Việt Nam thực thi đầy đủ Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Thứ ba, 21/11/2023 18:19
ĐCSVN) - Cuối tháng 11/2023, Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 tại Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước ở Geneve, Thụy Sĩ. Trước thềm chuyến công tác quan trọng này, đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng đoàn công tác của Việt Nam đã có cuộc trao đổi trong Chương trình "Vấn đề hôm nay" trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam trước khi lên đường sang Thụy Sỹ.
Đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc (Ảnh chụp màn hình) 

Trao đổi về các nội dung được Việt Nam đưa vào Báo cáo quốc gia thực thi Công ước CERD, đồng chí Y Thông cho biết, Báo cáo tập trung vào 3 nội dung chính: Khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam về đại đoàn kết dân tộc, về quyền bình đẳng các dân tộc và trách nhiệm của Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát trỉển với đất nước được thể hiện tại Điều 5 Hiến pháp năm 2013; Chia sẻ với Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong 10 năm qua (từ 2013 - 2023); Chia sẻ với Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong xây dựng hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác dân tộc, nhằm thể hiện sự tôn trọng, đảm bảo và thúc đẩy quyền con người nói chung, quyền của người dân tộc thiểu số nói riêng.

Đồng chí Y Thông cũng cho rằng, tham gia Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, Việt Nam có lợi ích là để bạn bè quốc tế đánh giá, nhận định về các thành tựu của Việt Nam, đồng thời đón nhận những tri thức quốc tế để xem xét vận dụng vào quá trình hoạch định các chính sách dân tộc.

Bình luận về những thay đổi trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số từ khi đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986) tới nay, đồng chí Y Thông cho rằng, việc thực hiện quyền của người dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn. Việt Nam đưa ra các chính sách cho đồng bào ngày càng nhiều hơn. Đời sống của đồng bào được nâng lên; từng bước khắc phục được vấn đề đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây, đồng bào sinh sống ở những vùng tương đối khó khăn thì hiện nay, đã hoà nhập, hội nhập với dân tộc đa số, từng bước phát triển kinh tế thị trường…

Trả lời câu hỏi của biên tập viên Đài Truyền hình Việt Nam về ấn tượng với những thành tựu nào của Việt Nam trong đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số, đồng chí  Y Thông cho rằng, đó là thành tựu bao phủ bảo hiểm y tế cho đồng bào gần 100% và nhấn mạnh, đây là một chính sách tốt đẹp, chỉ Việt Nam mới có. Bên cạnh đó là các chính sách trong đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số; quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển 5 trường dự bị đại học về Uỷ ban Dân tộc quản lý nhằm tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất cho các trường này để thu hút học sinh dân tộc thiểu số theo học. Việt Nam có hệ thống gần 400 trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú cũng đã mở ra cơ hội phát triển giáo dục đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số…

Đồng chí Y Thông khẳng định, chính sách dân tộc của Việt Nam qua từng giai đoạn đã có sự phát triển nâng cao. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện các chính sách này như thế nào để có hiệu quả. Hiện nay, chính sách dân tộc đã được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025. Chương trình gồm 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và nhiều nội dung, được thiết kế bao phủ đầy đủ mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số.

Để đưa Chương trình vào cuộc sống, thời gian qua, Quốc hội đã bàn rất nhiều, vướng ở đâu, gỡ ở đó. Uỷ ban Dân tộc với tư cách là chủ Chương trình cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Uỷ ban Dân tộc cũng được Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ giao phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai sửa đổi để giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào có sinh kế ổn định nhất, tốt nhất…

Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG, công tác tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng. Qua tuyên truyền giúp đồng bào hiểu biết, nhận thức đúng về chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đảng, Nhà nước luôn tìm mọi cách giúp đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn - ông Y Thông nhấn mạnh

Đồng chí Y Thông - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định: Đến thời điểm này, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ số liệu, tài liệu, dẫn chứng, lý lẽ để sẵn sàng bảo vệ Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) lần thứ 5 tại Kỳ họp thứ 111 của Ủy ban Công ước ở Geneve, Thụy Sĩ./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực