Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá I

Thứ sáu, 04/10/2019 09:12
(ĐCSVN) - Sáng 2-3-1946, Quốc hội khoá I đã họp kỳ thứ nhất tại Nhà hát lớn Thành phố Hà Nội với gần 300 đại biểu tham dự.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội
(Ảnh: hochiminh.vn)

Trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ ý nghĩa thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là đã tỏ cho thế giới, cho toàn dân biết chúng ta đoàn kết nhất trí. Người đề nghị với Quốc hội mở rộng số đại biểu thêm 70 người nữa cho đại biểu của Việt Quốc, Việt Cách. Tất cả các đại biểu Quốc hội tán thành ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thay mặt Chính phủ Liên hiệp lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo với Quốc hội công việc đã làm trong 6 tháng và nêu rõ “Việc hệ trọng nhất bây giờ là kháng chiến" và tin tưởng rằng "Từ giờ về sau, Quốc hội và Chính phủ còn có những gánh nặng nề, phải bước qua nhiều sự khó khăn, nhưng tôi chắc rằng quốc dân sẽ nhất trí, dựa vào sức đoàn kết mà làm việc, và như thế thì dù có khó khăn đến đâu, kháng chiến sẽ thắng lợi và kiến quốc sẽ thành công. Bây giờ Chính phủ lâm thời giao lại quyền cho Quốc hội để tổ chức một Chính phủ mới: một chính phủ kháng chiến và kiến quốc".

Quốc hội hoàn toàn nhất trí với bản báo cáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuyên bố "Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc". Quốc hội đã trao cho Người quyền thành lập Chính phủ mới.

Quốc hội thông qua tuyên ngôn, các điện văn gửi nhân dân toàn quốc, gửi các chiến sĩ ngoài mặt trận, gửi anh em các dân tộc thiểu số... Tuyên ngôn của Quốc hội nêu rõ: “Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam".

Đồng thời với việc thông qua Tuyên ngôn, Quốc hội thảo luận về việc lập Ban Thường trực để thay mặt Quốc hội. Ban Thường trực Quốc hội được bầu ra với 15 Uỷ viên chính thức, 3 Uỷ viên dự khuyết, do cụ Nguyễn Văn Tố là Trưởng ban. Cuối cùng, Quốc hội đã bầu ra Ban dự thảo Hiến pháp gồm 11 người.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.62-63, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực