|
Ảnh minh họa: CPV |
Lo lắng! Đây là tâm trạng của nhiều người dân trong những ngày qua. Lo lắng khi không biết dịch bệnh diễn ra đến bao giờ? Lo lắng mình và người thân có bị nhiễm bệnh hay không? Lo lắng khi mọi công việc đình trệ, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai, cuộc sống đảo lộn.
Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như: Dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống… Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tùy thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh.
Điều này có nghĩa, nhiều người lao động đã, đang và sẽ phải đối mặt với khó khăn kép, vừa lo chống đỡ dịch bệnh, vừa chống đỡ với việc không có thu nhập, không bảo đảm được cuộc sống của bản thân và gia đình.
Chủ động đối mặt với cuộc chiến chống COVId-19, ngay từ những ngày đầu dịch bệnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã hành động rất quyết liệt nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng chống và dập dịch COVID-19.
Bên cạnh mối lo về sức khỏe của người dân, vấn đề an sinh xã hội cũng vô cùng cấp thiết, nhất là đối với người dân nghèo, người thất nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần đưa ra thông điệp, không chỉ giữ gìn cho sinh mạng người dân, Chính phủ chiến đấu với COVID-19 để bảo đảm sinh kế, việc làm của người dân không bị đại dịch này cuốn theo.
Từ những ngày đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ ngành liên quan cũng liên tiếp ban hành ra những chính sách nhằm đồng hành với doanh nghiệp để vượt qua cơn bão khủng hoảng.
Hướng về dân, lắng nghe những tâm tư, mong mỏi của người dân, lần này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, gói hỗ trợ an sinh xã hội có quy mô khoảng 62.000 tỷ đồng. Đối tượng thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ lần này rất rộng và đa dạng, ước tính có khoảng 20 triệu người hưởng chính sách với 6 nhóm đối tượng. Quyết sách này thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của chính sách an sinh “không để ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương chung của Chính phủ.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Số tiền hỗ trợ có thể không lớn, nhưng trong lúc này là vô cùng quí giá và cần thiết. Đây thực sự là “phao cứu sinh” cho hàng chục triệu lao động gặp khó khăn vì COVID-19. Những việc làm, những quyết sách kịp thời của Chính phủ chắc chắn giúp người dân thêm vững lòng, thêm tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước trong trận chiến chống dịch bệnh.
Chính sách đã có, điều quan trọng tiếp theo phải làm nữa là, phải bảo đảm thực thi chính sách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Việc thực hiện các chính sách này phải bảo đảm minh bạch, công bằng, đúng đối tượng thụ hưởng, không được phép để xảy ra hành vi trục lợi chính sách.
Muốn tổ chức thực hiện tốt, theo nhiều chuyên gia, cần phải nêu cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận cần giám sát, theo dõi chặt chẽ. Ngoài ra, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm để tránh trùng lắp, trục lợi, tránh lạm dụng. Người đứng đầu ở địa phương phải có trách nhiệm giám sát để gói hỗ trợ an sinh xã hội không bị trục lợi...
Đồng lòng! Đây là thành công và cũng là bài học lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua. Cả hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chính phủ nỗ lực để đảm bảo an toàn tính mạng, an sinh xã hội cho người dân. Toàn dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Vậy thì, không có lí do gì để thua trong cuộc chiến chống COVID-19! Dẫu có khó khăn, chúng ta vẫn có niềm tin về một chiến thắng!./.