Đạo thầy trò

Thứ hai, 18/11/2019 18:50
(ĐCSVN) - Cùng với lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống hiếu học với đạo thầy trò là một hằng số văn hóa, có giá trị muôn đời. Truyền thống đó đang được lưu giữ với những nội hàm mới.

Ngày 20/11 hằng năm, ngày dành cho sự tri ân thầy cô của các thế hệ  học trò.

(Ảnh: thethaohangngay.com.vn)

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta là hiếu học, trong đó “tôn sư” là một trong những biểu hiện rõ nét nhất. Trong sử sách, trong dân gian còn lưu giữ rất nhiều câu chuyện, nhiều ca dao, tục ngữ nói về đạo thầy trò, trong đó nổi bật là lòng biết ơn, ca ngợi giá trị cao quý của người thầy trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người.

Kế thừa truyền thống đó, từ nhiều năm qua, ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày dành cho sự tri ân thầy cô của các thế hệ học trò, ngày lễ trọng của nền nếp “tôn sư”. Những bó hoa tươi thắm, những lời chúc mừng, những vòng tay và những nụ cười mang đến cho các thế hệ thầy cô giáo một nguồn năng lượng trong lành, tích cực để họ thêm tự hào, tin yêu con đường mình đã lựa chọn.

Nhưng cùng là giáo viên, trong cùng Ngày Nhà giáo Việt Nam nhưng thực tế đang có khoảng cách rất lớn trong đời sống tinh thần và vật chất giữa các vùng miền, giữa các địa phương trong cả nước. Các thầy cô giáo ở các điểm trường xa xôi trên các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa không thể có những bó hoa sang trọng như ở các thành phố, cũng như điều kiện giảng dạy thường nhật của họ còn rất khó khăn... Làm thế nào để tất cả các thầy cô giáo trong cả nước đều có Ngày Nhà giáo Việt Nam trang trọng, đầm ấm và hơn nữa là cải thiện điều kiện dạy và học ở những trường vùng sâu, vùng xa là những điều các cấp chính quyền phải đặc biệt quan tâm.

Cùng với “tôn sư” là “trọng đạo”, hai mệnh đề không thể tách rời. Trọng đạo là tôn trọng đạo lý, tôn trọng chuẩn mực chung, trong đó thầy trọn đạo làm thầy, trò trọn đạo làm trò. Người thầy phải có chuyên môn vững vàng, có tư cách đạo đức, là tấm gương cho trò, nhất là ở bậc học phổ thông. Dạy học là một nghề như muôn vàn nghề khác, nghề nào cũng đòi hỏi người làm nghề phải giữ đạo đức nghề nghiệp, làm việc có trách nhiệm, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nhưng nghề dạy học được coi là cao quý hơn chính là ở chỗ đòi hỏi người thầy phải là tấm gương cho trò.

Học trò phải học hành nghiêm túc, trân trọng sự dạy bảo của thầy cô và suốt đời phấn đấu cho chân thiện mỹ để đóng góp tích cực cho gia đình, cho xã hội. Được như vậy chính là sự tri ân quý giá nhất mà các thế hệ thầy cô mong nhận được từ các thế hệ học trò của mình.

Tiếc rằng, trong vườn hoa muôn sắc của sự nghiệp giáo dục và đào tạo hiện nay, có không ít trường hợp giáo viên làm tổn thương hình ảnh của người thầy trong mắt học trò và xã hội; nhiều biểu hiện thị trường len lỏi vào quan hệ nhà trường và gia đình, quan hệ thầy và trò... dẫn đến những người vẫn giữ chuẩn mực “tôn sư trọng đạo” cảm thấy tổn thương. Thực trạng này xuất hiện từ cấp học phổ thông đến đào tạo sau đại học, từ những đô thị phát triển đến các tỉnh còn khó khăn với các mức độ khác nhau.

Nguyên nhân của tình trạng này rất phức tạp, nhưng trước hết là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của mỗi người thầy và mỗi gia đình phụ huynh và học sinh. Nhận ra những bất cập đó để từng bước khắc phục, để vườn hoa giáo dục tiếp tục khoe sắc.

Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh thị trường quốc tế rộng mở, đa phương, đa dạng nên cần có nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển, vì vậy vai trò của người thầy, vai trò của giáo dục đào tạo càng được đánh giá cao. Ai cũng hiểu rằng, giáo dục, đào tạo và phát triển năng lực lao động có ảnh hưởng rất to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia. Bài học từ các quốc gia phát triển như Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... cho thấy giáo dục, đào tạo là một trong những nguyên nhân thành công của họ.

Xã hội phát triển tốt đẹp bắt nguồn từ việc khai thác tiềm năng của con người, lấy việc phát huy nguồn lực con người làm nhân tố cơ bản của sự phát triển nhanh chóng và bền vững, dựa vào sức mạnh của khoa học, công nghệ, thông tin. Đối với bất kỳ xã hội nào con người cũng là trung tâm của sự phát triển. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Do đó, trong giai đoạn mới vai trò và vị thế của người thầy đặc biệt quan trọng.

“Tôn sư trọng đạo” đang được gìn giữ và mang trong đó những nội hàm mới.

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực