Miền Trung phát huy giá trị các nguồn lực văn hóa theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thứ tư, 24/07/2024 14:40
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Đây cũng là định hướng sâu sắc để miền Trung - mảnh đất có dấu ấn sâu đậm về văn hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc tiếp thu, nỗ lực thực hiện trong giai đoạn mới.
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao văn hóa

Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã có rất nhiều Nghị quyết về văn hóa. Trong đó, quan trọng nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa  VIII với mục tiêu là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đến Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” ([1]).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đề cao vai trò của văn hóa mà Đảng, Bác Hồ đã xác định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Tổng Bí thư từng căn dặn: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng” ([2]).

Đặc biệt, phát biểu Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…” ([3]). Đây được xem là kim chỉ nam quan trọng, định hướng cho sự phát triển của nền văn hóa dân tộc thời gian tới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Việc xây dựng các hệ giá trị chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Nguồn lực văn hóa ở miền Trung ([4])

Miền Trung là vùng đất đặc biệt về mặt chính trị, địa lý, kinh tế, văn hóa - xã hội trong tiến trình lịch sử dân tộc. Nơi đây được mệnh danh “khúc ruột”, “đòn gánh” của cả nước. Vì vậy, trên mảnh đất này, có tiềm năng văn hóa, là nguồn lực quan trọng để khai thác, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bảo vệ bản sắc dân tộc.

Các di sản văn hóa vật thể ở khu vực miền Trung vô cùng phong phú, đa dạng; đồng thời, là nơi tập trung của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, di tích lịch sử cách mạng và di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận: Tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/8 di sản (quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản vật thể, Nhã nhạc cung đình Huế - Di sản phi vật thể, Mộc bản và Châu bản Triều Nguyễn, thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - Di sản tư liệu); thành phố Đà Nẵng có di sản Ma Nhai Ngũ Hành Sơn; tỉnh Quảng Nam có Phố cổ Hội An và Khu di tích Mỹ Sơn và Dân ca bài chòi miền Trung. Nơi đây cũng là vùng có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, tiêu biểu là văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, phương Tây, Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ...

Bên cạnh đó, trên địa bàn miền Trung có gần 300 di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng được công nhận cấp quốc gia: Trong đó, có 12 di tích quốc gia đặc biệt. Những tài nguyên văn hóa lịch sử, như cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, Trúc Lâm thiền viện trên đỉnh Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế); làng đá mỹ nghệ Non Nước, chùa Linh Ứng, thành Điện Hải (thành phố Đà Nẵng); kinh đô Trà Kiệu, chùa Cầu, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Nam); Khu chứng tích Sơn Mỹ, Trường Lũy (Quảng Ngãi); bảo tàng Quang Trung, thành Hoàng đế với những di tích quý giá về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn (tỉnh Bình Định); di tích lịch sử tàu “không số” Vũng Rô, Viện Hải dương học (tỉnh Khánh Hòa) và Di tích trường Dục Thanh (tỉnh Bình Thuận),... Tài nguyên văn hóa du lịch sinh thái cũng đa dạng, phong phú. Với chiều dài bờ biển trên 1.400km, miền Trung có nhiều bãi tắm đẹp, nhất là bãi biển Mỹ Khê (thành phố Đà Nẵng) được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới và cả nước. Ven bờ biển là hệ thống đảo có giá trị về tự nhiên, lịch sử và văn hóa hấp dẫn khách du lịch, tiêu biểu là các đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý,... Ngoài khơi là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nơi thiên nhiên còn hoang sơ với hệ là hệ sinh thái san hô. Miền Trung có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Bạch Mã, Núi Chúa; có 14 khu bảo tồn thiên nhiên; khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm và 9/16 khu bảo tồn biển ở Việt Nam, trong đó khu bảo tồn biển Hòn Mun (tỉnh Khánh Hòa) là khu bảo tồn biển đầu tiên được thành lập ở Việt Nam. Khu vực miền Trung cũng là nơi có một số cảnh quan tự nhiên đặc biệt có giá trị hấp dẫn du lịch, như Gềnh đá đĩa (tỉnh Phú Yên), các cồn cát ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận,...; là nơi sở hữu nhiều vịnh đẹp được thế giới công nhận, như vịnh Lăng Cô và vịnh Nha Trang,...

Khi văn hóa được nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, với ý nghĩa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế thì các nguồn lực văn hóa đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế ở các địa phương khu vực miền Trung. Việc chuyển đổi và quy hoạch ngành du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khơi thông các nguồn lực văn hóa, đánh thức những giá trị đặc thù, giàu bản sắc nơi đây. Từ đó, doanh thu du lịch, dịch vụ ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và nâng cao thu nhập cho mọi tầng lớp dân cư. Những địa danh, như Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Huế,... trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước, mà còn vươn ra tầm quốc tế.

Đánh giá quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, có thể thấy rằng, các di sản văn hóa đã trở thành tài sản văn hóa ở khu vực miền Trung; là sản phẩm cốt lõi không thể thiếu được của ngành kinh tế, du lịch, dịch vụ. Theo thống kê, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 3 năm 2023 ước đạt 542,6 nghìn lượt, gấp 3,6 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý I/2023, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,42 triệu lượt, tăng 365,5% cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn thành phố quý I/2023 ước đạt 5.206 tỷ đồng, tăng 73,5% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, thành phố Đà Nẵng đã tạo dựng cho mình sức hấp dẫn riêng khi sở hữu những khu du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp, cùng hàng loạt thương hiệu nổi tiếng(7). Đối với tỉnh Khánh Hòa, du lịch phục hồi ấn tượng với một loạt các sự kiện văn hóa, giải trí lớn được tổ chức. Theo thống kê mới nhất, trong 7 tháng đầu năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đạt 15,6 triệu lượt khách, trong đó có 4 triệu lượt khách lưu trú, gồm 2,5 triệu lượt khách nội địa và 1,5 triệu khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt 21.000 tỷ đồng. Tại tỉnh Quảng Nam, theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2023 tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch tại tỉnh Quảng Nam ước đạt 1,63 triệu lượt khách, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt trên 2,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4%, trong đó dịch vụ lưu trú 170 tỷ đồng, tăng 37%, dịch vụ ăn uống 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 18,7 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2022,... Đặc biệt, Hội An là điển hình cho việc khai thác các nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản thật sự hiệu quả,...

Hoạt động hợp tác, liên kết vùng trong phát triển du lịch đã được chú trọng, một số mô hình liên kết giữa các địa phương được hình thành và hoạt động có hiệu quả, như hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam (3 địa phương một điểm đến); hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thành phố Hà Nội; tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nam Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... Các liên kết vùng bước đầu đạt được thành quả nhất định, như trao đổi kinh nghiệm, thông tin trong quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, xây dựng một số sản phẩm du lịch chung (Con đường di sản miền Trung, hành trình kết nối các di sản).

Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc"
của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các giải pháp nhằm phát huy giá trị các nguồn lực văn hóa ở Miền Trung:

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III: Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay miền Trung vẫn chưa khai thác hết nguồn lực văn hóa, nhất là các di sản văn hóa đặc trưng. Hiệu quả từ hoạt động kinh doanh ngành du lịch khu vực miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như kỳ vọng đặt ra. Du lịch miền Trung thời gian qua chủ yếu phát triển theo chiều rộng, thông qua việc khai thác thô tài nguyên du lịch và thu hút vốn đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch khá đơn điệu và trùng lặp ở nhiều địa phương, thiếu dịch vụ đi kèm. Nhiều địa phương có tài nguyên du lịch hấp dẫn, nhưng chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng du lịch, một số tiềm năng du lịch sinh thái quý giá đã gần như bị đánh mất bởi việc triển khai nhiều dự án phát triển công nghiệp, thủy điện. Nhiều di sản văn hóa chưa được khai thác đúng với giá trị của di sản, chưa trở thành tài sản thật sự của người dân và cộng đồng,...

Vì vậy, miền Trung cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong thời gian qua, đề ra những biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại trong đó cần chú ý các nội dung sau:

Thứ nhất: Cần phải nhất quán tư tưởng, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của văn hóa mà không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào khi văn hóa gắn liền với sự tồn vong của dân tộc. Văn hóa là tinh hoa, tinh túy được kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình, tiến bộ. Do đó, cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

Thứ hai: Phải kiên trì thực hiện “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; trong đó trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người”.

Thứ ba: Cần phải hoàn thiện, bổ sung thể chế để khơi thông nguồn lực văn hóa. Các giải pháp về văn hóa phải mang tính chiến lược, thực tiễn, gắn liền với địa phương. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, chú ý đến tính đặc thù của hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. 

Thứ tư:  Không ngừng sáng tạo ra bản sắc mới trên cơ sở tài sản văn hóa đặc thù của từng địa phương.

Thứ năm: Cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển "sức mạnh mềm" của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách lớn, một nhà văn hóa lớn với những triết lý sống dung dị. Tổng Bí thư đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng những quan điểm, tư tưởng của Người nhất là về văn hóa vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Chúng ta sẽ mãi khắc ghi nhận định của Người “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”. Những quan điểm nhất quán từ tầm nhìn cao rộng và những tâm huyết của Tổng Bí thư sẽ được các thế hệ sau tiếp nối để làm tròn trọng trách “văn hóa soi đường quốc dân đi”, để thấm nhuần quan điểm “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Hiện nay, cả nước có tới 166 bảo tàng, trong đó có 4 bảo tàng quốc gia với hơn 3 triệu hiện vật; 3.486 tổng di tích được xếp hạng quốc gia, trong đó có 1.626 di tích lịch sử; 105 di tích quốc gia đặc biệt; 288 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 27 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận là "di sản văn hóa thế giới... 

Đó là một tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được; chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta. 

(Trích: Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021) 

 



[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc (ngày 24/11/2021).

[3]Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuất bản sách: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2024.

[4]. Chúng tôi sử dụng tư liệu: Nguyễn Ngọc Hòa, Phát huy giá trị các nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 1.024 (tháng 10-2023), tr. 60 - 64.

TS Nguyễn Minh Phương- Đại học Sư phạm Đà Nẵng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực