Công nhân trong một nhà máy tại Ghana (Ảnh: UN)
Trong số những thách thức ngày càng tăng về rủi ro tâm lý xã hội, đáng chú ý là căng thẳng liên quan đến công việc và các bệnh không truyền nhiễm, bao gồm các bệnh về tuần hoàn và hô hấp, cũng như ung thư.
Báo cáo “An toàn và sức khỏe là trung tâm của việc làm trong tương lai: Xây dựng 100 năm kinh nghiệm” được xuất bản như một lời mở đầu cho Ngày Thế giới vì an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc, kỷ niệm hàng năm vào ngày 28/4. Báo cáo đánh giá 100 năm làm việc của ILO về các vấn đề an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, nêu bật các vấn đề mới nổi lên.
Mỗi năm, hơn 374 triệu người bị thương hoặc ngã bệnh trong các vụ tai nạn liên quan đến công việc. Báo cáo ước tính rằng chi phí của ngày làm việc bị mất vì các lý do liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp chiếm gần 4% GDP toàn cầu và ở một số quốc gia lên tới 6% GDP.
"Phòng ngừa rủi ro được thiết lập đang trở nên hiệu quả hơn, nhưng chúng ta đang thấy những thay đổi sâu sắc trong nơi làm việc và mô hình làm việc của chúng ta. Cấu trúc an toàn và sức khỏe cần phải tính đến điều này, cùng với văn hóa phòng ngừa chung để tạo ra trách nhiệm chung" – ông Manal Azzi, chuyên gia kỹ thuật của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp nói.
Về tương lai, báo cáo đề cập đến 4 dòng thay đổi chính, đồng thời nhấn mạnh rằng, họ cũng đưa ra các cơ hội để cải thiện tình hình.
Trước tiên, công nghệ như: Số hóa, robot và công nghệ nano có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý xã hội và giới thiệu các vật liệu mới mà chúng ta chưa đo lường được các rủi ro có thể gây ra cho sức khỏe. Những công nghệ này, nếu được áp dụng đúng cách, cũng có thể giúp giảm rủi ro, tạo điều kiện cho việc đào tạo và kiểm tra lao động.
Thứ hai, thay đổi nhân khẩu học cũng rất quan trọng vì những người lao động trẻ tuổi có tỷ lệ thương tật nghề nghiệp cao hơn đáng kể, trong khi những người lao động lớn tuổi cần thực hành và thiết bị để thích nghi với công việc một cách an toàn. Phụ nữ – những người đang trở nên đông đảo hơn trong lực lượng lao động – có nhiều khả năng có công việc không điển hình và dễ bị nguy cơ rối loạn cơ xương khớp.
Thứ ba, phát triển và biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, làn sóng nhiệt, các bệnh mới nổi; thay đổi đột ngột về thời tiết và nhiệt độ có thể dẫn đến mất việc làm. Ngoài ra, phát triển bền vững và nền kinh tế xanh sẽ tạo ra việc làm mới.
Cuối cùng, những thay đổi trong tổ chức công việc có thể mang lại sự linh hoạt cho phép nhiều người tham gia vào thị trường lao động, nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề tâm lý xã hội và quá nhiều giờ làm việc. Hiện tại, khoảng 36% lực lượng lao động của thế giới đang làm việc quá sức (hơn 48 giờ mỗi tuần).
Đối mặt với những thách thức này, nghiên cứu của ILO cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác tập trung vào 6 lĩnh vực; trong số đó, có các công việc về dự đoán những rủi ro liên quan tới an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, áp dụng cách tiếp cận đa ngành và tăng cường liên kết với công tác y tế cộng đồng. Ngoài ra, cũng cần phải tăng sự hiểu biết của công chúng về các vấn đề an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và cuối cùng, các tiêu chuẩn lao động quốc tế và luật pháp quốc gia cần được tăng cường, đòi hỏi phải tăng cường hợp tác giữa chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động.
Hiện tại, theo Tổ chức Lao động Quốc tế, tỷ lệ tử vong liên quan đến công việc lớn nhất - 86% - bắt nguồn từ bệnh tật. Khoảng 6.500 người chết mỗi ngày vì bệnh nghề nghiệp, so với 1.000 người chết vì tai nạn liên quan đến công việc. Các nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất là các bệnh tuần hoàn (31%), ung thư liên quan đến công việc (26%) và các bệnh về đường hô hấp (17%)./.