Chống lãng phí - Thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm

Thứ tư, 30/10/2024 10:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Lãng phí vẫn bị xem nhẹ!

Tổng Bí thư Tô Lâm. 

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một bài viết với nhan đề: “Chống lãng phí” được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện báo chí, truyền thông. Như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội, cũng như đưa ra những giải pháp, thúc giục trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để việc phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với tầm nhìn chiến lược, dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng, các nhà nghiên cứu, giới báo chí, truyền thông. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều phân tích sâu sắc, ý nghĩa quan trọng của việc phòng, chống lãng phí đối với công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Không chỉ phản ánh quan điểm của một lãnh đạo cấp cao mà còn thể hiện sự thẳng thắn, chỉ ra những vấn đề tồn tại và nguy cơ tác động nghiêm trọng của việc lãng phí, gây suy giảm các nguồn lực, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Bài viết cho thấy những trăn trở của người đứng đầu Đảng, Nhà nước về lãng phí đã và đang tồn tại trong xã hội ta. Đây là một vấn đề có ý nghĩa thời sự quan trọng, giúp mọi người nhìn nhận lại tình trạng lãng phí trong xã hội và nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mỗi cá nhân, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, những người làm việc trong bộ máy nhà nước cần nghiêm túc nhìn nhận trong việc sử dụng mọi nguồn lực của xã hội.

Nhìn thẳng vào sự thật, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra những thực trạng về vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại ở đất nước ta, từ những hạn chế trong cơ chế, thể chế, đến đời sống kinh tế thường ngày của Nhân dân, của đồng bào; những mặt phải, mặt trái, những tích cực, tiêu cực của những mô hình, giải pháp, cơ chế, chính sách được áp dụng trên mọi mặt của xã hội. Bài viết "Chống lãng phí" nhấn mạnh sự tồn tại dai dẳng của lãng phí trong nhiều lĩnh vực, từ tài nguyên thiên nhiên, ngân sách quốc gia cho đến nguồn nhân lực, thời gian và sức lực của con người. Không ngần ngại đề cập đến những vụ việc, sự việc nổi cộm mà Nhân dân quan tâm, Tổng Bí thư không chỉ đề cập đến những lãng phí có thể nhìn thấy mà còn đề cập đến những dạng lãng phí “vô hình” như lãng phí cơ hội, lãng phí tiềm năng, và đặc biệt là lãng phí trong hệ thống tổ chức và quản lý nhà nước…

Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư như một thông điệp mạnh mẽ, mang tính thức tỉnh sâu sắc, khuyến khích mọi người xem xét lại cách thức sử dụng và quản lý các nguồn lực trong toàn xã hội. Từ đó, kêu gọi cả hệ thống chính trị và từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, không chỉ vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội mà còn vì trách nhiệm với thế hệ tương lai. Thông điệp này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế và cần được sử dụng tối ưu nhằm đạt hiệu quả cao nhất, khắc phục và chống lãng phí để góp phần thúc đẩy đất nước phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Bài viết nổi bật với cách tiếp cận thẳng thắn, không né tránh các vấn đề nhạy cảm, và chỉ ra cụ thể những hậu quả nghiêm trọng của việc lãng phí, Tổng Bí thư đã đi vào những khía cạnh cụ thể của lãng phí mà ít người nhắc đến, như: Lãng phí do thiếu quy hoạch, sự không hiệu quả trong đầu tư công, hay các dự án bị bỏ hoang không được sử dụng… Bài viết cũng nêu rõ sự lãng phí này không chỉ đơn thuần là mất đi tài sản mà còn tạo ra sự bất công trong xã hội. Khi nguồn lực quốc gia bị lãng phí, những cơ hội phát triển sẽ bị thu hẹp, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và gây mất lòng tin trong Nhân dân đối với Đảng cầm quyền.

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng. Thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông, bài viết giúp công chúng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của từng cá nhân trong việc sử dụng nguồn lực xã hội, nhất là khai thác hiệu quả tài sản, tài nguyên sao cho hiệu quả. Các hành vi nhỏ nhặt như lãng phí điện, nước, lãng phí thời gian trong công việc, đều là những hành động có tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của đất nước. Đồng thời, bài viết cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến các cấp lãnh đạo về sự cần thiết phải cải tổ hệ thống quản lý và kiểm soát các nguồn lực của quốc gia… Điều này đã giúp tạo nên những phản hồi tích cực từ người dân, khuyến khích ý thức tiết kiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tài sản công…

Như một lời nhắc nhở sâu sắc về ý thức tiết kiệm và sử dụng nguồn lực hợp lý, có trách nhiệm để xây dựng, phát triển đất nước, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm rất có ý nghĩa đối với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Mỗi câu, mỗi chữ không chỉ nói về trách nhiệm của bộ máy công quyền nhà nước, của toàn xã hội trong việc phòng, chống lãng phí mà còn là thông điệp thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân, những người có lòng yêu nước chân chính, khơi dậy chí khí của một dân tộc anh hùng, phát huy tinh thần đoàn kết để vượt qua mọi thách thức, khó khăn và tiếp tục viết nên những trang sử mới của một dân tộc trong kỷ nguyên mới.

Lãng phí, xét cho cùng, không chỉ làm suy yếu sự phát triển của một quốc gia mà còn là sự bất công với các thế hệ tương lai. Thay đổi nhận thức và hành động ngay từ bây giờ sẽ giúp chúng ta xây dựng một nền tảng bền vững hơn cho các thế hệ mai sau… Theo đó, bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là thông điệp mạnh mẽ thúc giục sự chung tay đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhanh chóng thực hiện có hiệu quả những giải pháp đồng bộ để đạt được những thay đổi bền vững, xử lý từ gốc rễ vấn đề lãng phí đã và đang tồn tại trong xã hội ta.

Trong bộn bề công việc của đất nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn dành thời gian cho bài viết “Chống lãng phí”, cho thấy công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cần triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu phòng, chống lãng phí gắn với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để việc chống lãng phí tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân; trở thành văn hóa ứng xử trong thời đại mới, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh chóng, vươn lên mạnh mẽ.

Trách nhiệm viết nên trang sử mới thuộc về tất cả những người yêu nước Việt Nam, trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực