|
Tuần tra song phương trên tuyến biên giới Đăk Nông- Mondulkiri (Campuchia). |
Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Nông quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia dài 141km, với 2 cửa khẩu. Khu vực biên giới của tỉnh có 7 xã thuộc 4 huyện biên giới. Với phương châm quan hệ hai nước: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững dài lâu”, công tác đối ngoại giữa BĐBP tỉnh Đăk Nông và lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Moddulkiri (Campuchia) thường xuyên được hai bên duy trì, thực hiện bằng các nội dung, hình thức như: Tích cực tham mưu chính quyền hai bên mở rộng quan hệ đẩy mạnh hợp tác, phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán chất ma tuý, phụ nữ, trẻ em và phòng, chống các loại dịch bệnh qua biên giới. Thường xuyên thông tin, trao đổi về tình hình liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, hoạt động của các loại tội phạm đặc biệt là tội phạm khủng bố có vũ trang, hoạt động bay vi phạm chủ quyền Việt Nam-Campuchia. Chỉ đạo các Đồn Biên phòng cửa khẩu tổ chức Hội đàm định kỳ, đột xuất; tổ chức tuần tra song phương, tuần tra cùng thời điểm quản lý chặt chẽ biên giới. Tăng cường gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, chúc mừng lực lượng vũ trang tỉnh Monđulkiri nhân dịp các ngày Lễ, Tết cổ truyền để tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và truyền thống.
Đại tá Vũ Xuân Đại, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết: BĐBP tỉnh luôn xác định công tác đối ngoại biên phòng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy đã luôn quan tâm, chủ động đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, phối hợp quản lý, bảo vệ và giữ gìn an ninh biên giới, cửa khẩu; duy trì thực hiện nghiêm Hiệp định, Hiệp nghị, các thỏa thuận song phương giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên đã ký kết; phối hợp thực hiện tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động vượt biên, xâm nhập trái phép qua biên giới, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán chất ma tuý, phụ nữ, trẻ em và phòng chống các loại tội phạm khác trên khu vực biên giới, cửa khẩu; hoạt động của các đường dây đưa, dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép.
|
BĐBP Đăk Nông hỗ trợ vật tư phòng chống dịch COVID-19 cho Lực lượng vũ trang tỉnh Mondulkiri, Campuchia. |
Hằng năm, BĐBP tỉnh đã tham mưu cho Bộ Tư lệnh BĐBP, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông chỉ đạo thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại Biên phòng, đối ngoại nhân dân và tham gia Đoàn công tác của địa phương đàm phán giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Tăng cường tổ chức các hoạt động qua lại thăm hỏi, chúc mừng, khám, chữa bệnh của lực lượng vũ trang cũng như nhân dân khu vực biên giới. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Monđulkiri duy trì thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Hiệp định Quy chế biên giới năm 1983, Hiệp ước hoạch định biên giới Quốc gia năm 1985, Hiệp ước bổ sung năm 2005 và Nghị định thư PGCM biên giới trên đất liền, Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới giữa Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia đã ký ngày 05/10/2019 tại Thủ đô Hà Nội, góp phần bảo vệ thành quả công tác PGCM mà hai bên đã thống nhất phân giới cắm mốc trên thực địa. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, các Sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy Ban nhân dân các huyện biên giới tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác, phối hợp quản lý biên giới với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia”.
|
BĐBP Đăk Nông tặng học bổng Nâng bước em đến trường cho học sinh nghèo Campuchia |
Từ đầu năm 2023 đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức Tuần tra song phương, tuần tra cùng thời điểm 24 đợt/432 người tham gia. Thường xuyên trao đổi về tình hình liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, hoạt động của tội phạm, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động bay vi phạm chủ quyền. Phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, ngăn chặn, đấu tranh với các loại tội phạm: buôn lậu, gian lận thương mại, xuất, nhập cảnh trái phép và các loại tội phạm khác giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên khu vực biên giới; phối hợp chặt chẽ, giải quyết nhanh chóng kịp thời các vụ việc nảy sinh trên biên giới trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị; tiếp tục công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân sinh sống trong khu vực biên giới của mỗi bên nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, nhất là hai văn kiện pháp lý mà Thủ tướng Chính phủ hai nước đã ký ngày 05/10/2019 (Nghị định thư về công tác Phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa Việt Nam - Campuchia và Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới năm 2019), Hiệp định về Quy chế khu vực biên giới và các thỏa thuận song phương mà Chính phủ hai nước đã ký kết cũng như pháp luật của mỗi nước; để từ đó nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật khu vực biên giới, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu qua biên giới, cửa khẩu; không nghe lời tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia. Duy trì chặt chẽ các hoạt động quản lý, kiểm soát cửa khẩu, thời phối hợp chặt chẽ với Hải quan, Kiểm dịch Y tế Cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh tại Cửa khẩu và tạo điều kiện cho việc trao đổi, lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm và những mặt hàng thiết yếu của nhân dân hai tỉnh Đăk Nông, Việt Nam và Monđulkiri, Campuchia. Tổ chức tặng quà và hỗ trợ hàng hóa, vật chất cho lực lượng vũ trang tỉnh Monđulkiri; tặng quà các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn xã Đăk Đam, huyện Ô Răng. Hàng tháng hỗ trợ, giúp đỡ 12 em học sinh nghèo ở xã Bu Sa Ra, huyện Bét Chăn Đa và xã Đắk Đam huyện Ô Răng, tỉnh MĐKR/CPC theo chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phát động, mỗi em 500.000 đồng/tháng.
Thượng tá Phạm Quốc Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Bu P’Răng, BĐBP Đăk Nông chia sẻ: Khu vực Cửa khẩu Bu P’răng là con đường huyết mạch phục vụ công tác giao thương, công tác đối ngoại giữa hai tỉnh Đăk Nông và Monddulkiri (Campuchia), trong những năm qua, đơn vị duy trì tốt mối quan hệ với lực lượng bảo vệ biên giới phía đối diện; thường xuyên trao đổi, thông tin tình hình liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, hoạt động của các loại tội phạm, công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức giao ban, hội đàm, định kỳ, đột xuất, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội 2 bên biên giới.
Để thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đăk Nông đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng trên địa bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, nhằm làm cho bà con ở khu vực biên giới hiểu rõ về chủ quyền lãnh thổ, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở của Đảng, Nhà nước ta; tích cực đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền thù địch, kích động, chia rẽ tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, chủ động làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới xuất - nhập cảnh; đồng thời, phối hợp với chính quyền, đoàn thể các xã biên giới tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân; gặp gỡ người có uy tín nhằm tranh thủ mối quan hệ dân tộc, thân tộc của đồng bào hai bên biên giới tuyên truyền về vấn đề quốc gia, quốc giới, thực hiện tốt hiệp định về quy chế biên giới giữa hai nước, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững.
Ông Hồ Xuân Hậu, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông cho biết: “Huyện Tuy Đức có trên 44 km đường biên giới, có 4 đồn biên phòng đứng chân, trong những năm qua, các đồn biên phòng đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện về công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân và được các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều phương pháp, hình thức phù hợp; đảm bảo huy động cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Nhân dân hai bên có mối giao lưu quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời, thường xuyên qua lại, trao đổi hàng hóa, tạo nên tình hữu nghị mang tính truyền thống, gắn bó bền chặt”./.