|
Nhân dân Campuchia mang nước thốt nốt đến cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những ngày giúp nhân dân Campuchia thu hoạch lúa - hình ảnh thắm đượm tình nghĩa quân dân Việt Nam - Campuchia trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot . |
Ngày 24-6-1967, quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Campuchia chính thức được thiết lập, nhưng sự gắn bó, đoàn kết, hữu nghị giữa hai bên đã được hun đúc từ những năm tháng cùng chung sức, đồng lòng đánh đuổi thực dân Pháp. Chỉ thị kháng chiến kiến quốc vào ngày 25-11-1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra chủ trương thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Tháng 3-1951, tại Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Đông Dương, khối liên minh nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia cũng được thành lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước. Sự ra đời của khối liên minh chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam - Lào - Campuchia mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, không chỉ gắn kết, tập hợp ba nước Đông Dương vào chung một mặt trận thống nhất, mà còn là biểu tượng của sự thắng lợi trước chính sách “chia để trị” của thực dân Pháp. Mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa ba nước nói chung, giữa Việt Nam và Campuchia nói riêng đã tạo ra những điều kiện căn bản, đồng thời là nhân tố bảo đảm và thúc đẩy cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc của mỗi nước đi đến thắng lợi.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước. Về phía Campuchia, chính quyền Campuchia do Hoàng thân Nô-rô-đôm Xi-ha-núc làm Quốc trưởng đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn vào năm 1963, công khai lên án hành động xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ và tổ chức Hội nghị Nhân dân các dân tộc Đông Dương tại Thủ đô Phnôm Pênh (Cam-pu-chia) vào năm 1965, thông qua “Nghị quyết về vấn đề Việt Nam” khẳng định tình đoàn kết của nhân dân Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngoài sự ủng hộ về chính trị, Campuchia còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam Việt Nam. Khi Campuchia rơi vào khó khăn sau cuộc đảo chính tháng 3-1970 của Lon Nol, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh cùng nhân dân Campuchia, giúp Campuchia chuyển hướng đấu tranh từ mục tiêu hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, dân sinh sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị chống Chiến lược Khơ-me hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, lực lượng kháng chiến Campuchia từng bước được xây dựng và trưởng thành, tích cực phối hợp với quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Pha-thét Lào thực hiện liên minh đặc biệt chiến đấu đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai ở Đông Dương, làm nên chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam và Campuchia vào mùa Xuân năm 1975.
Khi cả hai đất nước hoàn toàn được giải phóng khỏi chế độ thực dân, đế quốc, Campuchia lại rơi vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước này khi phải đối mặt với nguy cơ bị diệt chủng bởi chế độ Pôn Pốt - Iêng Xa-ry - Khiêu Xam-phon. Sự tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xa-ry - Khiêu Xam-phon đối với nhân dân Campuchia cũng như những cuộc tấn công quy mô lớn, liên tục của lực lượng quân đội “Campuchia Dân chủ” vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, giết hại nhiều người dân Việt Nam, một lần nữa đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân hai nước cùng chống lại chế độ diệt chủng hết sức man rợ.
|
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Samdech Pichey Sena Tea Banh dự Chương trình Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia. |
Thực hiện quyền tự vệ trước những hành động xâm lược với chính sách “giết sạch, cướp sạch, phá sạch” vô cùng dã man, tàn bạo của bè lũ Pôn Pốt đối với nhân dân Việt Nam và đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã cùng với những chiến sĩ cách mạng chân chính và nhân dân Campuchia tiến hành cuộc cách mạng ngày 7-1-1979, lật đổ chế độ diệt chủng “Campuchia Dân chủ”. Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Campuchia trong cuộc chiến này được đánh đổi bằng xương máu của biết bao chiến sĩ quân tình nguyện và là biểu tượng của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, chí nghĩa, chí tình giữa hai dân tộc láng giềng anh em.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân Campuchia, từ năm 1979 đến năm 1989, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã ở lại Campuchia chung sức với cán bộ và nhân dân Campuchia nhằm ngăn chặn nạn đói đang hoành hành khắp nơi và trực tiếp cùng với Chính phủ, quân đội và nhân dân Campuchia khắc phục những hậu quả sau chế độ diệt chủng, từng bước thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc, xây dựng lại đất nước, tạo thế nương tựa, hỗ trợ lẫn nhau để đối phó với sự bao vây, cấm vận và tiến công quân sự, ngoại giao của các thế lực thù địch, phản động.
Tháng 9-1989, khi Campuchia đủ sức tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã lên đường về nước. Trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, ngày 7-1-1989, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia Hiêng Xom-rin (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia) đã khẳng định: “Tổ quốc và nhân dân Campuchia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Campuchia”. Chiến thắng ngày 7-1-1979 là một thắng lợi vĩ đại, sáng ngời chính nghĩa trong thế kỷ XX; là nền móng, là niềm tin để mối quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Campuchia không ngừng phát triển. Ngày 7-1-1979 mãi mãi là một mốc son trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia.