(ĐCSVN) - Trong những ngày vừa qua, câu chuyện bản dịch bài thơ Nam quốc sơn hà đã trở thành một đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận. Sau khi Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, Tổng Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập Một trả lời trên một số báo, đài về vấn đề này, nhiều người vẫn tiếp tục nêu ra những câu hỏi và ý kiến khác nhau.
Với sự nghiêm túc, cầu thị, Giáo sư Nguyễn Khắc Phi tiếp tục trả lời các câu hỏi, giải thích các vấn đề được nêu ra:
Thưa Giáo sư, ông từng nói rằng khi biên soạn bài Nam quốc sơn hà, các tác giả đã “gặp phải những vấn đề rất lớn về nhiều phương diện”, vậy xin ông cho biết rõ thêm, đó là những vấn đề gì?
Trả lời câu hỏi này, nếu nêu ra hết thì mất nhiều thì giờ, vả lại có một vài vấn đề đi quá sâu vào khoa học, không nhất thiết trình bày vào dịp này. Bạn đọc nào quan tâm, xin đọc bài viết của tôi nhan đề là Một vài điều cần trao đổi về bài Nam quốc sơn hà, đăng trong Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư (số 5 (13), tháng 9/2011), bài này cũng đã được đưa lên mạng Internet. Qua đây, ít nhất các bạn cũng thấy rằng, đó là những vấn đề rất không đơn giản, khó có thể đi tới thống nhất ý kiến. Tuy nhiên, ngay cả những vấn đề chưa thể thống nhất, chúng ta cũng cần có những quan niệm, những hướng xử lí thống nhất vì trước mắt chúng ta vẫn phải dạy bài ấy, và trong tương lai, dù quan niệm về việc chọn lựa tác phẩm văn học (bao gồm cả tác phẩm dịch) có thoáng đến đâu, Nam quốc sơn hà nhất định vẫn phải đặt vào trong danh sách tác phẩm bắt buộc phải học. Không phải bây giờ mà trước đây hơn 15 năm, lúc bắt tay biên soạn bộ sách hiện hành, chúng tôi cũng đã phải trăn trở về những vấn đề đó và tìm phương hướng tối ưu.
Nam quốc sơn hà có rất nhiều dị bản nguyên văn chữ Hán, vậy chọn bản nào? Đa số cho rằng bản trong Đại Việt sử kí toàn thư là chuẩn nhất. Tuy nhiên, không ít dịch giả, lúc dịch chọn bản ấy, ở câu thứ 2, đã đảo trật tự cụm từ “phận định” thành “định phận”. Tuy nhiên chữ “phận” này có thể đọc là “phận” hoặc “phân”. Vậy, nếu đặt ở trước, thì “phận định” hay “phân định”? (nếu đặt ở sau thì dứt khoát phải đọc là “định phận” mới đúng luật thơ). Cuối cùng, chúng tôi chọn bản như ở bức tranh sơn mài của Viện Bảo tàng Lịch sử.
Dù chọn “phận”, song “phận” nghĩa là gì, “số phận” hay “địa phận”? Qua phần giải nghĩa từng chữ, các bạn đã thấy chúng tôi chọn nghĩa “địa phận” và từ quan niệm ấy chúng tôi cho rằng bản dịch “cũ” (tạm quy ước thế thôi chứ mọi cách gọi “cũ”, “mới”, “dịch đi”, “dịch lại” “thay bản dịch”, “bản dịch chuẩn”… đều không chính xác) có nhược điểm là giữ nguyên văn chữ Hán mà không dịch nên tạo ra “một trường nghĩa mù mờ” vì có 2 cách hiểu. Về vấn đề này, có bạn đọc tỏ ra rất bức xúc, cho rằng: “Rành rành định phận tại sách trời”, bản thân tôi thấy câu thơ rất rõ, nghiêm túc, khẳng định một thực tế là nước ta đã được cắm mốc xác định lãnh thổ…, đã được “trời”- là nhân vật cao nhất cai quản cả thiên đình và địa giới theo cách nghĩ của người xưa “cấp sổ đỏ”! Vấn đề đâu đơn giản thế! Tôi nói “trường nghĩa mù mờ” không có nghĩa là bác bỏ hoàn toàn cách hiểu thứ hai và cách hiểu thứ hai không phải là không có căn cứ. Chính người có cách hiểu thứ hai là Nguyễn Khắc Viện khi dịch hai câu thơ đầu ra tiếng Pháp, thành:
| Sur les monts et les eaux du Sud règne l’ empereur du Sud Tel est le destin fixé à jamais sur le Céleste Livre. |
|
“Destin” chính là “số phận” đó! “Định phận”, “phận định” hay “phân định”, “phận” nghĩa là gì hay cả 2 nghĩa đều có thể chấp nhận vì xét về mặt tâm linh, dù bên ngoài ý nghĩa có vẻ ngược nhau nhưng tận đáy sâu không phải không có mối liên hệ, đó cũng là những vấn đề người biên soạn sách giáo khoa sắp tới vẫn phải tiếp tục xử lý.
Khi biên soạn sách giáo khoa, trong tay chúng tôi đã có 9 bản dịch cùng dựa vào văn bản chữ Hán nói trên, chọn bản nào đây? Tôi không tán thành cách nói bản dịch được một số người yêu thích là bản dịch “cũ”, “đã thấm nhuần vào tiềm thức của bao thế hệ”… Có một vài người nói đó là bản dịch của Trần Trọng Kim. Tôi đang cố đi tìm xuất xứ của bản dịch này. Nếu là của Trần Trọng Kim thì in lần đầu tiên ở ấn phẩm nào và vào năm nào? Trước mắt tôi là cuốn Lịch sử Việt Nam, Tập I, được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam và được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1971, ở trang 181, sau khi dẫn nguyên văn chữ Hán bài Nam quốc sơn hà, đã viết:
“Tạm dịch là:
| Sông núi nước Nam, vua Nam ở Rành rành định phận ở sách trời. Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.” | |
Tôi vô cùng băn khoăn: Nếu những dòng trên là chính xác, thì một tác giả nào đó của cuốn sử này đã “tạm dịch” bài thơ mà không ít bài trao đổi trên mạng đã ca ngợi. Nếu khi viết cuốn sử này (năm 1971), bản dịch “cũ” đã xuất hiện mà cuốn sử này không ghi xuất xứ là một lỗi lớn. Mong các bạn đã đề cao bản dịch “cũ” cung cấp thông tin đầy đủ về bản dịch này cho những người làm Chương trình và sách giáo khoa mới để việc cân nhắc, tuyển chọn bản dịch được chính xác hơn.
Khi chọn lựa, mặc dù quả thực chưa có đầy đủ thông tin về bản dịch cũ (và giả dụ đã có thông tin, như tác giả là Trần Trọng Kim chẳng hạn), chúng tôi vẫn chọn bản dịch của Lê Thước và Nam Trân, vì đây là chọn chất lượng bản dịch chứ không phải chọn tác giả, lý do vì sao thì chúng tôi đã trình bày những nét chính khi trả lời phỏng vấn lần trước trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông suy nghĩ như thế nào về những ý kiến không đồng tình với quan niệm của những người biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn 7 tập Một?
Trước hết, chúng tôi rất vui mừng vì có không ít người, đặc biệt là các giáo viên giỏi đứng lớp đã chia sẻ với nhiều quan điểm, ý kiến của chúng tôi, chúng tôi xin chân thành cảm ơn. Tuy nhiên, chúng tôi chú ý nhiều hơn đến những bài có ý kiến trái chiều, vì làm sáng tỏ những điều đang đặt ra, sẽ có lợi cho việc biên soạn sách giáo khoa sau này.
Về tiêu chuẩn “tín” trong dịch thuật, tôi thấy trên báo chí có một số người có quan niệm không chuẩn xác. “Tín” là trung thành với nội dung, tinh thần của nguyên bản, chứ không phải là hoàn toàn bắt buộc người dịch dịch theo thể loại của nguyên bản. Bản dịch Tỳ bà hành hiện hành cũng như bản dịch Hoàng Hạc lâu của Tản Đà là những dịch phẩm tuyệt tác, đâu có theo nguyên thể của văn bản gốc?
Có người cho rằng trong bản dịch của Lê Thước – Nam Trân, trong câu 4 sử dụng từ “tan vỡ” là sai. Để khỏi tranh luận dài dòng, tôi xin mời quý vị đọc hai đoạn văn ngắn sau đây của nhà bác học Hoàng Xuân Hãn ở cuốn Lý Thường Kiệt trong bộ sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn - bộ sách đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - viết về một nhân vật lịch sử vĩ đại liên quan đến chủ đề chúng ta đang bàn. Nhà Tống hết sức xảo quyệt. Muốn đánh thắng ta, chúng đã cấu kết với Chiêm Thành. Một triều thần đã kiến nghị với Tống Thần Tông: “Ta nên mộ sứ tới dụ Lâm Ấp diệt Giao Chỉ rồi hẹn ngày cùng vào đánh. Nếu phá xong Giao Chỉ, ta sẽ cho nó Nhật Nam (Quảng Bình trở vào), Cửu Đức (Hà Tĩnh)”. Bởi vậy trong cuốn sách này, chúng ta không chỉ được đọc những đoạn viết về những trận đánh giữa ta với nhà Tống mà cả với Chiêm Thành. Đây là một đoạn nói về một trận đánh với Chiêm Thành: “Lúc thuyền quân ta tới Nhật Lệ, thuỷ quân Chiêm chặn đánh… Thuỷ quân Chiêm tan vỡ ở đây” (Hoàng Xuân Hãn, Sách đã dẫn, Tập II, trang 286). Đây là đoạn tả một trận đánh với quân Tống: “Quân ta chém giết quân địch đã đổ bộ. Phần bị chết, phần xin hàng, đạo quân đã qua sông hoàn toàn tan vỡ”. (Sđd, Tập II, trang 428). Chả nhẽ Giáo sư Hoàng Xuân Hãn lại dùng chữ sai, thưa quý vị? Có điểm nữa cần nói thêm: “tơi bời” là nhấn mạnh về “cách đánh”, đánh nhanh, dồn dập, liên tục, còn “tan vỡ” là nhấn mạnh về “hiệu quả”, là thể hiện đúng hơn tinh thần của 3 chữ “thủ bại hư”, bị “đánh tơi bời” chưa hẳn đã “tan vỡ”!
Về từ “vằng vặc”, có người không chỉ phản ứng quyết liệt mà còn thẳng tay châm biếm tiền nhân Lê Thước và Nam Trân. Theo tôi, “rành rành” đúng là sát nghĩa với “tiệt nhiên” hơn nhưng không có thể cho “rành rành” là hay hơn “vằng vặc”. “Vằng vặc” không chỉ ‘rõ” mà còn “đẹp”, “sáng”; không chỉ rõ, đẹp, sáng, mà còn “linh thiêng” xét theo quan niệm vũ trụ của con người đương thời. “Sách trời” không phải là “sách người” đóng bằng giấy, xâu các thẻ tre lại như người xưa mà bao hàm cả những nét “văn” đẹp đẽ của các vì tinh tú.
Cũng về từ “vằng vặc”, có bạn đọc đã có một cái nhìn tinh tế khác từ góc độ văn bản học và dịch thuật. Theo báo điện tử VnExpress ngày 10/11/2015: “Anh Tạ Quang Đông, người có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng biên dịch, phiên dịch, cho rằng không nên vội vã phê phán bản dịch mới được đưa vào sách giáo khoa, bởi thơ chữ Hán khi dịch ra có thể có nhiều cách dịch. Không nên vì chưa biết đến các bản dịch khác mà khăng khăng cho rằng bản dịch duy nhất mình biết trong sách cũ là toàn bích.”.
Anh Tạ Quang Đông phân tích: “dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi. Chữ "vằng vặc" vốn chỉ dùng với "trăng" trong các văn bản truyền thống, được Nam Trân dùng một cách ẩn dụ, ngầm so sánh với sự "soi rọi" rõ ràng, rành mạch của chân lý không thể chối cãi - đất Nam của người Nam. Có thể chấp nhận nét nghĩa mới đó của từ "vằng vặc" trong văn cảnh này, vì dịch thơ rất khó, có lúc cần đưa thêm nét nghĩa mới trong một bài cụ thể”.
Tôi xin nói thêm, khi dịch, do nhiều nguyên nhân, bao giờ người dịch cũng gặp phải trở ngại không thể vượt qua và mặt khác lại đưa vào bản dịch một cái gì riêng của mình, của dân tộc mình. Cần hiểu nghĩa của câu “dịch tất phản”, “Traduire, c’ est trahir” theo nghĩa như vậy.
Đồng ý là thơ phải có vần, có nhịp điệu, nhưng không nhất thiết bao giờ cũng “phải êm tai”. “Êm tai” chỉ là một trong muôn vàn âm sắc. Nói bản dịch cũ “êm tai”, có giọng điệu “hào hùng” đều đúng, nhưng không thể nói là bản dịch của Lê Thước – Nam Trân không có nhịp điệu, không hào hùng, mà hào hùng theo kiểu gieo vần trắc. Chúng ta hãy đọc đi đọc lại câu cuối cùng để lĩnh hội âm hưởng của nó: “Chúng mày/ nhất định/ phải tan vỡ”! Ai dám bảo là không có nhịp điệu, khí thế? Còn về chuyện “quen tai” thì cô Lê Vân, giáo viên dạy lớp 7 ở Cầu Giấy (Hà Nội) đã nêu lên một ý kiến dí dỏm: “Các em được dạy như thế nào thì sẽ nhớ như vậy, khi nghe qua, chấp nhận được bản dịch mới thì lại thấy bản dịch cũ nghe lạ tai. Cũng giống như các thế hệ trước đây, quen với bản dịch cũ bao nhiêu năm, giờ nghe bản dịch mới cứ thấy “ngang phè , chối tai”. Cô giáo Hoàng Thị Huệ ở Thanh Hoá cũng có ý kiến tương tự và nói thêm: “Đối với những người lớn đã có cơ hội tiếp xúc với bản dịch phổ biến trước đây, cũng không nên vì thế mà bức xúc, không nên áp đặt tiềm thức của mình lên tiềm thức của con trẻ”. Nhân ý kiến cô Vân, tôi xin nhắc lại một câu chuyện mà trong làng Văn đều nhớ là việc nhà thơ Xuân Diệu bình một câu thơ trong bài 99 trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi:
Tuổi cao tóc bạc, cái râu bạc |
Năm 1963, khi bình câu thơ này, vì “chưa hiểu hết cái tinh diệu” của câu thơ nên đã “mạnh dạn” sửa lại thành: “Tuổi già tóc bạc, chòm râu bạc”! Mười bảy năm sau, thấy mình quá sai (thậm chí có người bảo anh “hỗn”!), anh đã sửa lại như cũ và bình: “Đáng lẽ câu thơ muốn đúng bằng trắc, phải là “chòm râu bạc”, thì Nguyễn Trãi đang từ tiếng bằng êm ả xuôi lơ, lại đặt tiếng trắc: “cái râu bạc”, y như ông vừa vuốt râu, vừa hất hàm, quắc mắt và và lắc đầu. Và cái đầu cứng cỏi ấy cuối cùng đã bị chặt. Văn chương quả thực gắn với tính mạng. “Cái râu bạc” của Nguyễn Trãi hiên ngang biết chừng nào, can trường ngạo nghễ tới mức bọn gian thần phải quyết liệt phủ định” (Xuân Diệu - Quốc âm thi tập, tác phẩm mở đầu nền thi ca cổ điển Việt Nam). Bạn nào quan tâm đến giá trị của vần trắc và thanh trắc trong việc tạo nên nhịp điệu và giọng điệu trong thơ ca, xin mời đọc thêm lời bình đặc biệt hay của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn về 11 chữ có vần trắc và thanh trắc trong 12 chữ cuối của 4 câu thơ ở bài thơ đầu cuốn Ngục trung nhật kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lê Trí Viễn Toàn tập. Phải ít nhất 17 năm Xuân Diệu mới thấy được ý nghĩa tác dụng của một chữ có thanh trắc đặt không thật đúng luật của Nguyễn Trãi! Nhân tiện cũng xin nhắc tới ý kiến nào đó nói rằng 2 cụ Lê Thước và Nam Trân “phá luật thơ Đường”. Các cụ đã chuyển từ thơ Đường luật sang thơ cổ phong rồi cơ mà! Có thế mới gieo được vần trắc chứ! Nói chuyện đàn anh như Xuân Diệu, Lê Trí Viễn là để cùng nhắc nhau rằng, khi có gì lạ tai, chưa hiểu thậm chí khó hiểu thì hãy tìm hiểu cho kĩ đã trước khi phán xét. Và đến đây tưởng cũng cần chỉ ra một điều chưa ai nói đến: ngay ở bản dịch “cũ” mà nhiều người cho là êm tai, cũng có đến 3 câu không hoàn toàn đúng luật thơ Đường! Này nhé: câu 1, chữ “Nam” ở vị trí thứ 6 đáng lẽ cần chữ có thanh trắc; câu 2, chữ "sách" ở vị trí thứ 6, đáng lẽ cần chữ có thanh bằng, nên cả 2 câu đều là "ảo cú" - câu đọc nghe không thuận tai; câu 4, cả 3 chữ ở các vị trí 2, 4, 6 đều không đúng công thức thơ Đường luật! Nên đừng nói nghe “êm tai” là vì đúng luật! Với cái tai thẩm thơ Đường luật quen thì xét về phương diện nào đó, âm điệu của bản dịch “cũ” cũng có chút “ngang phè” đấy! Nói cho rõ vậy thôi, chứ chưa bao giờ chúng tôi chê bản dịch "cũ" là phá luật, vì hoàn toàn có quyền phá khi cần.
Từ câu chuyện Nam quốc sơn hà, Giáo sư nghĩ đến điều gì trong việc tiếp tục dùng sách giáo khoa hiện nay cũng như việc biên soạn Chương trình, sách giáo khoa sắp tới?
Về bài Nam quốc sơn hà, dù có nhiều ý kiến, trong đó có những ý kiến gay gắt, chúng tôi thấy cũng không có vấn đề gì lớn đến mức phải thay bản dịch. Việc đánh giá khác nhau về chất lượng các bản dịch là chuyện rất bình thường, vấn đề cơ bản nhất là sách giáo khoa chúng tôi đã hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu được, thấm được linh hồn của tác phẩm: ý thức về chủ quyền, tinh thần bình đẳng dân tộc, quyết tâm chống xâm lược và niềm tin tất thắng.
Việc trao đổi vừa qua một mặt có thể làm cho các giáo viên lưu ý đi sâu thêm tìm hiểu văn bản quan trọng này, đồng thời có thể gợi mở cho giáo viên vận dụng phương pháp giảng dạy mới trên ngữ liệu đã có. Chẳng hạn, như có người đề nghị ra những đề mở, cho học sinh dựa trên những bản dịch khác nhau để so sánh những chỗ dị đồng, và nếu có thể thì phát biểu cảm tưởng, suy nghĩ, đánh giá của mình.
Như tôi đã trình bày, quanh Nam quốc sơn hà dù còn bao vấn đề tranh luận, nhất định vẫn phải đưa vào diện tác phẩm học bắt buộc. Để đạt được kết quả tối ưu trong việc dạy và học, phải có một số điều kiện, trước hết là phải có một bản dịch thật tốt, mà hiện nay thì phải nói thực là chưa có bản nào đạt được tiêu chuẩn ấy. Nên chăng phát động một cuộc thi dịch Nam quốc sơn hà? Trong các bản dịch tương lai, tôi thấy có ba từ nhất định phải giữ nguyên là 2 từ “Nam” và từ “đế”. “Nam”, đơn giản có nghĩa là không phải “Bắc”, “Nam” không phải là tên nước, nhưng tác giả đã dùng tên một phương hướng làm tên gọi của nước mình, có lẽ đây là trường hợp độc nhất vô nhị! Chỉ một chữ này đã gợi cho ta bao điều suy nghĩ. Cần ôn lại, Đinh Tiên Hoàng được “phong” là “An Nam quận vương”, nhà Tống sau khi bị quân ta đánh bại, trong các chiếu, sắc gửi sang, vẫn gọi Hoàng đế nước ta là “Giao chỉ quận vương”!
Đức Thái - Kim Sơn (ghi)