|
Sầu riêng là mặt hàng đang có nhiều tiềm năng xuất khẩu của nước ta. (Ảnh: TTXVN) |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2024, Viêt Nam xuất siêu 14,08 tỷ USD, trong khi đó, giá trị xuất siêu của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chiếm đến 9,42 tỷ USD. Đây là kết quả phản ánh nỗ lực rất lớn của các ngành hàng nông nghiệp trong 7 tháng vừa qua (khi đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt con số 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ, trong khi kim ngạch nhập khẩu 24,85 tỷ USD).
Con số xuất siêu 7 tháng tiếp tục nối dài chuỗi kết quả giá trị cao của xuất siêu nông sản trong các tháng đầu năm 2024, khi giá trị xuất siêu nông sản 6 tháng đầu năm ghi nhận đạt 8,28 tỷ USD, tăng 62,4%; 5 tháng đầu năm, giá trị xuất siêu đạt 6,53 tỷ USD, tăng 64,5%; 4 tháng đầu năm đạt 4,74 tỷ USD, tăng 71,5%; 3 tháng đầu năm đạt 3,36 tỷ USD, tăng tới 96,5%...Đây là những kết quả rất tự hào của ngành nông nghiệp đóng góp lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, xuất siêu nông sản đạt 9,42 tỷ USD là kết quả nổi bật trong 7 tháng năm 2024 của toàn ngành nông nghiệp. Kết quả này phản ánh việc chúng ta đã biết tận dụng tốt các cơ hội trên thị trường quốc tế để phát huy thế mạnh xuất khẩu của nông sản Việt Nam; nhất là khi chúng ta tận dụng được cơ hội trong bối cảnh những khó khăn về logistic, vận chuyển ở trên thị trường thế giới đi cùng với việc phát huy lợi thế từ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…Bên cạnh đó, sau nhiều năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu của chúng ta đã gắn với khu vực chế biến và gắn với thị trường. Đây là những yếu tố đã được chúng ta phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua.
Kết quả trên cũng cho thấy, công nghệ chế biến nông sản của chúng ta tuy quy mô chưa lớn nhưng đã đi vào chế biến sâu, gắn chặt với các thị trường. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam trong những năm qua đã tạo động lực lớn và là nhân tố quyết định cho tăng trưởng và giá trị xuất khẩu của nông sản nước ta.
Từ kết quả xuất siêu trên, nhìn nhận từ các ngành hàng cũng cho thấy, trong các tháng đầu năm 2024, đã có nhiều thuận lợi trong công tác xuất khẩu khi ghi nhận nhu cầu tại nhiều thị trường tăng dẫn đến việc tăng kim ngạch giá trị xuất khẩu. Tiêu biểu như ngành hàng lâm sản (có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đứng đầu trong nhóm các mặt hàng có đóng góp cao nhất cho giá trị xuất siêu), nửa đầu năm 2024, là một trong những điểm sáng trong xuất khẩu, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 7,95 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang một số thị trường chính đã tăng trở lại như: thị trường Hoa Kỳ đạt 3,27 tỷ USD, tăng 24,41%; thị trường Trung Quốc đạt 716 triệu USD, tăng 46,5%; thị trường EU đạt 281 triệu USD, tăng 29,6%.
Tương tự, rau quả cũng là ngành hàng có đóng góp cao cho giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp khi mang lại giá trị xuất khẩu gần 3,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024. Hoạt động xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhờ nhu cầu tăng tại thị trường truyền thống Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan...Trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường này nửa năm 2024 đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, trong 7 tháng năm 2024 ghi nhận giá xuất khẩu bình quân của một số mặt hàng tăng đáng kể, trong đó có một số mặt hàng giá tăng mạnh. Cụ thể như: Gạo 632 USD/tấn, tăng 18,2%; cao su 1.555 USD/tấn, tăng 14,8%; đáng chú ý, hạt tiêu 4.665 USD/tấn, tăng 45% và cà phê 3.669 USD/tấn, tăng tới 51,7%…
Bên cạnh những thuận lợi khách quan trên, đóng góp cho giá trị xuất siêu, chúng ta không thể không nhắc tới nội lực của từng ngành hàng và của toàn ngành nông nghiệp. Trong các tháng đầu năm 2024, các ngành hàng đã tập trung chú trọng vào công tác thúc đẩy sản xuất, đáp ứng chất lượng, yêu cầu, mẫu mã của các thị trường; đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Điều này có thể thấy trong các tháng vừa qua, ngành nông nghiệp đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg về việc tăng cường kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản như: Tổ chức tiếp đón, làm việc với đoàn thanh tra của Canada, Indonesia đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và các doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam; tổ chức các Đoàn công tác thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam sang các thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc… Triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Trung Đông, châu Phi...Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm, các trường hợp lô hàng bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Để tiếp tục duy trì “phong độ” cũng như gia tăng giá trị xuất siêu nông sản trong các tháng tiếp theo đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phát huy thế mạnh của từng ngành hàng, tiếp tục mở rộng thị trường cũng như đẩy mạnh sản xuất ở trong nước để gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, hiện nay, chúng ta đã ký Hiệp định Thương mại với Trung Quốc về dưa hấu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; sầu riêng đông lạnh, dừa…là những mặt hàng mà chúng ta đang tiếp tục đàm phán. Bên cạnh đó, nếu chúng ta mở rộng thêm được các thị trường như thị trường Hồi giáo, Hà Lan…sẽ mang lại tiềm năng rất lớn, sản lượng xuất khẩu của chúng ta còn tăng nhiều.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để đạt được giá trị xuất khẩu cao, việc truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu là một yêu cầu bắt buộc, không thể khác để chúng ta có sản phẩm đi vào thị trường thế giới.
“Đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, mẫu mã và thương hiệu những những yếu tố rất quan trọng. Đây là những yếu tố thúc đẩy xuất khẩu và đây chính là “đầu kéo” cho sản xuất” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Đối với ngành hàng lâm sản, theo ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để tăng giá trị xuất khẩu của ngành hàng trong năm 2024, toàn ngành sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam, thu hút, thúc đẩy xuất khẩu gỗ và lâm sản thông qua việc tổ chức hiệu quả các hội chợ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Công điện số 470/CĐ-TTg, ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản theo quy định tại Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24/5/2024 của Chính phủ về ban hành một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp…
Đối với ngành hàng thủy sản, với mặt hàng tôm (sản phẩm có đóng góp lớn cho giá trị xuất siêu của nông sản), theo các chuyên gia, để thúc đẩy giá trị xuất khẩu ngành hàng này, cần coi trọng khâu tìm hiểu, thâm nhập thị trường; lắng nghe nhu cầu, xu thế người tiêu dùng để kịp thời đáp ứng. Đồng thời, cần có sự cạnh tranh về giá cả để tăng lợi thế xuất khẩu. Bên cạnh đó, các khâu chế biến, xuất khẩu phải năng động, tích cực hơn, trong đó, nghiên cứu mặt hàng mới, thậm chí đáp ứng từng lễ hội, sự kiện; đồng thời, tìm kiếm khách hàng mới thông qua việc đáp ứng yêu cầu của các hệ thống phân phối cao cấp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm xuất khẩu; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Các tháng cuối năm, nhiều ngành hàng của nước ta vẫn ghi nhận rộng đường xuất khẩu khi một số nông sản vừa tiếp tục được mở cửa sang thị trường các nước. Tiêu biểu, cuối tháng 7 vừa qua, trái bưởi tươi của Việt Nam được Hàn Quốc chính thức cho phép nhập khẩu. Đây cũng là loại quả tươi thứ 3 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Hàn Quốc, cùng với thanh long và xoài.
Mặt hàng này cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ với thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Đối với quả chanh leo, việc hoàn thiện hồ sơ với thị trường Mỹ và Úc đã đi đến giai đoạn cuối. Đặc biệt với thị trường Trung Quốc, sầu riêng đông lạnh và dừa tươi cũng đang hoàn thiện hồ sơ, bên cạnh đó là bơ và chanh không hạt. Ngoài ra, chúng ta cũng đang đàm phán với Ấn Độ để mở đường xuất khẩu sầu riêng… Với mặt hàng gạo, dự kiến năm nay sản lượng xuất khẩu sẽ vượt sản lượng 8,13 triệu tấn của năm 2023 và mang lại giá trị cao.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy giá trị xuất khẩu nông sản, qua đó, đạt giá trị xuất siêu cao, toàn ngành nông nghiệp đã xác định các giải pháp trọng tâm, cụ thể cần triển khai. Trong đó, tích cực, chủ động thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP, EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước. Thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại, Tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương. Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.
Với sự nỗ lực của từng ngành hàng cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn ngành nông nghiệp, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân…, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tiếp tục đạt được cột mốc mới, qua đó, mang lại giá trị xuất siêu lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nước nhà nói chung./.