Vĩnh biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh!

Thứ sáu, 03/05/2019 09:28
(ĐCSVN) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh, có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại tướng Lê Đức Anh: Vị tướng tài ba, nhà lãnh đạo xuất sắc

Đại tướng Lê Đức Anh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh ngày 01/12/1920; quê quán: Xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng tháng 5/1938.

Ngay từ khi còn trẻ tuổi, đồng chí Lê Đức Anh đã giác ngộ và bước vào hoạt động cách mạng bằng việc tham gia các tổ chức quần chúng lao động ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1937, khi còn là công nhân làm việc ở nghiệp đoàn cao su Lộc Ninh, đồng chí đã tham gia đấu tranh và hoạt động hăng hái trong phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động, nhằm chống chế độ bóc lột hà khắc của thực dân Pháp và đòi các quyền dân chủ, dân sinh của người lao động. Với bầu nhiệt huyết cách mạng và chí khí đấu tranh cùng năng lực tổ chức hoạt động đã được tôi luyện trong phong trào công nhân, năm 1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 18 tuổi.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí trực tiếp chỉ đạo quân đội tỉnh Thủ Dầu Một chuẩn bị khởi nghĩa và tham gia giành chính quyền ở tỉnh Thủ Dầu Một. Sau đó, đồng chí tham gia quân đội, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được cử giữ các chức: Tham mưu trưởng Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa bàn, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu” và giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí được Đảng  giao các chức vụ: Cục phó Cục tác chiến; Cục trưởng Cục quân lực Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh Quân khu 9; Phó Bí thư Bộ Tư lệnh miền Nam; Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên các cương vị này, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã tôi luyện ý chí, tài năng, giúp đồng chí không ngừng trưởng thành, có những đóng góp quan trọng trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Đồng chí đã trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975; chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam; làm nhiệm vụ quốc tế, giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ… Từ năm 1976 đến 1980, đồng chí được giao các chức vụ: Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1981. Ngày 29/6/1981, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia. Năm 1982, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V) bầu vào Bộ Chính trị; năm 1984, đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng và giữ các trọng trách của Quân đội như: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (1986); Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng (1987). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương đã bầu đồng chí làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo nhà quân sự lớn đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Cuộc đời của đồng chí Lê Đức Anh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội. Đồng chí từng có mặt trên nhiều chiến trường khó khăn, ác liệt, chỉ huy, trực tiếp chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở phía tây nam và giúp cách mạng Cam-pu-chia đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ, để hồi sinh, xây dựng đất nước Cam-pu-chia. Trên cương vị là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Lê Đức Anh đã cùng tập thể lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Đức Anh luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đồng chí là một đảng viên cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo quân sự tài ba trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc có uy tín lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Một trong những điều mà đồng chí luôn quan tâm trong suy nghĩ và hành động của mình là làm sao các cơ quan nhà nước phải thực sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, thực sự đại diện cho quyền lợi của người dân và phục vụ hiệu quả những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Để thực hiện điều này, đồng chí đã nhiều lần đi thăm và làm việc với các địa phương. Bên cạnh việc biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, nhân dân các địa phương đạt được, đồng chí cũng nêu lên một số ý kiến để Đảng bộ, chính quyền các địa phương cần thực hiện. Đồng chí nêu rõ: Để đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải đẩy mạnh sản xuất, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực thực hiện tốt chủ trương của Đảng là “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Đức Anh là một tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”.

Đồng chí Lê Đức Anh luôn phấn đấu, học tập không ngừng, nâng cao tri thức về mọi mặt; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên; luôn có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Trong cuộc sống, đồng chí sống trung thực, giản dị, tiết kiệm, gần gũi, thủy chung với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào. Đồng chí là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong lời kết của cuốn Hồi ký “Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng”, đồng chí đã viết: “Từ thực tiễn hơn 70 năm hoạt động cách mạng của mình, tôi rút ra được đôi điều tâm huyết là phải luôn luôn rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục, quá trình rèn luyện cần hội tụ đủ ba yếu tố.

Thứ nhất là, luôn học tập không ngừng, nâng cao tri thức mọi mặt, đặc biệt là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai là, thường xuyên rèn luyện bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước cán bộ, chiến sỹ và trước cấp trên. Trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, lập trường cách mạng, cần có sự mềm dẻo, linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể, năng động, sáng tạo để đạt hiệu quả cao nhất trong chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng và mệnh lệnh của cấp trên.

Thứ ba là, luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của người chiến sỹ cộng sản, có tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết. Mọi suy nghĩ và hành động phải xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc; luôn phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và của cả dân tộc, hết lòng thương yêu gắn bó với nhân dân, gắn bó với Tổ quốc thì dù khó khăn, gian khổ ác liệt và nguy hiểm đến mấy chúng ta cũng vượt qua được”.

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, trên các cương vị công tác, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân giữ vững và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, nỗ lực làm hết sức mình với tư tưởng tiến công, hoàn thành cao nhất nhiệm vụ và trọng trách được giao.

Cũng trong cuốn hồi ký nêu trên, đồng chí đã viết: “Nhớ lại những năm tháng đầy thử thách, cam go, khi bị kẻ thù khủng bố, đàn áp gắt gao, những lúc cách mạng gặp khó khăn, thử thách, song nhờ bám thực tế, chủ động sáng tạo, dựa vào dân, bám chắc vào dân nên tôi đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất mới thấy hết vai trò to lớn của nhân dân. Nhân dân không chỉ là người giúp đỡ, chở che, mà họ còn là nguồn sáng tạo vô tận để chúng tôi học tập”.

Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đồng chí đã để lại trong chúng ta hình ảnh khó phai về một nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn; là người hoạt động thực tiễn sôi nổi, sâu sát, có hiệu quả, nói đi đôi với làm, có tư duy sáng tạo, tinh thần quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, một chiến sĩ cách mạng tài trí, kiên cường.

Với tất cả tấm lòng tiếc thương vô hạn nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, chúng ta nguyện tiếp bước sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Vĩnh biệt nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh - Người chiến sĩ cách mạng kiên cường của Đảng và dân tộc!

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực