Tăng cường vai trò của người dân trong công tác bảo vệ đường biên giới Việt Nam – Lào

Thứ hai, 04/12/2023 15:28
(ĐCSVN) - Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào dài hơn 2.337 km, đi qua 10 tỉnh biên giới của Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh biên giới của Lào. Nhiều năm qua, công tác quản lý biên giới không chỉ có sự đóng góp rất quan trọng của các lực lượng chức năng, mà có sự đóng góp không nhỏ của người dân Việt Nam và Lào giáp biên.

Phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã trao đổi với bà Hoàng Thị Lề, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Uỷ ban Dân tộc) về vai trò của người dân trong công tác bảo vệ đường biên, mốc giới cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác biên giới Việt Nam - Lào thời gian tới.

Phóng viên (PV): Nhiều năm qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có đóng góp rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia Việt Nam và Lào. Bà có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Bà Hoàng Thị Lề: Trong những năm qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu đi đầu và tích cực vận động nhân dân tham gia các hoạt động của cộng đồng và có nhiều đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Với mỗi bản làng vùng biền giới nhất là biên giới Việt Nam và Lào, vai trò của già làng, trưởng bản người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng hết sức quan trọng. Bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết, am hiểu phong tục tập quán và thực tiễn địa phương, thông qua những việc làm cụ thể, gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng; trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế; giữ gìn phong tục tập quán, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và xây dựng đời sống văn hoá dọc tuyến biên giới Việt Nam và Lào.

Xây dựng tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam và Lào góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới và thắt chặt mối tình gắn bó keo sơn.

Bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những người có uy tín đã gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số kịp thời nắm bắt tình hình, phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị giúp các ngành chức năng và chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động trái pháp luật vùng biên giới; tham gia giải quyết các mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, cùng với cấp uỷ đảng chính quyền tham gia giải quyết ổn thoả nhiều khiếu kiện, tranh chấp đất đai, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây rối trật tự an ninh ở cơ sở, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; cảm hoá, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trên tuyên biên giới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia Việt Nam và Lào.

PV: Để vận động, hướng dẫn người dân trên tuyến biên giới quốc gia Việt Nam và Lào thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH thích ứng với bối cảnh mới hiện nay, Uỷ ban Dân tộc đã có chỉ đạo triển khai như thế nào để công tác tuyên truyền về vấn đề này đạt hiệu quả, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Lề: Nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc giữa Ủy ban Dân tộc Việt Nam và các cơ quan làm công tác dân tộc của Lào, ngày 18/9/2017 tại Hà Nội Ủy ban Dân tộc Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nội vụ Lào về công tác dân tộc giai đoạn 2017 đến 2021 đến nay bản thỏa thuận hợp tác đã hết hiệu lực để tiếp tục thỏa thuận hợp tác ngày 25/7/2022 Ủy ban Dân tộc Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Nội vụ Lào về công tác dân tộc giai đoạn 2022 đến 2030.

Ngoài ra, Uỷ ban Dân tộc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để góp phần củng cố bền chặt mối quan hệ Việt – Lào trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như: giảm nghèo, phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số; định hướng hợp tác đào tạo, trao đổi đoàn về lĩnh vực công tác dân tộc giai đoạn 2020 – 2025.

Thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 01/6/2018 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức triển khai các hoạt động như: tổ chức 1 lớp bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ Lào năm 2022 cho 20 cán bộ của Mặt trận Lào xây dựng đất nước thời gian 12 ngày tại tỉnh Nghệ An; tổ chức đón đoàn Cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước gồm 07 đồng chí do Phó chủ tịch Mặt trận Lào làm trưởng đoàn; Năm 2023 sản xuất audio spot tuyên truyền chính sách dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, giáo dục, củng cố tăng cường tình hữu nghị của cộng đồng các dân tộc thiều số trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, sản xuất bằng tiếng Việt và biên tập, biên dịch sang các thứ tiếng: Mông, Thái, Ê Đê, Gia Rai, Khmer; Tuyên truyền trên báo về tình hữu nghị cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, Tuyên truyền quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và nước bạn cũng như quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện của Việt Nam - Lào trong giai đoạn hiện nay, tuyên truyền, động viên người dân và tôn vinh các tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác giữ gìn, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.

PV: Để tăng cường hơn nữa hoạt động giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau của người dân hai bên biên giới Việt Nam và Lào, công tác tuyên truyền, vận động sẽ cần chú trọng và vấn đề gì, với cách thức triển khai ra sao thưa bà?

Bà Hoàng Thị Lề: Tăng cường tuyên truyền về các hoạt động giao lưu nhân dân nhằm duy trì và phát triển tình hữu nghị truyền thống giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống dọc biên giới giữa 2 nước Việt Nam – Lào; thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số, chia sẻ kinh nghiệm giữa đại biểu dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến biên giới nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

Đồng thời, tuyên truyền đến đồng bào dân tộc thiểu số tình hữu nghị của nhân dân các dân tộc dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Xây dựng, củng cố niềm tin bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định và phát triển. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và đồng bào vùng biên giới về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa Việt Nam - Lào. Giúp đồng bào các dân tộc vùng biên giới Việt Nam - Lào nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh bác bỏ những những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Lào.

Tuyên truyền, truyền thông các hoạt động và hiệu quả chính sách ngoại giao nhân dân, thúc đẩy sự phát triển KT-XH giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng đồng bào sinh sống dọc các tuyến biên giới Việt Nam - Lào; tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG; quảng bá hình ảnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam, những thành tựu về giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với bạn bè quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tới các nước có chung đường biên giới, góp phần xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Hồng Ngọc (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực