Tạo diện mạo mới cho mỹ thuật Việt Nam phát triển

Thứ sáu, 27/12/2019 17:25
(ĐCSVN) - Trong không khí tưng bừng cả nước thi đua, lập thành tích hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghệ sĩ tạo hình cả nước vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ IX Hội Mỹ thuật Việt Nam, bầu ra ban chấp hành mới với những gương mặt mới, hứa hẹn những bước phát triển mới cho mỹ thuật Việt Nam.

Nhân dịp này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã phỏng vấn tân Chủ tịch Hội Mỹ thuật - Họa sĩ Lương Xuân Đoàn về những bước chuyển quan trọng trong nhiệm kỳ 2019 - 2024.

leftcenterrightdel
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. (Ảnh: MM) 

Phóng viên (PV): Kế tục và tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, với tư cách là người đứng đầu Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024, đồng chí có thể cho biết những điểm mới trong giải pháp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về Văn học, nghệ thuật, nhằm tạo bước phát triển mới cũng như diện mạo mới cho mỹ thuật Việt Nam?

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Có thể nói, ngay từ các Đại hội cơ sở theo Chi hội và Liên Chi hội trong cả nước cho tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Mỹ Thuật Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, tâm nguyện của các thế hệ đi trước cùng anh chị em hội viên đều có chung một cảm nhận rằng nền mỹ thuật Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới với nhiều thách thức mới và chắc chắn những ngày Đại hội vừa qua là sự chuyển giao thế hệ thuận dòng và đẹp đẽ.

Với bản lĩnh và nhiệt huyết mà Họa sĩ - Chủ tịch Trần Khánh Chương đã cống hiến trong 4 nhiệm kỳ vừa qua, ông đã làm trọn vẹn trách nhiệm của mình tới khi chuyển giao sứ mệnh và trách nhiệm mới nặng nề hơn cho thế hệ đến sau. Tôi cùng các đồng nghiệp trong giới mỹ thuật đều tin rằng để Hội tiếp tục có sự phát triển mới thì phải trông cậy vào những đóng góp cá nhân. Vài năm trở lại đây, sự sôi động trở lại của các cuộc triển lãm nhóm và cá nhân như ngọn gió lành của mỹ thuật Đổi mới từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước đang ùa về lật trang mới và xoay thập kỷ bản lề cho mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Từ khi có Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, hoạt động của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã triển khai sinh động và hiệu quả qua các triển lãm khu vực thường niên. Qua 24 lần tổ chức, chúng tôi mong muốn làm thế nào để có thể rút ngắn được khoảng cách nghề nghiệp của Hội viên ở 8 khu vực trong cả nước, đa dạng về khuynh hướng sáng tác nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa ở các vùng miền và không nghiệp dư hóa hoạt động mỹ thuật. Trong những năm qua, với tiêu chí như vậy, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương ý thức hơn về việc mình đang có “tài sản quý” trong tay, làm sao phải biết chăm sóc, hỗ trợ, khích lệ để các nghệ sĩ yên tâm khởi nghiệp, sáng tạo và tự trưởng thành ngay trên mảnh đất của quê hương mình.

Triển lãm mỹ thuật khu vực được duy trì trong 24 năm qua không chỉ là một mặt bằng ổn định của hoạt động mỹ thuật. Hội có thêm nhiều cách nhìn khác, cách nghĩ khác, tiếng nói khác, độc đáo và đa dạng. Đây là không gian mở, để mỗi nhiệm kỳ lại đặt ra một xu thế mới cho sự phát triển.

PV: Để các họa sĩ, nghệ sĩ vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, vừa được tự do sáng tạo theo cái “tôi” của mình, theo đồng chí chúng ta phải cải thiện điều kiện hành nghề cũng như tạo hành lang pháp lý như thế nào cho các nghệ sĩ?

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Đã 68 năm, Hội Mỹ thuật Việt Nam có ngày truyền thống từ 10/12/1951 - ngày Bác Hồ gửi thư cho họa sĩ. Lời dặn của Bác “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” qua nhiều thập kỷ vẫn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hoạt động của Hội. Từ thập niên 80, ngọn gió đổi mới của Đảng đã làm cho diện mạo nền văn học nghệ thuật Việt Nam khởi sắc trong đó có mỹ thuật. Và thời điểm ấy, mỹ thuật chính là loại hình nghệ thuật tiên phong đi trước Đổi mới. Từ Triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần thứ 10 năm 1980, các thế hệ họa sĩ Đông Dương khi đó đã chấp nhận sự thay đổi quan niệm sáng tác, phong cách nghệ thuật từ ảnh hưởng của mỹ thuật Phương Tây hiện đại của các nghệ sĩ trẻ. Tiếng nói khác của ngôn ngữ nghệ thuật sinh động hơn, đa dạng hơn, cá nhân hơn trong thể hiện tác phẩm nhưng thấm đẫm trong các tác phẩm ấy là xúc cảm mới của các tác giả trước hiện thực đất nước. Điều này đã làm xoay chuyển nhận thức của người quản lý trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị năm 1987 đã khuyến khích sự tự do sáng tạo cá nhân, chấp nhận mọi khuynh hướng, phong cách sáng tác. Tôi cho rằng cho tới bây giờ sợi chỉ đỏ ấy chưa bao giờ suy suyển. Các nghị quyết sau này vẫn xuyên suốt sợi chỉ đỏ ấy nhưng được cụ thể hóa, được điều chỉnh theo sự thay đổi của nền văn hóa, văn học nghệ thuật đất nước. Quan điểm của Đảng qua đường lối về văn hóa, văn nghệ ở mỗi thời kỳ lại sinh động hơn, đáp ứng với sự thay đổi của nền văn học nghệ thuật Việt Nam. Và cho tới lúc này, khi những vấn đề căn cốt của Nghị quyết 23 vẫn còn nguyên vẹn, chúng ta vẫn chưa có Luật Mỹ thuật. Vẫn chỉ là các Nghị định và văn bản dưới luật vì vậy mà hành lang pháp lý hay chế tài xử phạt vẫn rất mong manh. Dư luận xã hội đã rất phẫn nộ về thị trường và đường dây tranh giả cả trong và ngoài nước - một vấn nạn gây bức xúc, đau lòng cho giới mỹ thuật. Tôi nghĩ rằng trong nhiều thập kỷ vừa qua, đường dây tranh giả vẫn tồn tại đương nhiên, an toàn từ Việt Nam qua nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam. Để gọi ra được tên những kẻ làm hàng giả không phải dễ và không phải một sớm một chiều. Qua đó cho thấy để có một không gian sáng tạo an toàn, các nghệ sĩ trước tiên phải không bị áp lực về thị trường tranh giả đè nặng. Mặc dù chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ nhưng thị trường tranh giả vẫn tồn tại, đây chính là lực cản khủng khiếp đối với những nghệ sĩ sáng tác vì trong thời kỳ 4.0 điều này lại càng bỏ ngỏ không giới hạn. Một ý tưởng vừa chia sẻ trên mạng xã hội ngay lập tức bị đánh cắp. Tranh làm ra khoe với bạn chưa kịp tới thị trường thì tranh giả đã có mặt trước cả tranh thật của người sáng tạo ra nó. Đây là điều mà các họa sĩ phải đối diện hàng ngày nhưng Hội Mỹ thuật không có thẩm quyền để giải quyết trực tiếp các vấn đề về bản quyền mà trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước như Cục Bản quyền hay Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Có lẽ trước hết nghệ sĩ phải tự bảo trọng lấy không gian sáng tạo cá nhân của mình. Tự do thì không thiếu nhưng sợ nhất là không an toàn. Trước khi tác phẩm được công bố, không nên có thông tin rộng rãi trên mạng xã hội...

Chúng ta biết vừa qua, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý, Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh được thành lập và công khai danh tính của các thành viên Hội đồng giám định. Tuy nhiên cho đến nay, Trung tâm này vẫn đang "thất nghiệp" vì chưa có ai gõ cửa. Không ai muốn nhận cái kết luận buồn vì đã sở hữu hàng giả với số tiền không nhỏ. Việc giải quyết thị trường tranh giả phải quyết liệt đến cùng để xây dựng thị trường tranh nội địa lành sạch và chuyên nghiệp. Với không khí phấn chấn của giới mỹ thuật đang có niềm vui của sự sang vai những thế hệ họa sĩ trẻ hơn mang sứ mệnh xoay thập kỷ bản lề, đây sẽ là vận hội mới và cơ may cho mỹ thuật Việt Nam phát triển.

 PV: Để tạo môi trường mỹ thuật lành mạnh, đồng thời tạo điều kiện để các họa sĩ, nhà điêu khắc bám sát đời sống và những chuyển biến lớn lao của đất nước, tạo nên những tác phẩm có giá trị cao, có nội dung tư tưởng sâu sắc, theo đồng chí vai trò của Hội cũng như của mỗi họa sĩ như thế nào?

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – Họa sĩ Lương Xuân Đoàn: Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng việc phản ánh chân thực những nét đẹp mới của xã hội đương đại trong thời kỳ Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và hội nhập quốc tế luôn là tiêu chí hàng đầu để phát triển của mỹ thuật Việt Nam.

Vẻ đẹp của người Việt mới đầu thế kỷ đang có những tiếng gọi mới cho dòng chảy bất tận không bao giờ cũ của cuộc sống hiện thực. Với trách nhiệm xã hội của nghệ thuật, các nghệ sĩ trẻ thế hệ 7x, 8x, 9x đang quyết định xu thế mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam thế kỷ XXI.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Hội Mỹ thuật Việt Nam vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có những chỉ đạo tôi cho là rất đúng với hiện tại của mỹ thuật Việt Nam, đáp ứng được mong mỏi của những người làm nghề, thể hiện cái nhìn sâu rộng, áp sát vào những vấn đề trăn trở của mỹ thuật đương đại. Đồng chí đã chỉ rõ: Để phát triển lên một tầm cao mới và từng bước khẳng định vị thế của mỹ thuật Việt Nam trong khu vực và thế giới, Hội Mỹ thuật chúng tôi cần nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn mang tính chuyên nghiệp, làm tốt công tác tư tưởng cho hội viên, tạo điều kiện cho hội viên sáng tác nhiều tác phẩm, công trình có tầm tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng sáng tác cho hội viên và toàn xã hội hiểu rõ các giá trị của mỹ thuật, phát huy các di sản mỹ thuật truyền thống của dân tộc, tiếp thu tinh hoa mỹ thuật thế giới, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật mới, có giá trị; chú ý đầu tư nhiều hơn nữa cho lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, cả mỹ thuật thủ công truyền thống lẫn design hiện đại, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển nền mỹ thuật nước nhà.

Ngoài ra, Hội cũng cần phải tích cực tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền và cơ quan quản lý các cấp trong lĩnh vực mỹ thuật. Tích cực tham gia cùng các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đề xuất, nghiên cứu, từng bước cải thiện điều kiện hành nghề, tạo hành lang pháp lý không chỉ để khắc phục và đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ bình đẳng của các họa sĩ theo thông lệ quốc tế mà quan trọng hơn còn tạo điều kiện để người nghệ sĩ tự do sáng tạo góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Hội cần tập trung cho công tác xây dựng bộ máy lãnh đạo Hội theo hướng trẻ hóa, chuẩn hóa; chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ hội viên, nhất là cán bộ trẻ từ Trung ương Hội đến các chi hội. Chăm lo bồi dưỡng, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho hội viên, để mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế là một nghệ sỹ - chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong thời đại mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn họa sĩ!

Kim Thoa (Thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực