Tranh “Phong trào Xô viết Nghệ tĩnh” trưng bày tại
Bảo tàng Lịch sử quốc gia. (Nguồn ảnh: baotanglichsu.vn)
Tuy hoạt động ở nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc luôn luôn theo sát tình hình phong trào cách mạng trong nước. Quê hương Nghệ - Tĩnh, nơi chôn rau cắt rốn của Người, nơi có phong trào cách mạng mạnh mẽ, quyết liệt nhất luôn được Người dành cho những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt.
Ngày 19-2-1931, Người liên tiếp viết hai bài báo ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ - Tĩnh và tố cáo tội ác tàn bạo của đế quốc Pháp đối với đồng bào Nghệ - Tĩnh.
Trong bài Nghệ - Tĩnh đỏ, trước hết Người nói về điều kiện tự nhiên và xã hội của Nghệ - Tĩnh và đời sống khổ cực của nhân dân dưới ách áp bức bóc lột của đế quốc Pháp. Tự hào với truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương từ khi thực dân Pháp xâm lược những năm đầu thế kỷ XX, Người nêu bật tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân Nghệ - Tĩnh trong cao trào 1930-1931. Từ tháng 5 đến tháng 12 năm 1930, công nhân thành phố Vinh đã tám lần bãi công, biểu tình với 2.500 người tham gia. Cùng thời gian đó, có 137 cuộc biểu tình với 300.000 nông dân tham gia. Ở hai tỉnh, hơn 60.000 nông dân đã tham gia các tổ chức quần chúng. Đặc biệt, ngày 11-2-1930, hơn 4.000 công nhân thành phố Vinh và nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc mít tinh kỷ niệm Công xã Quảng Châu.
Tuy bị đế quốc Pháp đàn áp dã man nhưng tinh thần đấu tranh anh dũng của đồng bào khiến Người phải thốt lên: "Nghệ - Tĩnh thật xứng đáng với danh hiệu "đỏ"" và khẳng định: "Bom đạn, súng máy, đốt nhà, đồn binh... tuyên truyền của chính phủ, báo chí...đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ - Tĩnh". Đồng thời, với lối bình luận sắc sảo, Người đã giáng một đòn mạnh vào chiêu bài “quy thuận” lừa bịp của đế quốc Pháp và tay sai.
Trong bài Khủng bố trắng ở Đông Dương, Người tố cáo những tội ác tàn bạo của đế quốc Pháp ở nhiều địa phương Trung Kỳ và Bắc Kỳ: đốt phá làng mạc, giết hại nhân dân, bắt bớ tù đầy hàng ngàn người. Người đặc biệt ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước Việt Nam trước toà án kẻ thù qua đó khẳng định không gì có thể làm lung lay ý chí chiến đấu giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân ta.
Thông qua Nguyễn Ái Quốc và những bài báo của Người, Quốc tế Cộng sản có thể theo dõi chặt chẽ tình hình phong trào cách mạng Đông Dương để có sự chỉ đạo kịp thời. Nguyễn Ái Quốc là một cầu nối cách mạng Việt Nam với cách mạng quốc tế và Quốc tế Cộng sản. Ca ngợi tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ - Tĩnh, Người đồng thời phân tích rõ: trong tình hình lúc đó việc nổi dậy đấu tranh như vậy là quá sớm, là chưa đúng lúc, nhưng khi đã nổi dậy rồi thì cố gắng phát huy tác dụng cao nhất của phong trào đấu tranh.
-------------------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.150-151, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.