Thạc sĩ Bùi Thị Phương Mai, giảng viên chính khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
Cho tôi được gọi là bác Tổng Bí thư và xin được tri ân bác, người dù tuổi đã cao, bên giường bệnh vẫn làm việc, nghĩ cho nước, cho dân. Là vị lãnh đạo của đất nước nhưng bao năm, bác vẫn khoác chiếc áo quen thuộc đã sờn chỉ để đến với dân khiến tôi rất ấn tượng và xúc động. Hình ảnh đó toát lên phong cách một vị lãnh đạo rất mực giản dị, gần gũi với Nhân dân, một tấm gương về đạo đức cách mạng của người đứng đầu Đảng. Sự ra đi của Tổng Bí thư thật sự là một tổn thất to lớn. Những ngày qua, đi tới đâu tôi cũng được nghe mọi người nhắc tới bác, dành tình cảm cho bác. Hình ảnh của Tổng Bí thư, những câu chuyện về bác được kể lại khiến tôi cảm thấy gần gũi như người ông, người bác, người cha mình vậy!.
|
Thạc sĩ Bùi Thị Phương Mai bên cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị, thời gian qua, bản thân tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu các cuốn sách của Tổng Bí thư - một nhà lý luận, người có nhiều công trình, tác phẩm, sách, bài viết mang tầm lý luận, có giá trị cao. Những cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”... tôi cùng đồng nghiệp đã lồng ghép vào quá trình giảng dạy và nhận thấy học viên hào hứng tiếp thu, áp dụng vào thực tiễn công tác.
Ngay tháng 6 vừa qua, Đảng ủy Trường Chính trị tỉnh Lào Cai chúng tôi phối hợp với Đảng ủy xã Cốc San, thuộc Đảng bộ thành phố Lào Cai tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề về tác phẩm, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hội nghị được thực hiện trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo Thành uỷ Lào Cai, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, đại diện lãnh đạo một số xã, phường trên địa bàn... nhằm tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và lan tỏa những giá trị cốt lõi hai cuốn sách của Tổng Bí thư đó là: "Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc" và "Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam".
70 đảng viên thuộc Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh và Đảng bộ xã Cốc San chúng tôi còn tham gia 02 phần thi tìm hiểu nội dung hai tác phẩm bằng hình thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm thông qua phần mềm trực tuyến, từ đó nắm được sâu sắc nội dung tác phẩm và coi đây là những luận cứ sắc bén để mỗi cán bộ, đảng viên đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị...
Là đảng viên có 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn đậm nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm đưa Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Trên cương vị là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư luôn trăn trở về tình trạng tham ô, tham nhũng, thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Những phát biểu của Tổng Bí thư nức lòng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, được trích dẫn, nhắc lại nhiều lần.
Thực tiễn lãnh đạo đất nước, Tổng Bí thư không chỉ chứng minh những giá trị bền vững của học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn vận dụng sáng tạo những lý luận đó vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong xu thế hội nhập và phát triển của thời đại, để "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay…”.
Đồng chí Lê Hà Giang, Ban Tuyên giáo Nữ công, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam
Sinh thời, dù ở trên cương vị lãnh đạo nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt giành tình cảm cho người lao động và cán bộ Công đoàn Việt Nam.
|
Đồng chí Lê Hà Giang |
Đặc biệt, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Sau hơn 50 năm mới có Nghị quyết chuyên đề về Công đoàn, nhưng điều quan trọng nhất là lần đầu tiên có chiến lược về Công đoàn, xác định mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và sẽ được cụ thể hóa suốt 5 kỳ Đại hội, một thuận lợi vô cùng lớn của tổ chức Công đoàn.
Là một cán bộ Công đoàn, tôi nhớ rất rõ 3 Đại hội Công đoàn Việt Nam gần đây đều vinh dự được Tổng Bí thư đến dự và phát biểu chỉ đạo. Gần đây nhất, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, diễn ra vào tháng 12/2023, Tổng Bí thư đã nhắc nhở: "Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình. Đằng sau câu hỏi đó phải là những nỗ lực của tổ chức công đoàn, của cán bộ công đoàn để thực sự mang lại quyền lợi, niềm tin cho người lao động".
Lời nhắn nhủ của Tổng Bí thư: “Trong quá trình tổ chức hoạt động, Công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ” tôi luôn ghi nhớ, tự nhủ phát huy truyền thống 95 xây dựng và trưởng thành, Công đoàn Việt Nam luôn mang bản chất của giai cấp công nhân, phấn đấu vì lợi ích của người lao động, xứng đáng là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong công tác, tôi cùng các đồng nghiệp của mình sẽ chú trọng hơn nữa tới việc đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, nỗ lực không ngừng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.