Phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia góp phần tăng cường bảo đảm an ninh biên giới chung

Thứ hai, 14/10/2024 19:57
(ĐCSVN) - Nhằm củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, hai bên cần tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh biên giới chung trên đất liền và trên biển.
Bộ đội Việt Nam tuần tra biên giới Việt Nam - Campuchia. 

Campuchia có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, nằm án ngữ phía Tây và Tây Nam của Việt Nam, phía Đông của Thái Lan; giáp hạ nguồn lưu vực sông Mekong; vừa thông ra biển, vừa án ngữ đường thuỷ huyết mạch của khu vực Đông Nam Á lục địa; có cảng nước sâu Shihanoukville nằm trong đường hàng hải chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời. Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh. Với vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam - Campuchia có chung đường biên giới dài, những năm qua nhờ sự nỗ lực của cả hai bên chúng ta đã phân giới và cắm mốc được hàng ngàn km đường biên giới giữa hai nước góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới; qua đó góp phần duy trì và củng cố đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia luôn hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác phát triển bền vững, vì lợi ích của hai quốc gia cũng như hạnh phúc, thịnh vượng và phồn vinh của nhân dân hai nước.

Hai nước thường xuyên thúc đẩy quan hệ hợp tác về đảm bảo an ninh biên giới giữa các địa phương giáp biên, tạo mối gắn bó giữa hai bên không chỉ bây giờ mà từ xa xưa. Thời đại phong kiến, giữa Việt Nam và Campuchia đã hình thành biên giới lịch sử nhưng cơ bản chỉ ở dạng các ranh giới vùng - miền. Trong thời kỳ thực dân, biên giới giữa hai nước có nhiều biến động bởi sự điều chỉnh của Toàn quyền Đông Dương.

 Hàng ngàn mốc biên giới đã được xây dựng giữa hai nước.

Đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương (1954), toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước đã được thể hiện tương đối đầy đủ trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản.

Trong giai đoạn từ 1954-1977, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán về biên giới nhưng không đạt kết quả.

Sau khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia ra đời, ngày 18/02/1979, hai nước đã ký “Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia”.

Trên cơ sở Hiệp ước này, hai nước đã đàm phán và ký “Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia” ngày 20/7/1983 và “Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia” ngày 27/12/1985 (gọi tắt là Hiệp ước năm 1985).

Thực hiện Hiệp ước năm 1985, từ năm 1986 hai bên đã tiến hành công tác phân giới cắm mốc và dự kiến sẽ cắm 322 cột mốc trên thực địa, tuy nhiên đến đầu năm 1989, vì một số lý do, công tác phân giới cắm mốc đã tạm dừng.

Từ năm 1999, đàm phán biên giới trên đất liền được nối lại và ngày 10/10/2005, hai nước đã ký “Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985” (gọi tắt là Hiệp ước bổ sung năm 2005), theo đó, đã điều chỉnh việc hoạch định biên giới tại một số khu vực và thỏa thuận việc triển khai công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến.

Từ năm 2006, thực hiện Hiệp ước năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, hai bên tái khởi động công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền. Năm 2013, hai bên thống nhất cắm bổ sung các mốc phụ, cọc dấu để làm rõ hướng đi của đường biên giới trên thực địa.

Kết quả đến nay, hai bên đã hoàn thành phân giới được hàng ngàn km đường biên giới với hơn 2 ngàn cột mốc tại hơn hai ngàn vị trí địa lý.

NM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực