Những luận điểm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và thuộc địa

Thứ tư, 25/05/2011 09:43
(ĐCSVN) Ngày 5/6/1911, Hồ Chí Minh rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Gần 30 năm sau, vào ngày 28/1/1941, Người mới có điều kiện trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 30 năm ấy, Người đã mất gần 10 năm để tìm lời giải cho bài toán khó lúc bấy giờ là làm thế nào để giải phóng Tổ quốc và nhân dân thoát ách nô lệ của thực dân Pháp, nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do hạnh phúc.

Ở thời điểm ấy, những người yêu nước Việt Nam như các cụ: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu v.v.. đều đã ra sức tìm chủ thuyết và con đường giải phóng dân tộc nhưng đều bế tắc và thất bại. Sau nhiều năm bôn ba nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, Nguyễn Tất Thành đã phần nào thấy được bản chất của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân. Chính vì vậy, khi gặp Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo L’Humanité, người càng tâm đắc và khẳng định thêm nhận thức của mình về con đường cứu nước và giải phóng dân tộc. Sự kiện Nguyễn Ái Quốc gặp Luận cương của Lênin có thể coi là một dấu ấn, một mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chính vì vậy, năm 1960, trong bài "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin", viết nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh Lênin, Người đã thổ lộ: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên, như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1].

 
  Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của
Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12/1920 (ảnh tư liệu)

Đúng như lời Người nói sau này rằng, trong Luận cương có những chữ chính trị khó hiểu nhưng đọc đi đọc lại nhiều lần cuối cùng cũng hiểu được ý chính.

Điều tâm đắc đầu tiên khi Người đọc Luận cương của Lênin chính là đã tìm thấy lời giải đáp về khẩu hiệu TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI.

Qua nhiều tài liệu, chúng ta đều biết rằng “Từ độ tuổi 13, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành nghe ba chữ Pháp TỰ DO - BÌNH ĐẲNG - BÁC ÁI”. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy…”[2].

Từ ngày rời Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành đã đi qua Pháp, nhiều nước châu Phi ven biển Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, đã từng sống ở Mỹ, ở Anh. Người đã chứng kiến tình hình thực tế của xã hội tư bản:

“Ở Pháp cũng có người nghèo như bên ta!”

“Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ”.

Đọc Luận cương của Lênin, Nguyễn Ái Quốc càng hiểu sâu hơn “những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Lênin viết:

“Chế độ dân chủ tư sản, do bản chất của nó, vốn có cái lối đặt vấn đề một cách trừu tượng hoặc hình thức về quyền bình đẳng nói chung, trong đó bao gồm cả quyền dân tộc bình đẳng. Nấp dưới quyền bình đẳng của cá nhân nói chung, chế độ dân chủ tư sản tuyên bố quyền bình đẳng hình thức hoặc quyền bình đẳng trên pháp luật giữa kẻ hữu sản và người vô sản, giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột; do đó làm cho những giai cấp bị áp bức bị lừa dối một cách ghê gớm”[3].

Đúng là một khẩu hiệu mỹ miều nhưng đằng sau đó ẩn giấu một sự lừa bịp, xã hội tư bản đâu đã là tốt đẹp.

Điều tâm đắc thứ hai Người tìm thấy từ các tác phẩm của Lênin chính là tầm quan trọng của cách mạng thuộc địa, mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc với các nước thuộc địa. Lênin cho rằng nếu không có sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân và các dân tộc thuộc địa, trước hết là của các dân tộc phương Đông thì giai cấp vô sản ở các nước tiên tiến trên thế giới khó giành thắng lợi. Trên phạm vi toàn cầu chủ nghĩa tư bản chỉ sụp đổ khi nào cuộc tấn công cách mạng của hàng trăm triệu người bị áp bức ở thuộc địa hòa với cuộc tấn công của công nhân bị bóc lột ở những nước đó.

Tiếp thu tư tưởng này của Lênin về mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết:

“Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở thuộc địa. Nếu muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi”[4].

Người chỉ rõ “Làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản”[5].

Trên cơ sở của tư tưởng đó, ngay từ khi hoạt động trên đất Pháp, Người đã cùng một số nhân vật đại biểu cho các thuộc địa của Pháp thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa, một hình thức mặt trận liên kết các dân tộc bị chủ nghĩa thực dân Pháp thống trị  nhằm liên minh với giai cấp vô sản chính quốc cùng đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

Điều tâm đắc thứ ba chính là hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa mà Luận cương của Lênin đã vạch ra đó là đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Lênin viết:

“Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ không phải chỉ là và chủ yếu là một cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản ở từng nước chống lại giai cấp tư sản ở nước mình; không phải thế, đó sẽ còn là cuộc đấu tranh của tất cả các nước thuộc địa và tất cả những nước bị chủ nghĩa đế quốc áp bức, của tất cả các nước phụ thuộc chống lại chủ nghĩa đế quốc quốc tế”.

Từ đó Người kêu gọi: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.

Từ tư tưởng đó Lênin kêu gọi các đảng cộng sản các nước phải tiếp tục ủng hộ phong trào cách mạng của các nước thuộc địa và các dân tộc phụ thuộc, sự ủng hộ đó là “điều kiện đặc biệt quan trọng” để cuộc đấu tranh của các thuộc địa chống áp bức giành thắng lợi. Đồng thời, Lênin cũng khuyên các dân tộc ở phương Đông phải liên hệ trực tiếp với cuộc đấu tranh của nước Cộng hòa Xô viết Nga chống chủ nghĩa đế quốc quốc tế thì mới phát triển thành công, mới giành được thắng lợi.

Sự lựa chọn của Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường của Lênin - con đường giải phóng chúng ta đã được thực tiễn chứng minh là đúng đắn nhưng không đơn giản. Bởi lẽ ở thời điểm ấy, bên cạnh những tư tưởng đúng còn tồn tại một số luận điểm… của Roi, của Prêôbraginxki, của Marinh hơi trái với những luận điểm của Lênin. Roi không tán thành luận điểm các Đảng cộng sản phải giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc tư sản ở phương Đông; Prêôbraginxki coi thường vai trò cách mạng của các nước thuộc địa: “Việc phóng đại ý nghĩa cách mạng của các khởi nghĩa các nước thuộc địa là không đúng”. V.v..

Chí ít, sự tiếp thu của Nguyễn Ái Quốc về các luận điểm quan trọng trên đây đã phác thảo con đường giải phóng dân tộc của đất nước ta!

Song, cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa thoát khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân diễn ra như thế nào vẫn còn là dấu hỏi lớn, một bài toán đòi hỏi các nhà cách mạng giải đáp. Vấn đề này, ngay các nhà kinh điển Mácxít cũng trả lời rất thận trọng.

Tháng 9 năm 1882, trả lời Caoxki về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của một số nước đang bị nước ngoài chiếm đoạt, Ăngghen nói:

“Theo ý kiến tôi, đích thực là các thuộc địa, tức là những đất đai mà dân châu Âu chiếm đoạt - Canađa, tỉnh Cap, Ôxtơralya, tất cả sẽ được độc lập; trái lại chỉ những đất đai phụ thuộc do người bản địa chiếm giữ, Ấn Độ, Angiêri, các đất của Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha chiếm đoạt, giai cấp vô sản phải học lấy một thời gian và hết sức nhanh chóng tiến tới độc lập. Quá trình này triển khai chính như thế nào, thật khó nói!”[6].

Tháng 11 năm 1921, trong buổi Lênin tiếp Đoàn đại biểu Mông Cổ tại Điện Kremli, khi Xukhêbatô hỏi Người rằng “Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc liệu có sẽ giành được thắng lợi không?” thì Lênin trả lời rằng:

“Bản than tôi đã tham gia phong trào cách mạng 30 năm và qua kinh nghiệm bản thân, tôi biết rõ rằng đối với bất cứ dân tộc nào thì việc giải phóng mình khỏi những kẻ nô dịch trong nước và ngoài nước cũng là một công việc khó khăn”[7].

Người cũng dự đoán rằng những cuộc cách mạng sau này trong những nước phương Đông chắc chắn là sẽ “có nhiều điểm độc đáo hơn cuộc cách mạng Nga”.

*  *  *

Tiếp thu và quán triệt tư tưởng của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã sớm xác định hướng đi cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Ngay từ Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, họp vào cuối năm 1920, Người đã nói: “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong các nước thuộc địa”.

Câu nói ấy không phải là một lời kêu gọi chung chung, mà là dựa trên sự phân tích hoàn cảnh chính trị xã hội của các nước thuộc địa. Sau Đại hội Tours không lâu, tháng 5 năm 1921, trong bài nhan đề Đông Dương đăng trên La Revue Communiste, Nguyễn Ái Quốc đã đặt ra câu hỏi: Chế độ cộng sản có áp dụng được ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không? Qua sự phân tích về điều kiện địa lý và lịch sử, Người nhận định rằng: “Chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”.

Việc định hướng cho một cuộc cách mạng là rất quan trọng. Đó là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu lý luận và quan sát thực tế từ các cuộc cách mạng Pháp, Mỹ, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ v.v.. Nhưng phương hướng ấy có trở thành hiện thực hay không đã đặt ra những vấn đề mới để Nguyễn Ái Quốc và các nhà cách mạng ở các nước thuộc địa tiếp tục giải quyết. Nói cách khác, phải có những tìm tòi mới bổ sung cho những vấn đề lý luận mà Ăngghen và Lênin chưa đề cập tới.

Trước đây, Mác, Ăngghen, Lênin cũng đã từng giải quyết vấn đề điều kiện thành công của cách mạng vô sản. Mác cho rằng một trong những điều kiện để cách mạng vô sản thắng lợi là cuộc cách mạng đó phải nổ ra cùng một lúc ở nhiều nước. Lênin trong hoàn cảnh và điều kiện lịch sử mới, đã phân tích sự phát triển không đều của chủ nghĩa đế quốc và khẳng định rằng cách mạng vô sản có thể bùng nổ và thành công trong một nước, nước đó là khâu yếu nhất của chủ nghĩa đế quốc.

Đối với cách mạng giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi ách thực dân, Nguyễn Ái Quốc cũng phải làm tròn nhiệm vụ của một nhà tư tưởng, nhà lý luận, tức là phải “đi trước phong trào tự phát và chỉ đường cho nó” như Lênin đã xác định.

Thấm nhuần quan điểm của Lênin về mối quan hệ gắn bó giữa cách mạng giải phóng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc, nhưng phải chăng đó là mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, chính quốc thắng thì thuộc địa mới thắng, lúc bấy giờ một số nhà lãnh đạo Đảng ở một số nước chính quốc nghĩ như thế.

Nguyễn Ái Quốc cho rằng, cách mạng giải phóng thuộc địa có thể thành công trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Từ năm 1921, Người đã viết:

“Ngày mà hàng trăm triệu nhân dân châu Á bị tàn sát và áp bức thức tỉnh để gạt bỏ sự bóc lột đê tiện của một bọn thực dân lòng tham không đáy, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ và qua việc thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, sẽ có thể giúp cho những người anh em của họ ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[8].

Người còn nêu rõ: Những người cách mạng ở thuộc địa cần chủ động tạo ra thời cơ: “Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến!”[9].

Luận điểm đó của Người xác định rõ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam không thể ngồi chờ, không ỷ lại vào cách mạng ở “chính quốc”.

Luận điểm này đến năm 1924 được nâng lên một tầm mới: đó là cách mạng ở thuộc địa cần phải tiến hành trước cách mạng giải phóng giai cấp ở chính quốc. Luận điểm đó được Người phát biểu tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản:

“Vận mệnh của giai cấp vô sản thế giới phụ thuộc phần lớn vào các thuộc địa, nơi cung cấp lương thực và binh lính cho các nước lớn đế quốc chủ nghĩa. Nếu chúng ta muốn đánh bại các nước này thì trước hết phải tước hết thuộc địa của chúng đi”[10].

Tại Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản khi nghe một số ý kiến coi trọng cách mạng vô sản ở chính quốc hơn thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc đã thẳng thắn nêu ý kiến của mình:

“Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể không nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng các đồng chí lại khinh thường thuộc địa”[11].

Những luận điểm trên đây của Nguyễn Ái Quốc nói lên tính chủ động, tích cực của phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa. Luận điểm đó rõ ràng là khác với quan điểm của một số đông lúc bấy giờ cho rằng cách mạng ở thuộc địa chỉ được giải quyết sau khi giai cấp vô sản ở “chính quốc” giành được chính quyền.

*   *   *

Một vấn đề lớn trong lý luận về cách mạng giải phóng thuộc địa là vấn đề động lực cách mạng, tức là vấn đề dựa vào lực lượng nào để tiến hành cách mạng.

Về điểm này trong Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Lênin nhấn mạnh sự ủng hộ trực tiếp của tất cả các đảng cộng sản:

“Nếu không có điều kiện đặc biệt quan trọng là sự ủng hộ trực tiếp của tất cả các đảng cộng sản thì cuộc đấu tranh của dân tộc phụ thuộc và của các thuộc địa chống áp bức, cũng như việc thừa nhận quyền phân lập của họ, chỉ là những chiêu bài dối trá như vẫn thường thấy trong các Đảng của Quốc tế 2”[12].

Nguyễn Ái Quốc lại nhấn mạnh động lực cách mạng chính là phải dựa vào sức minh để giải phóng mình.

Trong Tuyên ngôn của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc dự thảo đã nêu rõ:

“Anh em phải làm thế nào để được giải phóng?

Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”[13].

Thực tiễn giúp chúng ta nhận rõ rằng Cách mạng Tháng Mười Nga đã giúp đỡ các dân tộc khác thoát khỏi ách thống trị của Nga hoàng là chứng minh cho những điều Lênin đã nói về sự giúp đỡ của giai cấp vô sản “chính quốc” có vai trò quan trọng đối với nhân dân thuộc địa; thì Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam chứng minh luận điểm sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc là đúng, Việt Nam làm cách mạng trước nước Pháp “chính quốc”, hoàn toàn dựa vào sức mình và đã thành công.

Cũng cần nói thêm rằng, Nguyễn Ái Quốc nhìn rõ tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân các nước thuộc địa, cụ thể là Đông Dương nhưng Người không đánh giá quá cao và chủ quan một chiều về năng lực ấy. Người đã phê phán, cảnh báo về những sai lầm trong đánh giá đó:

“Nói rằng Đông Dương gồm 20 triệu người bị bóc lột hiện nay đã chín muồi cho một cuộc cách mạng là sai; nhưng nói rằng Đông Dương không muốn cách mạng và bằng lòng với chế độ bây giờ như các ông chủ của chúng ta vẫn thường nghĩ, như thế lại càng sai hơn nữa”[14].

Cách mạng giải phóng thuộc địa phải dựa vào sức mình là chính nhưng đương nhiên phải có những điều kiện khác nữa như tổ chức hạt nhân lãnh đạo cách mạng, quân đội cách mạng, các tổ chức quần chúng, thời cơ thuận lợi và chắc thắng cho cách mạng, vấn đề đoàn kết quốc tế…

Những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc trên đây rõ ràng có vai trò rất to lớn trong tổ chức và chỉ đạo phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam.

Thực tiễn đã chứng minh những luận điểm đó là hoàn toàn đúng đắn.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.127.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.1, tr.461.

[3] Lênin Toàn tập, Bản tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, M, t.4, tr.198.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.2, tr.130.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.2, tr.134.

[6] Thư gửi Caoxki, 12-9-1892.

[7] Lênin Toàn tập, Bản tiếng Việt, Nxb. Tiến bộ, M, t.5, tr.288-288.

 [8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.1, tr.48.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.1, tr.40.

[10] Tạp chí La Correspondance internationnale, số 41, 1924.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.1, tr.295-296.

[12] Trích Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.2, tr.138.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ 3, t.1, tr.39. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực