Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!

Chủ nhật, 24/03/2024 08:00
(ĐCSVN) - Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Chủ đề “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!” để thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nhân dân, đặc biệt là các thầy thuốc của chương trình chống lao quốc gia muốn và sẽ quyết tâm chấm dứt được bệnh lao.
TS.BSCC  Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao đổi với phóng viên.

Ngày thế giới Phòng chống Lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội; đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia thứ 11 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao, lao kháng thuốc cao trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cao chất lượng chẩn đoán, tăng cường sàng lọc, mở rộng quy mô dự phòng bệnh lao, giới thiệu các phác đồ điều trị mới được khuyến nghị, chuyển dịch mô hình tài tính và tăng cường hợp tác đa lĩnh vực. Năm 2024 này, Việt Nam chúng ta đã chọn chủ đề lạc quan: Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!

Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp (TS.BSCC) Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia. 

PV: Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2024 vẫn được giữ nguyên là "Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao". Trên cơ sở chủ đề này, Việt Nam cũng chọn là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!”. Đây cũng chính là một lời “hồi đáp”, hưởng ứng mạnh mẽ chủ đề của thế giới, khẳng định những nỗ lực, quyết tâm, khát vọng ở mức cao nhất của Việt Nam trong công tác phòng chống lao. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về chủ đề này?

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Chủ đề Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!” để thấy rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Nhân dân, đặc biệt là các thầy thuốc của chương trình chống lao quốc gia muốn và sẽ quyết tâm chấm dứt được bệnh lao. Chương trình Chống lao Quốc gia muốn lan toả niềm tin, ý chí, khát vọng, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được để kêu gọi sự tham gia hưởng ứng tích cực, sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để tập trung nguồn lực, đảm bảo nguồn tài chính bền vững để tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc, đặc biệt là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy, tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây trong cộng đồng.

 

Tuy nhiên, để thực hiện được chủ đề này thì chúng ta còn rất nhiều công việc phải làm, thậm chí phải làm ngay, làm nhanh với các phương pháp làm mang lại hiệu quả tốt nhất. Như tất cả chúng ta được biết, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Năm 2018, dịch tễ lao của chúng ta xếp thứ 15 trong các nước có tỉ lệ lao nặng và hiện nay chúng ta đang đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Đặc biệt sau đại dịch COVID-19 thì tình trạng lao nặng trên toàn thế giới có xu thế quay trở lại. Việt Nam cũng là một trong những nước bị hậu quả sau dịch COVID-19 tình trạng lao nặng lên, cũng là nặng nhất thế giới. Trong đó, 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.

Sau đại dịch, Việt Nam ước tính có thêm 170.000 người mắc lao trong cộng đồng, trong đó có khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện. Đây là những con số rất đáng lo ngại.

Trước tình hình như vậy, trong năm 2022, 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

TS.BSCC Đinh Văn Lượng:  Sau đại dịch COVID-19, Việt Nam ước tính có thêm 170.000 người mắc lao trong cộng đồng, trong đó có khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. 

Trong năm 2023, số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp tục có sự cải thiện đáng kể sau khi phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của Chương trình. Bằng việc đẩy mạnh công tác phát hiện bệnh lao kết hợp nhiều hình thức, vận động sự cam kết và chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp đối với hoạt động phòng chống lao, lồng ghép các chiến dịch sàng lọc bệnh lao với các bệnh lý khác...

Tuy nhiên, trên thực tế, số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân lao các thể). Như vậy, sẽ có  trên 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Đây là vấn đề đặt ra với chương trình chống lao quốc gia. Nhiệm vụ ngành y tế còn đang rất lớn.

PV: Như ông vừa chia sẻ, nh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm cho bệnh lao phát triển nhanh hơn và số ca kháng thuốc nhiều hơn. Ông có thể thông tin cụ thể hơn về vấn đề này. Và Việt Nam chúng ta đã có những hành động như thế nào để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong quá trình điều trị căn bệnh này?

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Khi đại dịch COVID xảy ra, công tác phòng chống lao tại Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hầu hết các bệnh viện phổi các tỉnh đều chuyển thành cơ sở chẩn đoán, điều trị COVID nên hầu như là bệnh lao không được kiểm soát. Chính vì lý do như vậy cho nên sau đó thì bệnh lao mới bùng trở lại.

Nguyên nhân nữa là sau đại dịch COVID rất nhiều người bệnh bị COVID và hậu COVID, phổi đã tổn thương nên cơ hội nhiễm lao cũng cao hơn và điều trị cho những bệnh nhân lao từng mắc COVID cũng khó khăn hơn rất nhiều. Số lượng người mắc lao sau COVID-19 rất lớn. Trong năm 2023, chúng tôi đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%. Đây là bằng chứng cho thấy số người mắc lao trong Nhân dân sau COVID là cao hơn, kể cả lao kháng thuốc cũng thế.

PV: Hiện nay việc ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán sớm đã giúp giảm gánh nặng bệnh lao nhanh hơn. Xin ông cho biết chúng ta đang có những hoạt động như thế nào để chẩn đoán bệnh lao cũng như là lao kháng thuốc và phương pháp điều trị mới cho bệnh lao kháng thuốc? Trong quá trình đó, chúng ta có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Chúng ta đã áp dụng rất nhiều phương pháp chẩn đoán hiện đại và các thuốc mới, phác đồ mới tích cực. Ví dụ như các phương với chẩn đoán hiện đại gồm có là X quang và xét nghiệm Xpert. X quang thì bằng hệ thống chụp kỹ thuật số rất hiện đại nên việc phát hiện cho bệnh nhân rất có hiệu quả, đặc biệt là ứng dụng kỹ thuật AI, tức là trí tuệ nhân tạo. Trí tuệ nhân tạo áp dụng cho hệ thống sàng lọc lao rất có giá trị. Khi áp dụng trí tuệ nhân tạo thì nó đã thay cho nguồn nhân lực rất lớn… Hơn nữa trí tuệ nhân tạo còn giúp cho việc chẩn đoán nhanh, chính xác và có hiệu quả lên rất nhiều.

Phóng viên trao đổi với TS.BSCC Đinh Văn Lượng.

Mới nữa là bây giờ điều trị lao, đặc biệt lao kháng thuốc thì đã có rất nhiều thuốc mới, cộng với phác đồ cũng mới. Thuốc mới giúp cho điều trị bệnh nhân lao sẽ có hiệu quả. Phác đồ mới là phác đồ phối hợp nhiều thứ thuốc và điều trị với sự an toàn cao, từ đó phác đồ điều trị rút ngắn lại. Bây giờ đã có nhiều loại thuốc điêu trị tốt uống mà không cần phải tiêm…

PV: Vậy, trong thời gian tới, Chương trình chống lao quốc gia sẽ có những hoạt động cụ thể nào để nâng cao hiệu quả phòng chống bệnh lao, đặc biệt là lao kháng thuốc để hướng tới mục tiêu “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!”?

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Với hệ thống y tế của Việt Nam, với chương trình chống lao quốc gia, với hệ thống kiểm soát lao của Việt Nam là cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có bệnh viện phổi thì đấy là những hạt nhân trung tâm để triển khai kiểm soát lao cho từng địa phương một. Cùng với đó, với một lực lượng cán bộ kiểm soát lao rất nhiệt tình, chuyên môn tốt và với hệ thống quản lý như tôi đã trao đổi ở trên cộng với  sự vào cuộc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của tất cả các tổ chức đoàn thể thì tôi tin tưởng rằng Việt Nam đạt được mục tiêu “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao!”.

PV: Thưa ông, Bệnh viện Phổi Trung ương mang sứ mệnh tiên phong trong cuộc chiến chống lại bệnh lao phổi, là ngọn hải đăng dẫn lối cho công tác chăm sóc và phục hồi sức khỏe phổi cho toàn dân và khách hàng quốc tế. Xin ông cho biết, thời gian qua, bệnh viện tập trung vào những  kế hoạch, giải pháp như thế nào? 

TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện

có hai nhiệm vụ chính. Nhiệm vụ đầu tiên là kiểm soát các bệnh về phổi và là tuyến cao nhất, chuyên ngành cao nhất về chẩn đoán, điều trị mắc bệnh phổi. Nhiệm vụ thứ hai là kiểm soát lao cho toàn quốc.

Về kiểm soát bệnh phổi, gần đây nhất trong Tết chúng tôi đã triển khai và mổ ghép một ca phổi rất thành công. Kỹ thuật ghép này về mặt y học là kỹ thuật cao nhất hiện nay của cả Việt Nam và thế giới. Kỹ thuật ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Với kỹ thuật này thì Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với hệ thống y tế các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của cả nước đã thành công.

Tiếp theo nữa là việc chúng tôi kiểm soát các bệnh lý về ung thư phổi. Với ung thư phổi thì chẩn đoán điều trị đa mô thức từ chẩn đoán, phẫu thuật, điều trị từ điều trị miễn dịch, điều trị đích và điều trị hóa chất và xạ trị…Tất cả các phác đồ điều trị ung thư phổi thì Viện Phổi Trung ương đã triển khai đồng bộ và kỹ thuật hội nhập ngang tầm thế giới.

Ngoài ra, nhóm bệnh khác như nấm phổi, bệnh phổi kẽ, xơ phổi… là những nhóm bệnh lý mà Viện phổi Trung ương đã triển khai các kỹ thuật hội nhập cũng ngang với các nước phát triển. Các kỹ thuật đó cũng đều rất khó.

Còn chương trình chống lao quốc gia thì hằng năm với hệ thống mạng lưới là 63 tỉnh, thành phố, các bệnh viện, các trung tâm CDC của các tỉnh thì chương trình chống lao quốc gia cũng đã điều hành và kiểm soát được. Hằng năm số phát hiện lao phổi mới thường khoảng trên 100.000 ca, còn lao kháng thuốc khoảng 9.000 ca, trong cộng đồng hằng năm cũng phát hiện được khoảng 45.000 ca đưa vào điều trị, kiểm soát…

Có thể nói, Bệnh Viện Phổi Trung ương với sự mệnh lịch sử được Bộ Y tế giao cho đang từng bước hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

TS.BSCC  Đinh Văn Lượng: Chương trình chống lao từ năm 2024 trở đi thì bệnh nhân lao sẽ được sàng lọc chủ động như là các năm trước đây, nhưng năm nay thêm nữa, đấy là kiểm soát lao gắn với y tế cơ sở khám chữa bệnh từ cơ sở. Nghĩa là tất cả bệnh nhân đến cơ sở y tế sẽ được sàng lọc lao, thông tin sẽ được xây dựng vào hệ thống hồ sơ điện tử và mã số định danh công dân. 

PV: Trong thời gian tới, Bệnh viện tập trung vào những giải pháp nào và đâu là giải pháp “đòn bẩy” góp phần hoàn thành mục tiêu năm 2035 chấm dứt bệnh lao lại Việt Nam?

 TS.BSCC Đinh Văn Lượng: Chúng ta làm thế nào để có thể nói được là: “Đúng, Việt Nam có thể chấm dứt bệnh lao! Chiến lược chương trình chống lao quốc gia là rất rõ. Thường các năm trước đây, tất cả sàng lọc, chẩn đoán, phát hiện lao đều là phát hiện chủ động, tức là tất cả 63 tỉnh, thành phố và các cơ vùng có nguy cơ cao, các khu vực trại giam... đều là phát hiện chủ động, sàng lọc hằng năm với phương pháp chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán. Đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

Sàng lọc chủ động như vậy là rất tốt nhưng thực tế lại có nhiều những bệnh nhân lúc mình đến khám chủ động như vậy thì họ lại đi làm không ở nhà, hoặc ở nhà không mở cửa… Thực tế người dân cũng có tư tưởng kỳ thị. Khi nói đến đi xét nghiệm để phát hiện bệnh lao thì người ta lại ngại không đi. Nguyên nhân đó làm con số lao luôn bị sót lại không sàng lọc hết được. Đặc biệt đi sàng lọc chủ động thì số sàng lọc toàn dân cũng không hết được, chỉ nhóm nguy cơ cao thôi.

Vì vậy, năm nay chương trình chống lao quốc gia với sự chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ chuyển hướng, tăng cường thay đổi phương pháp, thực hiện phương pháp mới là kiểm soát lao gắn với y tế cơ sở. Điều này có nghĩa là tất cả người dân, người bệnh khi đến khám bệnh phải qua các cơ sở khám, chữa bệnh thì chính các cơ sở khám, chữa bệnh là nơi sàng lọc phát hiện bệnh nhân lao. Như vậy, có hai khu vực phát hiện lao. Đó là phát hiện sàng lọc chủ động và gắn với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả Nhân dân ai ai cũng đều được khám và phát hiện bệnh lao.

Còn một vấn đề nữa là năm nay chuyển hướng thanh toán bảo hiểm y tế cho những người bệnh điều trị lao. Thực tế nội dung này đã được triển khai từ năm 2023 và đây là một chính sách về y tế rất có ý nghĩa, rất quan trọng, có nguồn tài chính để kiểm soát lao một cách bền vững.

Tóm lại chương trình chống lao từ năm 2024 trở đi thì bệnh nhân lao sẽ được sàng lọc chủ động như là các năm trước đây, nhưng năm nay thêm nữa, đấy là kiểm soát lao gắn với y tế cơ sở khám chữa bệnh từ cơ sở. Nghĩa là tất cả bệnh nhân đến cơ sở y tế sẽ được sàng lọc lao, thông tin sẽ được xây dựng vào hệ thống hồ sơ điện tử và mã số định danh công dân.

Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế thì Bệnh viện Phổi Trung ương đã biên soạn và hoàn thành cuốn tài liệu "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh".

Đồng thời nữa với nhiều các phương pháp mới, thuốc mới, phác đồ mới và với tinh thần quyết tâm cao, chúng tôi nghĩ chương trình chống lao quốc gia cùng với hệ thống y tế cả nước sẽ nhanh chóng kiểm soát được bệnh lao và hoàn toàn có thể kết thúc bệnh lao vào năm 2035, thậm chí phấn đấu có thể còn sớm hơn…/.

 

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực