Những bài học qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác

Thứ tư, 14/08/2019 10:37
(ĐCSVN) - Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã làm nên những kỳ tích vĩ đại trong thế kỷ XX và gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI, có thể rút ra những bài học sau đây:

50 năm thực hiện Di chúc của Bác và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam

50 năm thực hiện Di chúc của Bác – Những giá trị mang tính tư tưởng thời đại

Bản Di chúc của Bác tiếp tục soi đường cho cách mạng Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu)

Một là, về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng. Bản Di chúc của Bác được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đang ở trong giai đoạn ác liệt, khó khăn nhất. Niềm tin sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước "nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn". Bác đã truyền ngọn lửa niềm tin vào mỗi một người dân Việt Nam và tạo nên sức mạnh to lớn để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất nước ta phải khôi phục đất nước từ đống tro tàn đổ nát của chiến tranh, từ những yếu kém, bất cập của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, từ nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chính trong hoàn cảnh đó, Đảng ta lại chứng tỏ bản lĩnh khoa học và cách mạng bằng việc khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào thoái trào, vượt qua cơn "động đất chính trị" trên thế giới, một lần nữa Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh khoa học cách mạng của mình để đưa đất nước đứng vững, tiếp tục tiến hành sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử hơn 30 năm qua. Từ chỗ đất nước ở trong tình trạng “làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta đưa đất nước vượt qua nhóm nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Hai là, về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong bản Di chúc, Bác khẳng định "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Nhờ đoàn kết, Đảng đã lãnh đạo cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ XX và gần hai thập niên đầu thế kỷ XXI.

Đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng, là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất như trong bản Di chúc Bác nhấn mạnh "giữ gìn sự đoàn kết và nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đại đoàn kết dân tộc. Do vậy Đảng ta thường xuyên thực hiện lời dạy của Bác để tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay trong nhiệm kỳ  Đại hội XII này, Đảng ta ban hành  Nghị quyết tại các Hội nghị Trung ương 4, 6 , 7 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ban hành Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 8 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương".

Ba là, trong Di chúc của Bác về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất của Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta phải thực hành dân chủ thực sự. Các Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ thực hành dân chủ rộng rãi nghĩa là phải dân chủ thực sự tránh "dân chủ hình thức", dân chủ phải tiến hành thường xuyên, dân chủ từ Trung ương đến cơ sở. Nhưng, Đảng ta cũng khẳng định theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê nin, dân chủ phải gắn với tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn và cũng là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng ta. Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện trong thực hành dân chủ hình thức hoặc lợi dụng dân chủ để truyền bá, phát tán những quan điểm, tư tưởng cá nhân, xâm hại đến lợi ích chung, gây mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta cũng thường xuyên và nghiêm chỉnh tiến hành tự phê bình và phê bình. Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Trong Di chúc, Bác coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức. Mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho bản thân và đồng đội ngày càng tiến bộ hơn; tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà tiến hành phê bình theo kiểu "vạch lá tìm sâu", "bới lông tìm vết" nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Theo Bác, tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, ngừng tự phê bình và phê bình tức là ngừng tiến bộ, là thoái bộ.

Bốn là, dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc với thế hệ trẻ. Đoàn viên, thanh niên là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, là đội hậu bị tin cậy của Đảng. Họ là những hạt giống tốt sẽ nảy nở, vươn cao những mầm xanh cho đất nước, quê hương. Trong bản Di chúc, Bác căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng", "vừa chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết". Bác nói công việc này "quan trọng" vì không ai khác ngoài các thế hệ thanh niên sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng. Công việc này "cần thiết" vì tính cấp bách trước mắt cũng như sự nghiệp lâu dài; việc rèn luyện đạo đức cách mạng, việc xây dựng một thế hệ cách mạng đòi hỏi phải có thời gian của sự thử thách như trong "Nhật ký trong tù" Bác viết: "Gạo đem vào giã bao đau đớn. Gạo giã xong rồi trắng tựa bông. Sống ở trên đời người cũng vậy. Gian nan rèn luyện mới thành công".

Năm là, trong Di chúc của Bác là sự chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Sự quan tâm tới nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới có niềm tin vững chắc vào Đảng; một lòng một dạ đi theo Đảng để cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc và hoàn thiện. Thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta đã lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển. Nếu năm 1990 bình quân thu nhập mới đạt 200 USD/đầu người thì đến nay đã đạt 2600 USD/đầu người. Đảng ta đề ra phương châm "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng nền văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội" đã và đang được các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả. Bộ mặt đất nước từ các đô thị đến các vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi, khởi sắc nhất là từ khi Đảng, Nhà nước cho triển khai chủ trương "Xây dựng nông thôn mới" trên phạm vi cả nước. Do vậy, niềm tin đối với Đảng ngày càng được nâng cao.

Sáu là, tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Khi nói về việc riêng trong bản Di chúc, Bác đã bộc bạch "chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" cho Tổ quốc, cho cách mạng và cho nhân dân. Người cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người "đầy tớ" trung thành của nhân dân, không đòi hỏi một quyền lợi riêng cho mình, cống hiến trọn đời cho nhân dân cho Tổ quốc. Vì vậy nhà thơ Tố Hữu đã viết về Bác "Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son". Cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng ngời thể hiện những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Chính vì vậy Bộ Chính trị (Khoá XI) đã ban hành Chỉ thị số 03- CT/TW về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Bộ Chính trị (Khoá XII) đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập và noi theo.

Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục thực hiện sự chỉ dẫn quý báu của Bác, tin tưởng vào tương lai tươi sáng, vững bước trên con đường đi tới để thực hiện thành công con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.

TS Bùi Thế Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực