiếm thuộc địa và đã căn bản hoàn thành việc phân chia thế giới, áp đặt ách thống trị thực dân ở khắp các nước Á, Phi và Mỹ Latinh. Thế giới bị chia cắt làm hai: một khu vực gồm các nước tư bản, có nền công nghiệp phát triển, thường được gọi là phương Tây, còn khu vực còn lại gồm các nước thuộc địa và phụ thuộc, nền kinh tế còn lạc hậu, thường được gọi là phương Đông. Vấn đề đặt ra cho các nước thuộc địa và phụ thuộc là làm thế nào để được giải phóng. Thế giới hình thành mâu thuẫn mới: mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Nó trở thành điều kiện khách quan cho phép phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa gắn bó với phong trào cách mạng quốc tế, đặc biệt là với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản.
|
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua (Tour), tháng 12 – 1920 |
Sang đầu thế kỷ XX, nhiều sự kiện lịch sử diễn ra dồn dập, báo trước sự chuyển biến của tình hình quốc tế. Cuộc xung đột, tranh giành quyền lợi giữa các nước đế quốc đã dẫn đến cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918), làm cho các mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa đế quốc trở nên gay gắt. Cùng với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước đế quốc, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bùng lên mạnh mẽ, điển hình là Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ápganixtan, Inđônêxia, v.v… Bão táp cách mạng với "phương Đông thức tỉnh" là nét đặc sắc của tình hình quốc tế trong giai đoạn này.
Trong bối cảnh lịch sử ấy, Lênin đã phân tích tình hình cụ thể, tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đề ra lý luận cách mạng vô sản có thể thành công ở một số nước, thậm chí trong một nước tư bản phát triển trung bình; đồng thời nêu lên nguyên lý về cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa, về sự đoàn kết giữa giai cấp công nhân ở các nước tư bản và các dân tộc ở các nước thuộc địa trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Thực tiễn chứng minh lý luận của Lênin là đúng với thắng lợi của cuộc Cách mang Tháng Mười năm 1917 dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga. Thắng lợi đó là nguồn cổ vũ lớn lao đối với cách mạng thế giới, nhất là cách mạng ở thuộc địa. Năm 1919, Lênin cùng các nhà cách mạng chân chính ở các nước thành lập Quốc tế Cộng sản - một tổ chức quốc tế của phong trào cách mạng thế giới. Quốc tế Cộng sản ra đời đánh dấu bước phát triển mới về chất của phong trào cách mạng vô sản và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi thế giới.
Trong bối cảnh chung của tình hình quốc tế, Việt Nam cũng bị chi phối bởi những điều kiện lịch sử đó. Việt Nam là một quốc gia hình thành sớm. Ý thức quốc gia, dân tộc, làm chủ đất nước của cộng đồng người Việt có từ ngàn xưa. Cuộc đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm trong hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc cho dân tộc Việt Nam những truyền thống tốt đẹp: yêu nước nồng nàn, độc lập tự chủ, kiên cường bất khuất, đoàn kết thống nhất... Dân tộc Việt Nam không ngừng giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp đó.
Vào giữa thế kỷ thứ XIX, đế quốc Pháp nổ súng đánh chiếm nước ta, giữa lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà suy tàn, mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến trở nên gay gắt. Trước hành động xâm lược của đế quốc Pháp, chế độ phong kiến mà đại biểu là triều đình nhà Nguyễn đã chọn con đường quỳ gối đầu hàng, dâng nước ta cho Pháp. Chế độ phong kiến Việt Nam trước đây đại biểu cho dân tộc, đến nay bộc lộ rõ sự thối nát, bất lực và phản động. Mặc dù vậy, ngay từ khi đế quốc Pháp xâm lược nước ta, các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta với truyền thống kiên cường bất khuất đã liên tiếp nổ ra khắp Bắc, Trung, Nam. Cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng của nhân dân ta đã gây cho bọn xâm lược rất nhiều khó khăn, thiệt hại. Phải mất một phần ba thế kỷ, đế quốc Pháp mới đặt được ách thống trị lên đất nước ta. Tuy nhiên, các cuộc kháng chiến anh dũng đó đều không thành công, đều bị dập tắt trong máu lửa. Năm 1885, phong trào Cần Vương dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước phát triển rầm rộ, nhưng cũng chỉ kéo dài được đến năm 1896. Tuy các sĩ phu giàu lòng yêu nước, nhưng không có khả năng vạch ra được giải pháp mới phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và xu thế phát triển của thời đại. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, các phong trào yêu nước chống Pháp đều bị thất bại. Bởi kẻ thù mới này có tiềm lực kinh tế, có đội quân xâm lược nhà nghề với ưu thế về vũ khí, kỹ thuật và phương tiện chiến tranh. Nhận định phong trào chống Pháp của nhân dân ta thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này có viết: “Cuối thế kỷ XIX chủ nghĩa đế quốc Pháp xâm lược Việt Nam. Bọn vua quan và phong kiến đê tiện và hèn nhát đầu hàng và câu kết với bọn đế quốc để tiếp tục nô dịch nhân dân Việt Nam nhiều hơn, khiến nhân dân Việt Nam khổ cực không kể xiết. Nhưng đại bác của bọn đế quốc không thể át tiếng nói yêu nước của nhân dân Việt Nam…Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước Việt Nam”1.
Sang đầu thế kỷ XX, sau khi đã cơ bản hoàn thành giai đoạn vũ trang xâm lược nước ta, đế quốc Pháp tiến hành kế hoạch “khai thác thuộc địa”, nhằm bóc lột, vơ vét sức người, sức của ở Việt Nam. Dưới chế độ khai thác, bóc lột và thống trị của đế quốc Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi quan trọng:
Về kinh tế, để thu được lợi nhuận tối đa, đế quốc Pháp thi hành chính sách kinh tế thực dân rất bảo thủ và phản động, đó là duy trì phương thức sản xuất phong kiến kết hợp với việc thiết lập một cách hạn chế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dưới hình thức thực dân được du nhập vào Việt Nam. Thực hiện chính sách trên, đế quốc Pháp thực hành thủ đoạn độc quyền kinh tế và thủ đoạn bóc lột phi kinh tế, đó là chế độ thuế khóa vô cùng nặng nề và hết sức vô lý. Chính sách kinh tế trên của Pháp đã tước hết khả năng phát triển độc lập của nền kinh tế Việt Nam, làm cho nó ở trong tình trang lạc hậu, phải hoàn toàn phụ thuộc vào kinh tế Pháp. Nhân dân Việt Nam bị bần cùng hóa, nông dân, thợ thủ công phá sản, ngày càng nghèo đói.
|
Bến cảng Nhà Rồng hôm nay |
Về chính trị, đế quốc Pháp thực hành chính sách chính trị chuyên chế. Chúng dùng lối cai trị trực tiếp bằng bộ máy công chức chuyên nghiệp người Pháp, thâu tóm mọi quyền hành. Đứng đầu bộ máy cai trị ở Đông Dương là một tên toàn quyền người Pháp. Mỗi kỳ có một Thống đốc, hoặc Thống sứ, Khâm sứ. Mỗi tỉnh có một Công sứ. Triều đình nhà Nguyễn chỉ đóng vai trò bù nhìn. Với bộ máy nhà nước thuộc địa như vậy, chúng thẳng tay đàn áp, không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Cùng với chính sách đàn áp dã man phong trào cách mạng, chúng còn dùng chính sách chia để trị. Chúng chia nước ta thành ba kỳ với ba hình thức cai trị khác nhau nhằm chia rẽ và gây hằn thù dân tộc. Chúng còn chia rẽ nhân dân ba nước Đông Dương. Nhận định về chính sách “chia để trị”, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi cái châm ngôn “chia để trị” của nó. Chính vì thế, mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói, đã bị chia năm xẻ bảy”2. Đối với nhân dân ba nước Đông Dương thì sau khi đẩy họ chống lại nhau, chúng “lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại”, lập nên xứ “Đông Dương thuộc Pháp”. Chúng còn bóp nghẹt quyền tự do, dân chủ, đàn áp dã man mọi hoạt động yêu nước của nhân dân ta.
Về văn hóa, xã hội, đế quốc Pháp thi hành chính sách ngu dân, truyền bá văn hóa nô dịch, phản động, khuyến khích đồi phong, bại tục, gây tâm lý tự ti, vong bản. Chúng tước hết mọi quyền sống của con người, lập nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng tìm mọi cách để ngăn chặn ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa tiến bộ trên thế giới vào Việt Nam. Đúng như đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Làm cho dân ngu để dễ trị, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất”3.
Cũng vào thời điểm đó, các trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản trên thế giới dồn dập dội vào nước ta: tư tưởng của Cách mạng Nga năm 1905 dưới tác động của nước Nhật duy tân, chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, tư tưởng dân tộc, dân quyền của Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, tư tưởng của Cách mạng tư sản Pháp, v.v.. Dưới ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng trên, phong trào yêu nước Việt Nam chuyển sang khuynh hướng mới mà ta thường gọi là cuộc vận động dân tộc dân chủ tư sản, tiêu biểu là các phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can, cải cách dân chủ của Phan Châu Trinh, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, v.v.. Sau một thời gian phát triển rầm rộ, các phong trào trên cũng nối tiếp nhau tan rã trước sự đàn áp man rợ của đế quốc Pháp. Mặc dù còn thụ động, ấu trĩ, chưa tin vào sức mạnh của chính dân tộc mình, mà nặng về cầu viện, cải cách, nhưng giải pháp mới theo khuynh hướng dân chủ tư sản chí ít cũng đặt vấn đề của dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ quốc tế và thời đại nhất định.
Những thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên đây dẫn đến những thay đổi về tính chất và mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, về đối tượng và lực lượng của cách mạng Việt Nam. Cơ cấu giai cấp xã hội cũng thay đổi: giai cấp công nhân và giai cấp tư sản hình thành cùng với sự phân hóa của các giai cấp cũ, rồi kéo theo sự thay đổi về ý thức xã hội và đời sống. Bị đế quốc Pháp xâm lược, xã hội Việt Nam từ một xã hội phong kiến chuyển thành xã hội thuộc địa, nửa phong kiến. Hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam là: mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Pháp xâm lược; mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam – chủ yếu là nông dân – với giai cấp địa chủ phong kiến. Đối tượng cần phải đánh đổ của cách mạng Việt Nam là đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ phong kiến. Trong bối cảnh của tình hình quốc tế và trong nước như vậy, giải phóng dân tộc là yêu cầu căn bản của xã hội Việt Nam, là nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, là nguyện vọng thiết tha của cả dân tộc Việt Nam. Rõ ràng, đến đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam diễn ra cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, về giai cấp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cách mạng Việt Nam ở trong "tình hình đen tối như không có đường ra".
Vượt qua sự hạn chế của điều kiện lịch sử xã hội Việt Nam lúc đó, vượt lên những hạn chế của các sĩ phu yêu nước đương thời, bằng thiên tài trí tuệ và bằng hoạt động thực tiễn của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết đó, đã tìm ra giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Người tổng công trình sư, vừa thiết kế vừa thi công công trình này, trước hết là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, lúc đi học có tên là Nguyễn Tất Thành, sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng. Hoàn cảnh gia đình, quê hương, đất nước có ảnh hưởng sâu sắc đến Nguyễn Tất Thành. Thân phụ anh là ông Nguyễn Sinh Sắc, người giỏi Nho học, đỗ Phó bảng, nhưng không chịu hợp tác với Pháp. "Thái độ bất hợp tác, ngầm chống đối thực dân, yêu nước của thân phụ có ảnh hưởng tốt đến nhân cách của anh"4. Quãng đời niên thiếu đèn sách, được sự dạy dỗ của thầy Vương Thúc Quý, một "sĩ tử Cần Vương" và với tư chất thông minh, Nguyễn Tất Thành được bồi đắp vốn kiến thức Nho học và chịu ảnh hưởng chí hướng yêu nước, thương dân của thày dậy.
Năm 1904, ở Nghệ Tĩnh, bọn thực dân Pháp bắt phu đắp con đường Cửa Rào đi Trấn Ninh. Do đói khát và làm việc quá nặng nhọc, nhiều người đã phải bỏ xác, gây cảnh tang tóc đau thương. Thảm kịch "Cửa Rào" gây ấn tượng mạnh, khơi dậy mối thương yêu sâu sắc với đồng bào trong tâm trí Nguyễn Tất Thành. Những năm sau theo cha vào Huế và đi nhiều nơi trong vùng, Nguyễn Tất Thành được chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân, sự áp bức, bóc lột dã man của bọn thực dân, phong kiến, đã hình thành ở anh lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc. "Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, anh đã có chí đuổi thực dân, giải phóng đồng bào"5. Cái nôi gia đình, quê hương đã hun đúc cho Nguyễn Tất Thành sớm có tinh thần yêu nước, căm thù giặc và ý chí đánh đuổi bọn thực dân.
Năm 1906, Nguyễn Tất Thành vào học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba, năm sau vào học Trường Quốc học Huế. Tại đây, anh có điều kiện bổ sung vốn kiến thức Nho học, tiếp thu văn hóa phương Tây. Vốn văn hóa đó giúp anh có khả năng suy xét và hoạt động có tư duy. Vào những năm này, ở Kinh thành Huế như một dòng nước xoáy, cuốn hút mọi tầng lớp tham gia hưởng ứng các phong trào yêu nước. Năm 1908, ở Huế và Trung Kỳ bùng nổ phong trào kháng thuế rầm rộ. Nguyễn Tất Thành cùng số đông học sinh Trường Quốc học tích cực tham gia phong trào. Thực dân Pháp đàn áp dã man. Thất bại của phong trào chống thuế ở Huế cũng như ở Trung Kỳ cùng các phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, làm cho Nguyễn Tất Thành nhận rõ hơn bản chất dã man của bọn thực dân và cũng làm cho anh sớm thấy được sức mạnh đấu tranh của quần chúng khi được tổ chức.
Từ các sự kiện trên, Nguyễn Tất Thành suy nghĩ, cân nhắc đến con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Anh phân tích đúng đắn những điều kiện khách quan và chủ quan trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX để đi đến kết luận: Cụ Phan Châu Trinh chủ trương chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải cách, điều đó chẳng khác gì "xin giặc rủ lòng thương"; Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau"; Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng "còn nặng cốt cách phong kiến". Vì vậy, Nguyễn Tất Thành chọn cho mình hướng đi mới, đó là tìm cách đến các nước phương Tây, nơi có trào lưu Tự do, Bình đẳng, Bác ái để tìm cách làm mới, phương pháp mới, rồi trở về nước giúp Tổ quốc, giúp đồng bào. Quyết định này về sau Người có nói: "Nhân dân Việt Nam, trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ"6. Như vậy, quyết định của Nguyễn Tất Thành có mục đích rõ ràng và có định hướng cụ thể. Với ý định đó, sau khi rời Huế vào Phan Thiết dạy học một thời gian, đầu năm 1911, anh vào Sài Gòn xin vào Trường Bách Nghệ.
Trong lúc đất nước đang cơn khủng hoảng, thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ sôi động, tháng 6 - 1911, Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba từ bến cảng Nhà Rồng trên tàu Latútsơ Tơrêvin rời Tổ quốc thân yêu vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Hành trang của anh mang theo không có gì ngoài tấm lòng yêu nước, đôi bàn tay lao động và ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu dân, cứu nước. Có thể nói, đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là bước mở đầu cho cách mạng Việt Nam chuẩn bị đi vào con đường cách mạng vô sản, nhịp bước với thời đại, kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân một cách hữu cơ từ trong bản chất giai cấp và trên tinh thần đấu tranh vì lợi ích dân tộc và của toàn nhân loại.
Trên đường hành trình cứu nước, Nguyễn Tất Thành chấp nhận cuộc sống của người lao động làm thuê. Đối với anh, đó chỉ là phương tiện nhằm thực hiện mục đích đã đặt ra. Động cơ thúc đẩy Nguyễn Tất Thành ra đi là tìm một giải pháp mới cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam, trước hết là nước Pháp, nước có cuộc Cách mạng 1789 điển hình, nhưng cũng là nước đẻ ra chế độ thực dân đang thống trị Tổ quốc của anh. Ý nghĩ này xuất hiện ở Nguyễn Tất Thành rất sớm, như sau này Người nói: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn dấu đằng sau những chữ ấy. Nhưng trong những trường học cho người bản xứ, bọn Pháp dạy người như con vẹt. Chúng giấu không cho người nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà cả Rútxô và cả Môngtexkơ cũng bị cấm. Vậy thì phải làm thế nào bây giờ? Tôi quyết định tìm cách đi ra nước ngoài"7. Đó là mục tiêu trực tiếp của chặng đầu cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành. Muốn "trở về giúp đồng bào" thì trước hết phải hiểu thật đầy đủ kẻ thù đang áp bức dân tộc mình, nhất là từ trên mảnh đất đã sản sinh ra nó, đồng thời phải tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc đúng đắn theo đường hướng mới. Sự khác biệt giữa Nguyễn Tất Thành với những người sang Pháp hồi ấy là ở chỗ đó.
Trước lúc ra đi tìm đường cứu nước, tìm chân lý cách mạng, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thu sâu sắc truyền thống yêu nước của dân tộc, am hiểu vốn văn hóa phương Đông, một phần văn hóa phương Tây. Đó là vốn quý, là cơ sở quan trọng để Nguyễn Tất Thành tiếp thu chân lý cách mạng, là nhân tố đầu tiên của quá trình hình thành con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
-----------------------------------------------
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9, tr. 313 – 314.
2,3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.2, tr. 116, 99.
4. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh: Bác Hồ thời niên thiếu, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.51.
5. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, tr.13.
6. A. Lui Stơrông: Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân, ngày 19 - 5 - 1965.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.1, tr.477.