Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra "Chỉ thị về công tác tổ chức"

Thứ hai, 23/09/2019 10:57
(ĐCSVN) - Nhằm hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về xây dựng lực lượng chuẩn bị khởi nghĩa, ngày 1-12-1941, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị về công tác tổ chức.

Đây là một công tác rất quan trọng, chính sách của Đảng có thi hành được hay không là do Đảng có biết tổ chức để đem chính sách ấy ra thực hiện trong quần chúng hay không.

Chỉ thị chỉ rõ, mục đích của Đảng lúc này là "Làm cho Đảng xứng đáng là một đội tiên phong có tổ chức của giai cấp vô sản", có cơ sở vững vàng trong quần chúng, thực hiện sự thống nhất toàn Đảng, đoàn kết được mọi lực lượng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng.

Chỉ thị cũng vạch rõ những sai lầm, thiếu sót trong công tác tổ chức, đồng thời nêu ra phương châm tổ chức Đảng lúc này là "rộng rãi, thực tế và khoa học".

Về tổ chức Đảng, Chỉ thị nêu rõ những nhiệm vụ chủ yếu: củng cố và mở rộng cơ sở Đảng; thống nhất tổ chức Đảng; tổ chức các ban chuyên môn; tổ chức Đảng đoàn trong các đoàn thể Cứu quốc. Chỉ thị nhấn mạnh đến công tác xây dựng và phát triển các chi bộ đảng, vì "Chi bộ là tổ chức đơn vị của Đảng. Số chi bộ có nhiều thì cơ sở Đảng mới rộng”. Đảng cần phải tổ chức nhiều chi bộ xí nghiệp thì cơ sở Đảng mới vững chắc. Chỉ thị nêu rõ các Xứ uỷ phải ấn định kế hoạch mở rộng cơ sở Đảng ở các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền với khẩu hiệu: “đi vào xí nghiệp, chiếm lấy xí nghiệp". Cần tổ chức Uỷ ban Công vận của xứ; huấn luyện, đào tạo cán bộ công vận. Các chi bộ phải sinh hoạt đều đặn, giữ vững kỷ luật.

Về tổ chức quần chúng, cần phải có nhiều hình thức thích hợp với từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân, từng lứa tuổi. Nhưng trong một giai cấp, một giới lại có nhiều tầng lớp trình độ giác ngộ và xu hướng có khác nhau nên có thể có nhiều tổ chức khác nhau, những tổ chức của quần chúng cần phải rộng rãi và nhẹ nhàng. Ngoài các đoàn thể cứu quốc, Đảng cần tổ chức nhiều đoàn thể đơn sơ không điều lệ, công khai hoặc nửa công khai để thu hút đông đảo quần chúng. Đảng phải cử người vào các tổ chức quần chúng của địch để cảm hoá số quần chúng ấy, vận động họ đấu tranh.

Nhiệm vụ trước mắt của Đảng là sửa soạn khởi nghĩa vũ trang, nên Đảng đặc biệt chú ý nghiên cứu những hình thức tổ chức của khởi nghĩa vũ trang, những "hình thức quá độ” tiến tới thành lập tổ chức chính quyền của nhân dân. Chỉ thị về công tác tổ chức là một văn kiện quan trọng, nó đã kịp thời vạch ra cho các cấp bộ Đảng phương hướng đúng đắn và biện pháp cụ thể về công tác tổ chức, tăng cường sức mạnh của Đảng trong cuộc khởi nghĩa vũ trang giành độc lập.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.764-765, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực