Cộng đồng người Cơ Tu ở Việt Nam sinh sống dọc theo dãy Trường Sơn, trải dài qua các huyện miền núi của Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng (Việt Nam), có dân số khoảng 74.173 người. Ở nước bạn Lào, người Cơ Tu sinh sống tại các tỉnh phía Nam Lào, chủ yếu ở huyện Ka Lum, Thông Vai (tỉnh Sê Kông) và huyện Lau Ngam (tỉnh Salavan), dân số khoảng 15.000 - 20.000 người. Dù sống ở hai quốc gia khác nhau, dân tộc Cơ Tu vẫn duy trì mối liên kết chặt chẽ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, đặc biệt là qua nghề dệt thổ cẩm – biểu tượng văn hóa chung của người Cơ Tu.
Tại vùng biên giới Việt – Lào, người Cơ Tu đã sáng tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc, với hệ thống tín ngưỡng thờ thần rừng, thần núi, các lễ hội truyền thống như lễ ăn mừng lúa mới hay lễ đâm trâu, lễ mừng nhà Gươl mới. Trong mỗi ngôi làng Cơ Tu, nhà Gươl là một trung tâm văn hóa, một biểu tượng tín ngưỡng được xem là linh hồn của người Cơ Tu. Đây không chỉ là nơi diễn ra các nghi lễ mà còn là không gian bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo như thổ cẩm, nhạc cụ, trang phục truyền thống. Những tấm thổ cẩm với họa tiết hình người múa Da Dá, chim muông, suối nguồn không chỉ thể hiện sự khéo léo mà còn truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.
|
Điệu múa Tân Tung Da Dá một vũ điệu dân gian nổi bật trong nền văn hóa Cơ Tu giàu bản sắc.
|
Thổ cẩm Cơ Tu: Biểu tượng của tình hữu nghị
Thổ cẩm Cơ Tu là kết tinh từ bàn tay khéo léo và tâm hồn mộc mạc của đồng bào nơi đại ngàn Trường Sơn. Với kỹ thuật dệt thủ công truyền thống, những sợi bông tự nhiên được xe từ cây bông bản địa, nhuộm màu bằng các loại lá, vỏ cây rừng, tạo nên một bảng màu trầm ấm nhưng giàu sắc thái. Những hoa văn trên thổ cẩm không chỉ là hình ảnh trang trí đơn thuần mà còn ẩn chứa những câu chuyện truyền đời về tổ tiên, tín ngưỡng, cuộc sống lao động và khát vọng hòa bình, gắn kết con người với đất trời.
Tại các phiên chợ vùng biên Việt - Lào, thổ cẩm không chỉ là sản phẩm trao đổi mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa giữa hai cộng đồng Cơ Tu. Đây là nơi để các nghệ nhân chia sẻ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau làm phong phú thêm bản sắc dân tộc. Người Cơ Tu tại Việt Nam học hỏi kỹ thuật dệt hoa văn bằng cườm tinh xảo từ đồng bào Lào, trong khi người Cơ Tu ở Lào nhập giống bông từ đồng bào Quảng Nam để phục hồi và phát triển nghề dệt truyền thống.
Hơn thế nữa, thổ cẩm còn là minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa, phản ánh tình đoàn kết và sẻ chia vượt qua biên giới. Những họa tiết độc đáo như hình người múa Da Dá, chim muông, hay núi rừng chập chùng không chỉ là biểu tượng của sự phong phú văn hóa mà còn truyền tải thông điệp về sự hòa hợp giữa các dân tộc, củng cố tình hữu nghị keo sơn Việt - Lào, một mối quan hệ gắn bó đã trường tồn qua thời gian.
Giao lưu văn hóa thắt chặt tình hữu nghị
Trong các sự kiện giao lưu văn hóa Việt - Lào, người Cơ Tu tổ chức nhiều hoạt động phong phú như trình diễn nghề dệt, triển lãm sản phẩm thủ công, biểu diễn điệu múa Tân Tung Da Dá. Tại Ngày hội Văn hóa Việt - Lào ở A Lưới (Thừa Thiên Huế), nghệ nhân hai nước đã cùng nhau dệt tấm thổ cẩm lớn, tượng trưng cho mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc.
Bên cạnh đó, các lễ hội vùng biên như lễ hội Ka Tu (Quảng Nam) hay các ngày hội tại Sê Kông là dịp để người dân hai nước tổ chức các hoạt động giao lưu như thi đấu thể thao, biểu diễn văn nghệ và trưng bày sản phẩm văn hóa. Những điệu múa, bài hát dân gian không chỉ tôn vinh truyền thống mà còn khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm bảo tồn văn hóa cho thế hệ trẻ.
|
Người Cơ Tu sử dụng phương pháp dệt thủ công tạo ra những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc mầu, in đậm bản sắc của tộc người. |
Ngoài việc giao lưu trong các lễ hội, các chương trình hợp tác giữa các tỉnh như Quảng Nam và Sê Kông đã mở rộng không gian văn hóa. Nghệ nhân Cơ Tu từ Việt Nam thường xuyên sang Lào để truyền dạy kỹ thuật dệt và chế tác nhạc cụ, trong khi đồng bào Cơ Tu tại Lào chia sẻ phương pháp nhuộm màu tự nhiên. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm dệt, các di sản phi vật thể như âm nhạc cồng chiêng, nghệ thuật kể khan hay điệu múa Tân Tung Da Dá đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai dân tộc.
Thổ cẩm Cơ Tu, với những sợi chỉ được nhuộm từ đất, cây rừng, đã và đang kể tiếp câu chuyện về bản sắc dân tộc, tình hữu nghị keo sơn giữa Việt Nam và Lào. Trong từng đường kim mũi chỉ, ta thấy được không chỉ vẻ đẹp nghệ thuật mà còn cả tâm hồn, tình yêu và khát vọng trường tồn. Đó là nhịp cầu văn hóa không chỉ kết nối hai dân tộc mà còn góp phần khẳng định giá trị văn hóa chung của nhân loại.
Với tinh thần “núi liền núi, sông liền sông”, thổ cẩm Cơ Tu mãi là biểu tượng của tình bạn hữu nghị, là bài ca bất tận ngân vang qua từng thế hệ, nhắc nhở chúng ta về sức mạnh của sự đoàn kết, sẻ chia và gìn giữ những giá trị văn hóa thiêng liêng.
Bài, ảnh: K. Cương