Nông dân các địa phương đấu tranh chống chính sách vơ vét, cướp bóc của phát xít Nhật và chính quyền thuộc địa

Thứ tư, 25/09/2019 14:20
(ĐCSVN) - Trước chính sách áp bức, bóc lột ngày càng gia tăng của phát xít Nhật, dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh, nông dân nhiều địa phương đã đứng lên đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống địch cưỡng ép nhổ lúa trồng đay, đòi giảm tô, giảm tức...

Đầu năm 1943, dưới sự hướng dẫn của các chi bộ Đảng, nông dân Ninh Bình đấu tranh chống lại việc quân đội Nhật bắt phu đi đào sông Yên Mô phục vụ cho mục đích quân sự của chúng. Những người bị bắt đi đào sông đã làm ẩu, làm dối, phá huỷ dụng cụ hoặc bỏ về hàng loạt làm cho thời gian đào sông của Nhật bị kéo dài.

Tháng 2-1943, được Chi bộ Đảng Nhà tù Sơn La chỉ đạo, nhân dân xã Chiềng Xim (Mường La, Sơn La) đấu tranh đòi giảm thuế, giảm ruộng chức, bớt đóng góp kho thóc; tố cáo sự hà lạm tham nhũng của phìa tạo và chức dịch trong xã.

Tháng 4-1943, nhân dân Cổ Bi (Gia Lâm, Bắc Ninh)1 dùng gậy gộc, dao mác chống lại lính Nhật khi chúng về làng ép dân nhổ ngô trồng đay. Hoảng sợ trước sức đấu tranh kiên quyết của dân làng, lính Nhật buộc phải rút lui. Cũng trong thời gian này, nhân dân Võ Giàng (Bắc Ninh) gồm trẻ, già, trai gái, cả chức dịch trong làng đoàn kết đấu tranh chống lại lính Nhật khi chúng đến làng bắt dân phá ngô để chuẩn bị trồng đay. Hoảng sợ trước khí thế của dân làng, lính Nhật buộc phải rút lui.

Tháng 5-1943, hơn 1000 dân phu làm sân bay Gia Lâm đình công phản đối lính Nhật vô cớ đánh chết một phụ nữ làm phu.

Tháng 7-1943, nhân dân làng Thái Hoà (Chương Mỹ, Hà Đông)2 đoàn kết chống lại bọn quan lại và binh lính khi chúng đến làng thu thóc, buộc chúng phải rút lui.

Tháng 10-1943, được sự chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, nông dân Liễu Khê (Thuận Thành, Bắc Ninh) đã cương quyết đấu tranh không nộp thóc theo lệnh của tri phủ Thuận Thành. Dân chúng cử người mang đơn có chữ ký, điểm chỉ của hàng trăm người lên phủ xin miễn. Tên tri phủ không chấp nhận, cho lính về giúp lý trưởng thu thóc. Nông dân chống lại, bọn lính phải rút đi.

Tháng 11-1943, ở phủ Hoằng Hoá (Thanh Hoá), thực dân Pháp tập trung 1.500 người tại phủ lỵ để chọn lựa ra 500 phu khoẻ mạnh giao cho Nhật. Khoảng 3000 người ở địa phương liền biểu tình, vây phủ đường, kiên quyết đòi trả lại chồng con mình. Khi lính đẩy người bị bắt lên xe, nhân dân xô tới bám lấy xe, nằm ra đường cản xe, giằng lại người bị bắt. Kết quả, đã giải thoát được một số người.

Tháng 12-1943, nhân dân làng Thổ Phụ (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) dùng cào, cuốc ra ngăn cản lính Nhật về làng cắm đất, buộc chúng phải rút lui.

Vào cuối năm 1943, được Đảng bộ huy động, nông dân các làng Ngọc Trục, Vạn Phúc, La Khê, La Cả, Đại Mỗ (vùng Nam Hoài Đức, Hà Đông)3 đã gửi hơn 7.000 đơn cá nhân, tập thể cho quân Nhật, phản đối kế hoạch xây dựng sân bay của chúng trong vùng. Trước sức đấu tranh của nhân dân, bọn Nhật phải bỏ kế hoạch xây dựng sân bay.

Cũng vào cuối năm 1943, được cán bộ cách mạng vận động, hàng loạt dân phu Nghệ An làm đường số 14 bỏ trốn.

Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng ở Việt Bắc, các cuộc đấu tranh của nông dân ngày càng quyết liệt có nhiều người tham gia, với nhiều hình thức phong phú, ảnh hưởng tích cực đến các tầng lớp khác.

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.840-843, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực