|
Ông Quàng Văn Giới và ông Bông Súc trao đổi về việc dẫn nước về ruộng. |
Nửa thế kỷ mang sứ mệnh thiêng liêng
Thực ra, con mương dẫn nước dài 9km từ bản Mo qua bản Chiềng Khương (xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã) không hề có tên nhưng có lẽ vì mang “sứ mệnh” cao cả là tưới tiêu cho ruộng các bản người Lào của huyện Mường Ét nên người dân gọi bằng cái tên “mương nước Hữu Nghị”. Ông Quàng Văn Giới (Trưởng bản) bảo rằng, sinh ra và lớn lên ở Chiềng Khương, ngay từ nhỏ đã được các già làng trong bản kể cho nghe về lịch sử của mương nước này. Câu chuyện bắt đầu từ 1967, chính quyền huyện Sông Mã huy động công nhân, nhân dân đi đào mương dẫn nước tưới tiêu cho các bản Pục, Chiềng Khương và 5 bản giáp biên của huyện Mường Ét là bản Đán, Huổi Củ, Hát Củ, Vỉa, Sổn Khua. Khi ấy chỉ là con mương đất dẫn nước, đủ tưới cho 1 vụ lúa. Năm 1988, chính quyền huyện Sông Mã tiến hành nâng cấp, xây gia cố mương nên hàng năm người dân chỉ phải đi nạo nét bùn, phát quang cây cỏ.
Trong thực tế, mương nước Hữu Nghị tuy nhỏ nhưng đã đem lại hiệu quả vô cùng lớn. Không chỉ giúp người dân từ trồng 1 vụ lên 2 vụ mỗi năm mà còn giúp người dân 2 bên biên giới phấn khởi, tin tưởng để khai hoang mở rộng diện tích. Đến nay, các bản Lào đã có 53ha, còn bản Pục, bản Chiềng Khương (huyện Sông Mã) có 14ha. Đời sống của nhân dân bởi thế ngày càng ấm no nhưng hơn cả là tình đoàn kết giữa nhân dân các bản 2 bên biên giới ngày càng khăng khít, gắn bó. Những ngày mùa trên cánh đồng rộn rã tiếng cười nói, người dân 2 bên biên giới đổi công giúp nhau cày bừa, gieo mạ, gặt lúa. Cây lúa cứ thế lớn lên với bao hi vọng vào ngày cho bông vàng trĩu hạt, bát cơm dẻo thơm hơn vì được kết tinh từ dòng nước đậm tình hữu nghị Việt Nam- Lào.
Khúc ca của tình đoàn kết
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương và nhân dân các bản Chiềng Khương, bản Đán nạo vét, khơi thông dòng chảy cho mương nước Hữu Nghị. |
Đối với người dân 2 bên biên giới xã Chiềng Khương và huyện Mường Ét thì người Việt Nam, người Lào là anh em không chỉ trên phương diện ngoại giao 2 nước mà trong thực tế đó còn là mối quan hệ thân tộc. Tình đoàn kết hữu nghị nơi đây được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, đó là người dân đùm bọc lúc khó khăn cũng như sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương (BĐBP Sơn La). Suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Lào tạm tạm dừng xuất, nhập cảnh phổ thông để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Điều này gây khó khăn vô cùng lớn với nhân dân các bản giáp biên của Lào bởi vốn từ trước đến giờ, việc khám chữa bệnh, mua hàng hóa, nhu yếu phẩm hầu hết đều diễn ra ở xã Chiềng Khương hoặc thị trấn Sông Mã. Trước khó khăn ấy, không ít lần, chính quyền huyện Sông Mã, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đã hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân các bản giáp biên của huyện Mường Ét. Người dân các bản Pục, Chiềng Khiêng cũng chuẩn bị sẵn những gùi đan đựng mắm muối, cá khô đặt sát đường biên giới để nhưng người anh em ở Lào có thể tới lấy mang về, phần nào giúp vượt qua những ngày khó khăn vì dịch bệnh.
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương giúp người dân bản Đán thu hoạch lúa.
|
Tháng 8, những cánh đồng ở các bản Pục, Chiềng Khương, Đán Huổi Củ, Hát Củ, Vỉa, Sổn Khua đã xanh mơn mởn vì cây lúa đã bén rễ. Để nước về đủ, mọi người sẽ phải đi khơi thông con mương Hữu Nghị. Không phải nhắc nhở, mỗi gia đình đều cử người tham gia vì ai cũng xác định đây là việc chung nhưng cũng là việc riêng của mình. Vì mương Hữu Nghị dài gần chục cây số, vậy nên Chi đoàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương cũng cử lực lượng tham gia hỗ trợ cho bà con. Việc vất vả nhưng ai cũng mang tâm trạng rất phấn khởi vì biên cương Chiềng Khương lại rộn rã tiếng cười nói sau bao ngày tháng bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. Có mặt cùng người dân hai bên biên giới đi khơi thông đường mương, được nghe những câu chuyện kể, chúng tôi càng hiểu hơn về tình hữu nghị Việt Nam- Lào.
Lần nào đi khơi thông, nạo vét mương ông Bông Súc, Bí thư chi bộ bản Đán đều có mặt. Lúc nghỉ giải lao, ông tranh thủ trao đổi với trưởng bản Quàng Văn Giới về việc sẽ đổi công trong những ngày sắp tới. Ông Bông Súc chia sẻ: “Tình hữu nghị Việt – Lào nơi đây không chỉ là con mương dẫn nước từ Việt Nam sang tưới tiêu cho những cánh đồng lúa ở Lào. Những ngày phòng, chống dịch nếu không có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương và nhân dân bản Chiềng Khương thì các bản bên này không có nước để trồng lúa. Chúng tôi biết rằng, lúc làm mương nước là thời điểm giặc Mỹ tăng cường bắn phá leo thang ra miền Bắc. Đã có 3 công nhân bị trúng bom và hi sinh. Ân tình sâu nặng này chúng tôi luôn ghi nhớ, nhắc nhở nhau vì thế mà càng phải gìn giữ, vun đắp tình hữu nghị Việt Nam- Lào”.
Đứng ở cửa khẩu Chiềng Khương, nhìn những cánh đồng đã xanh mướt, ai cũng có thể hình dung ra những ngày sắp tới, rằng cây lúa sẽ trổ bông, kết nên những bông lúa trĩu nặng nghĩa tình đoàn kết và mang về mùa no ấm cho người dân biên giới.