Báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu

Thứ hai, 23/09/2019 17:28
(ĐCSVN) - Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp, Nhật, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, nhằm tập hợp mọi lực lượng, đoàn kết thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tổng bộ Việt Minh xuất bản báo Cứu quốc để tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Việt Minh, kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ các tầng lớp trung gian, vạch mặt Việt gian và các tổ chức phản động tay sai của thực dân Pháp, phát xít Nhật; đưa tin về tình hình thế giới chống phát xít, các địa phương trong nước đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Việt Minh.

Ngày 25-1-1942, báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, ra số đầu tiên (số 1). Báo kêu gọi các giới sĩ công, nông, thương, binh, các đoàn thể cứu nước đồng lòng đánh đuổi Pháp - Nhật "Cứu quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của muôn dân; Cứu quốc sẽ nêu cao ý muốn thiết tha của trăm họ; Cứu quốc sẽ là người chỉ lối trung thành cùng đồng bào cùng tiến lên trên đường giải phóng dân tộc; Cứu quốc hô hào đồng bào hãy tận tâm ủng hộ Cứu quốc về mọi phương diện, hãy cương quyết tiến lên dưới bóng cờ sắc đỏ sao vàng...".

Ban biên tập báo dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Trường Chinh. Báo được in ở nhiều địa điểm bí mật trong vùng Sơn Tây, Bắc Ninh phát hành chủ yếu ở các tỉnh trung du Bắc Bộ đến Bắc Trung Bộ. Báo ra không đều kỳ, lúc đầu, số này cách số kia vài tháng; từ số 19, ra ngày 10-4-1945, Cứu quốc ra các số cách nhau 10 ngày. Đến ngày 15-8-1945, báo xuất bản được 30 số in litô và 4 số phụ trương của các số 12, 15, 19, 27. Số Xuân 1945 in trên 1.000 bản. Từ số 31 ra ngày 24-8-1945, bắt đầu in typô tại Hà Nội.

Cùng các báo của Kỳ bộ Việt Minh ở các địa phương, báo Cứu quốc trở thành một trong những vũ khí quan trọng của Việt Minh cổ động, tổ chức quần chúng đấu tranh chống kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc.

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.785-787, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực