Ban tuyên truyền huấn luyện Trung ương xuất bản Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương

Thứ hai, 23/09/2019 17:28
(ĐCSVN) - Ngày 10-1-1942, Ban tuyên truyền huấn luyện Trung ương đã xuất bản thành sách tài liệu: Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương do đồng chí Trường Chinh soạn để lưu hành rộng rãi.

Tác phẩm đề cập đến các vấn đề quan trọng trong thời gian này: chiến tranh Thái Bình Dương và Mặt trận Dân chủ quốc tế chống phát xít xâm lược; chiến tranh Thái Bình Dương và bộ mặt thật của đế quốc Nhật; thái độ của nhân dân Đông Dương đối với cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và vấn đề "Hoa quân nhập Việt", cần nhận định đúng tình hình trước mắt; ra sức khắc phục bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản; nhiệm vụ cần kíp của Đảng ta và phần kết luận.

Tác giả cuốn sách vạch trần âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm Đông Dương của phát xít Nhật; tố cáo tội ác bóc lột nhân dân của Nhật - Pháp: cướp chồng, con, cướp tiền, thóc, nhà, đất, cướp thuyền, xe...

Đồng chí Trường Chinh dự đoán, khi Trung Quốc, Anh, Mỹ có thể đưa quân vào Đông Dương đánh Nhật, Pháp thì Đông Dương sẽ thành một bãi chiến trường, lúc ấy chắc chắn đồng bào ta khổ cực sẽ nhận rõ bộ mặt ghê tởm của phát xít Nhật, Pháp và sẽ vùng dậy "giết giặc, giành quyền độc lập, tự do".

Đối với các lực lượng Đồng minh, cuốn sách xác định thái độ của ta đối với các nước Đồng minh không hoàn toàn giống nhau. Với Liên Xô, ta liên hiệp mật thiết, ủng hộ Liên Xô thắng lợi tức là tự ủng hộ mình. Với lực lượng cách mạng do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, ta cũng liên hiệp không điều kiện; đối với chính quyền Quốc dân Đảng, ta liên hiệp có điều kiện. Với Anh, Mỹ, ta có thể nhân nhượng thoả hiệp "nếu họ thừa nhận quyền dân tộc độc lập của ta". Tuy vậy, tác giả cuốn sách vẫn đặc biệt nhấn mạnh: "Công việc giải phóng dân tộc của ta phải tự ta làm lấy; sức ủng hộ bên ngoài nếu có chỉ là thêm vào mà thôi".

Sau khi nhắc lại những luận điểm quan trọng của Lênin về điều kiện cách mạng, tình thế cách mạng; phê bình tư tưởng khởi nghĩa nóng vội, tác giả cuốn sách nêu rõ hiện thời Đông Dương chưa đứng trước một tình thế trực tiếp cách mạng. Song, ta không khoanh tay ngồi chờ điều kiện thuận lợi mà “Ta phải sửa soạn những điều kiện thắng lợi để hoạt động ráo riết, tạo ra một cao trào cứu quốc, tìm những hình thức tổ chức và đấu tranh thích hợp để tiến tới khởi nghĩa vũ trang. Cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo khởi nghĩa" của Đảng.

Tác giả cuốn sách chỉ rõ, trách nhiệm cần kíp của Đảng lúc này là đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động; đấu tranh chống những xu hướng thủ tiêu, ỷ lại, không có sáng kiến, không biết tự động; phải chấn chỉnh các tổ chức tự vệ, phát triển các tiểu tổ du kích, tiến lên thành lập những bộ đội du kích chính thức, thực hiện chiến tranh du kích ở đồng bằng. Tác giả cuốn sách cũng nêu ra ba thiếu sót của phong trào cách mạng Đông Dương cần khắc phục nhanh chóng.

Phần kết luận, tác giả cuốn sách nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới, trách nhiệm chung của người cộng sản Đông Dương, của nhân dân Đông Dương là "góp sức vào phong trào dân chủ quốc tế, tiễu trừ chủ nghĩa phát xít, kẻ thủ phạm gây ra chiến tranh, để cứu vớt văn minh, tiến bộ của loài người".

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.783-785, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực