Công nghệ và lao động

Thứ sáu, 22/03/2019 10:08
(ĐCSVN) – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi thế giới và đương nhiên làm thay đổi thị trường lao động. Nhiều vị trí việc làm sử dụng robot và tự động hóa thay cho nhân lực; nhiều việc làm mất đi và xuất hiện những ngành nghề mới… Đó là một thách thức lớn đối với thị trường lao động hiện nay.

 

Robot đang dần thay thế lao động giản đơn. (Ảnh: sggp.org.vn)

Trong những năm tới, rất có thể ở châu Âu sẽ có thịt nhân tạo cung cấp ra thị trường. Thịt nhân tạo được làm ra dựa trên quá trình nuôi cấy mô. Chỉ cần một lượng nhỏ tế bào gốc của động vật sống nuôi cấy trong môi trường ống nghiệm chứa protein, các tế bào gốc sẽ biến thành tế bào cơ bắp hoặc tế bào chất béo. Chúng sẽ nhân lên nhiều lần và tạo ra một mảng thịt nhân tạo. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chỉ với 10 tế bào, họ có thể tạo ra 50.000 tấn thịt nhân tạo trong vòng 2 tháng.

Công nghệ này phát triển sẽ thay thế các trang trại đang gây ô nhiễm. Người tiêu dùng không phải sử dụng thịt động vật có chứa chất kháng sinh và trút bỏ được gánh nặng đạo đức do giết động vật. Chưa kể, người ta có thể tạo ra nguồn thực phẩm dinh dưỡng hợp lý hơn, chẳng hạn thịt nhiều nạc và ít chất béo.

Dù thịt nhân tạo không thể thay thế hoàn toàn thịt động vật tự nhiên, nhưng rõ ràng xu hướng này là không thể đảo ngược. Kéo theo đó là một lực lượng lao động trong ngành chăn nuôi truyền thống có thể thất nghiệp. Công nghệ đang làm biến đổi tích cực đời sống xã hội về nhiều phương diện, đồng thời cũng mang theo tác động lớn trong thị trường lao động toàn thế giới.

Các chuyên gia nhận định rằng: Robot hóa và tự động hóa sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thị trường lao động. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin gồm sự phát triển của mạng di động, công nghệ điện toán đám mây, năng lực xử lý của máy tính và dữ liệu lớn cũng sẽ gây thay đổi thị trường lao động.

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có độ mở cao, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhưng hiện vẫn còn gần 77% lực lượng lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Nguồn nhân lực tại Việt Nam chủ yếu là lao động trình độ thấp, giá rẻ và trong số hơn 20% lao động được đào tạo cơ bản này vẫn còn những bất hợp lý trong cơ cấu, gây ra tình trạng thừa thầy thiếu thợ, lực lượng công nhân kỹ thuật bậc cao cũng rất khan hiếm. Điều đáng lo ngại là dù đã được cảnh báo, nhưng đến nay, lực lượng lao động giản đơn vẫn quá đông và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt thập kỷ qua.

Do đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nguy cơ thất nghiệp và chênh lệch lớn trong trong thu nhập, dẫn đến giãn rộng khoảng cách giàu nghèo, nếu ta không tận dụng được những cơ hội tốt mà cuộc cách mạng này tạo ra.

Cách mạng công nghiệp 4.0 khiến cho nhiều việc làm có thể được tự động hóa và mất đi, nhưng thay vào đó là các loạt việc làm mới ra đời. Diễn đàn kinh tế thế giới dự báo rằng, 64% trẻ em đang đi học hiện nay, khi ra trường sẽ làm các loại việc làm chưa từng xuất hiện. Điều này có nghĩa là thị trường lao động sẽ có nhiều thay đổi.

Do đó, không còn cách nào khác, thị trường lao động Việt Nam cần phải tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa. Phát triển theo hướng này, khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động cũng phải thay đổi theo hướng hoàn thiện hơn. Mục tiêu có được nguồn cung lao động có trình độ kỹ thuật cao, lao động trong một số ngành công nghiệp mới… đang đặt ra một cách cấp thiết.

Trong tương lai, các nhân tố khoa học - công nghệ sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc, dẫn theo đòi hỏi về những kỹ năng phức tạp hơn. Do đó, đối với người lao động, cần chủ động học hỏi kiến thức về kỹ năng số hóa và công nghệ, trang bị những kỹ năng cần thiết như: Hợp tác với người khác, quản lý con người… để tăng năng lực cạnh tranh./.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực