Cần hiểu như thế nào về bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà”?

Thứ năm, 12/11/2015 10:05

Xung quanh vấn đề bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà

(ĐCSVN) – Những ngày gần đây, trên một số tờ báo điện tử và mạng xã hội xuất hiện những ý kiến khác nhau xung quanh một bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong sách giáo khoa “Ngữ văn 7” tập Một. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên cuốn sách này về vấn đề nêu trên.

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi trả lời phỏng vấn về bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà”.
 Ảnh: Kim Sơn


"Bản dịch cũ có nhược điểm"

Xin ông cho biết tại sao khi biên soạn cuốn sách này, các tác giả đã không chọn bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” được một số người cho là hay để đưa vào sách, mà lại chọn 2 bản dịch khác, trong đó có bản dịch của Lê Thước - Nam Trân hiện đang có nhiều ý kiến tranh cãi?

Bài “Nam quốc sơn hà” trong sách giáo khoa “Ngữ văn 7” tập Một hiện hành in t năm 2001, nằm trong bộ sách mới của bậc Trung học cơ sở in từ năm 2000 (bắt đầu từ lớp 6), như vậy đến nay đã 15 năm. Với nhiều thay đổi về tình hình chính trị, xã hội trong nước và thế giới, không riêng bài “Nam quốc sơn hà” mà với bất kỳ vấn đề gì trong sách giáo khoa, không chỉ riêng môn Văn mà tất cả các môn đều có những bất cập, đó là chuyện đương nhiên.

Khi dạy bài “Nam quốc sơn hà”, chúng tôi gặp phải những vấn đề rất lớn về nhiều phương diện, nhưng đây là bài không thể không đưa vào chương trình sách giáo khoa. Dù có những ý kiến khác nhau về tất cả mọi mặt thì đây vẫn được không ít người coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc ta. Ở đây cần tránh quan niệm sai lầm khi coi bản dịch cũ là Tuyên ngôn độc lập, mà phải là bản nguyên văn chữ Hán.

Có nhiều lý do để người ta thích bản dịch cũ, tuy nhiên theo tôi có lẽ chủ yếu là vì bài này đọc nghe “êm tai”. Nhưng tại sao không chọn bản dịch cũ mà người ta khen để đưa vào sách? Vì bản dịch này có những nhược điểm.

Bản dịch cũ, xét về vần chưa trung thành với nguyên văn chữ Hán. Trong nguyên văn chữ Hán có 3 vần (cư, thư, hư) thì bản dịch này chỉ có 2 (trời, bời), bớt đi 1 vần. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề lớn.

Về dịch thuật, từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây đều thống nhất là có 2 tiêu chuẩn, đó là tínnhã.  Khi bản dịch hội đủ được 2 tiêu chuẩn này thì được coi là đạt. Tín là trung thành về nội dung, nhã là tốt về hình thức, trong đó tiêu chuẩn tín là cơ bản. Tất nhiên, nếu chỉ trung thành về nội dung mà hình thức không đạt yêu cầu ở một mức nào đó thì cũng không được.

Bản dịch cũ mà nhiều người khen hay, xét về tiêu chuẩn tín là có vấn đề. “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” dịch là “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, chữ “đế” dịch là “vua” là không ổn. Đời Tống, “đế”“vương” là hoàn toàn khác nhau. Thời đó, “thiên tử - con trời” chỉ có một thôi, chỉ có hoàng đế Trung Hoa mới được coi là “con trời” và được gọi là “đế” thôi, còn “vương”, tức lãnh tụ một vùng ở Trung Quốc, thời đó không ít. Tác giả bài “Nam quốc sơn hà” "ghê gớm" lắm khi thả một chữ “đế” ở đây, nghĩa là coi vua nước Nam ngang hàng với hoàng đế Trung Hoa! Chỉ có bản dịch của Ngô Linh Ngọc được đưa vào sách giáo khoa là giữ được chữ "đế", còn tất cả các bản dịch khác đều có nhược điểm là dịch thành "vua" (vương).

Câu “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, theo bản dịch cũ là “Rành rành định phận ở sách trời”, trong đó “định phận” không được dịch. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê hay Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, đều không có từ “định phận”, chỉ có từ “định mệnh”. Tiếng Việt không có từ “định phận”, tại sao không dịch? Như vậy chỗ này sẽ gây ra trường nghĩa mù mờ, và không chỉ mù mờ mà còn có thể đưa tới liên tưởng tiêu cực rằng đây là “số phận”, trong khi đó “phận” ở đây là địa phận, lãnh thổ. Ngược lại, “Vằng vặc sách trời chia xứ sở” trong bản dịch của Lê Thước - Nam Trân rõ ràng là vấn đề lãnh thổ, vấn đề chủ quyền của nước Nam!

Câu “Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm” ở bản dịch cũ không sát nghĩa, bởi không có định ngữ “dữ” của từ “giặc” so với bản dịch mới. Phải là “giặc dữ” thì mới sát với nguyên văn “nghịch lỗ”!

Câu “Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” trong bản dịch cũ nghe “oai” lắm! Nhưng trong câu thứ tư này của nguyên văn chữ Hán còn có một từ rất quan trọng, đó là chữ “hành”. Chữ “hành” này quan trọng đến mức đã từng khiến hai nhà nghiên cứu đầu ngành về Hán Nôm học của nước ta tranh luận hàng buổi! Tiếng Hán rất phức tạp, trong đó riêng chữ “hành” có tới trên 50 nghĩa. Trong bản dịch cũ, “sẽ bị đánh tơi bời” là ở thì tương lai, còn trong bản dịch của Lê Thước - Nam Trân “nhất định phải tan vỡ”, từ “hành” nghĩa là “nhất định sẽ”, là chuyện chắc chắn diễn ra trong tương lai, không thể khác!

Trên bình diện so sánh như thế, tôi nói rằng về tiêu chí tín, bản dịch của Lê Thước - Nam Trân mà chúng tôi sử dụng trong sách giáo khoa “Ngữ văn 7” tập Một là tốt hơn so với bản dịch cũ. Đối với “Nam quốc sơn hà” là một bài thơ chính trị, một tuyên ngôn chính trị, thì tín lại càng quan trọng!

 Giáo sư Nguyễn Khắc Phi: Nhiều người thích bản dịch cũ vì đọc nghe “êm tai”! 
 Ảnh: Kim Sơn


 "
Người Việt Nam không quen nghe thơ vần trắc"

Theo ông, vì sao dư luận lại có nhiều ý kiến không thiện cảm, thậm chí còn chỉ trích gay gắt bản dịch của Lê Thước - Nam Trân như vậy?

Như tôi vừa nói, có nhiều lý do để người ta thích bản dịch cũ, tuy nhiên theo tôi có lẽ chủ yếu là vì bài này đọc nghe “êm tai”! So với bản dịch của Lê Thước - Nam Trân, vì sao bản dịch cũ nghe “êm tai” hơn? Vì đó là bài thơ vần bằng. Những nhà Hán Nôm học thâm thúy như các cụ Lê Thước và Nam Trân có thể dịch thơ vần bằng dễ hơn nhiều, các em học sinh ngày nay làm thơ vần bằng cũng dễ hơn nhiều so với làm thơ vần trắc. Ngâm thơ thì lại càng như vậy! Vậy vì sao bản dịch của Lê Thước - Nam Trân lại chuyển bài “Nam quốc sơn hà” sang vần trắc? Đừng nghĩ rằng các cụ không cân nhắc!

Cần hiểu như thế này: Đối với người Việt Nam, thơ lục bát quan trọng như hồn vía của dân tộc ta không hề có vần trắc. Ba ngàn hai trăm năm mươi tư câu trong “Truyện Kiều” không hề có vần trắc. Thể thơ phổ biến thứ hai là thất ngôn bát cú, cứ một khổ bốn câu có bảy chữ gieo vần thì chỉ có hai vần trắc, còn lại năm chữ kia là vần bằng. Tóm lại là dân tộc ta mấy nghìn năm nghe thơ vần bằng quen tai rồi, bây giờ nghe thơ vần trắc ắt thấy “khó vào”!

Nhưng tại sao có khi phải gieo vần trắc? Đó là do đặc điểm của âm giai vần trắc nó rắn rỏi, nó sắt đanh… Cho nên mới có câu “Tài cao, phận thấp, chí khí uất” của Tản Đà. Hay là bài khai quyển “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 11/12 chữ cuối câu là vần trắc: “Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại”. Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ gieo vần như thế!

Hai cụ Lê Thước và Nam Trân nay đã về với tổ tiên, nhưng tôi nghĩ thế hệ sau cần hiểu vì sao hai nhà nho này lại chuyển bài “Nam quốc sơn hà” sang vần trắc, hơn nữa lại giữ vần trắc ở cả 3 chỗ trong bài (ở, sở, vỡ).

Có nên dùng lại bản dịch cũ khi tái bản sách?

Trước ý kiến từ phía dư luận, theo ông, có cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung các bản dịch bài thơ “Nam quốc sơn hà” trong sách giáo khoa “Ngữ văn 7” tập Một, trong lần tái bản tới đây?

So sánh hai bản dịch nêu trên, tôi đưa ra luận điểm sau:

Văn bản chữ Hán của bài “Nam quốc sơn hà”, một nhà nghiên cứu cho rằng có 25 dị bản, còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Na thì có tới 35 dị bản. Chúng tôi chọn 1 văn bản được mọi người công nhận và chỉ riêng văn bản này đã có tới gần chục bản dịch. Chọn bản dịch nào để đưa vào sách giáo khoa “Ngữ văn 7”, chúng tôi phải cân nhắc, vì chưa có bản dịch nào hoàn thiện, kể cả bản của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn. Cho nên chọn 1 bản không được mà phải chọn 2 bản, thêm 1 bản nữa là ảnh chụp nguyên văn và bản dịch bài “Nam quốc sơn hà” trên bức sơn mài ở Viện Bảo tàng Lịch sử. Như vậy để lấy cái ưu điểm của bản này bù đắp cho bản kia. Mặt khác, đó cũng là một hướng giảng dạy mới, không “trói chặt” học sinh vào một văn bản nào, đối với văn thơ dịch.

Tôi cho rằng giáo viên có thể đưa thêm vào bài giảng các bản dịch khác để học sinh tham khảo, kể cả bản dịch cũ trước đây cũng được. Còn nếu sau này thay sách giáo khoa, có thể đưa bản dịch cũ mà nhiều người khen hay vào sách mới được không, thì cái này tôi không có quyền, mà quyền này thuộc về nhóm tác giả sau, trong tương lai. Tuy nhiên, theo tôi thì dứt khoát không được, vì bản dịch đó có những khuyết điểm về phương diện tín. Nếu dùng thì nhất định phải sửa 3 điểm về phương diện này, như tôi đã nêu ở trên.

Xin cảm ơn ông!

3 bản dịch bài “ Nam quốc sơn hà” trong sách “Ngữ văn 7” tập Một

 

                                                                                                                                                    

Đức Thái - Kim Sơn



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực