Phong trào hậu phương chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ

Thứ tư, 23/10/2019 15:49
(ĐCSVN) - Bước vào Đông Xuân 1953-1954, với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, hậu phương cả nước sôi nổi trong phong trào chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt là cuộc ra quân hùng hậu của hậu phương miền Bắc chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ vào đầu năm 1954.
Đoàn xe thồ vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Phủ
(Ảnh: hochiminh.vn)

Sức người, sức của từ mọi nẻo của hậu phương đổ vào chiến trường. Hàng chục vạn chiến sĩ nông dân, chân trèo, vai vác, vượt qua bom đạn, bệnh tật hiểm nghèo, vận chuyển lương thực, súng đạn, thuốc men cho mặt trận với hơn 18 triệu ngày công, 25 nghìn tấn gạo được huy động từ những xóm thôn của đồng bào Bắc Bộ ngược lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Hàng vạn thanh niên xung phong, hầu hết là thanh niên nông dân phối hợp cùng công binh anh dũng mở hàng nghìn cây số đường vận tải, 11.800 thuyền bè, trên 20 nghìn xe đạp thồ, 500 ngựa thồ và hàng nghìn xe trâu bò đã được huy động phục vụ chiến dịch.

Tại Tây Bắc, nhận được chỉ thị của Trung ương Đảng, các tỉnh động viên toàn thể cán bộ và nhân dân huy động mọi khả năng về nhân lực, vật lực của địa phương cung cấp cho tiền tuyến.

Mặc dù là vùng địch tạm chiếm nhưng phong trào ủng hộ kháng chiến của nhân dân Tây Bắc rất sôi nổi. Riêng Lai Châu đã đảm bảo giao thông thường xuyên thông suốt trên đường số 13, số 41. Đồng thời, nhân dân Lai Châu đã huy động được 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 120 tấn rau xanh, 16.973 dân công, 348 ngựa thồ, 58 thuyền mảng, 24.070 cây gỗ các loại để chống lầy và làm đường cho xe. Châu Điện Biên - nơi tuyến lửa ác liệt, cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng cũng góp được 555 tấn gạo, 36 tấn thịt, 105 tấn rau xanh và 18.000 ngày công. Ở châu Mường Tè, nơi phỉ hoạt động ráo riết, nhân dân cũng đóng góp cho mặt trận 76 tấn gạo, 2.700 ngày công, 43 con ngựa thồ và 14 thuyền mảng.

Được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên đường số 13, từ ngày 20-11-1953, quân và dân các dân tộc Yên Bái đã vượt qua khó khăn gian khổ, khai thác được hơn 3 vạn mét khối đá, rải được trên 16 vạn mét vuông đường, đào hơn 6 vạn mét rãnh thoát nước, huy động được 27.657 dân công đi phục vụ, vận chuyển 22.270 tấn hàng hoá.

Nhân dân các dân tộc Tây Bắc không chỉ chăm lo cho bộ đội từ cái kim sợi chỉ, viên thuốc chữa bệnh, mà đồng thời còn động viên tinh thần các chiến sĩ ở mặt trận. Riêng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã gửi hơn 2 vạn lá thư cùng nhiều tặng phẩm, 1.000 bộ quần áo, 175 áo rét, 31 chăn các loại, 61 cái màn, 1.516 viên thuốc ký ninh, 800 viên thuốc cảm.

Kết quả, toàn khu Tây Bắc đã cung cấp cho chiến dịch 7.310 tấn gạo, 389 tấn thịt.

Tại Liên khu Việt Bắc, nhân dân ở các vùng tự do vừa ra sức bảo vệ hậu phương, vừa ra sức cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp 3051 tấn thóc, 31.041.141 đồng, 2.215 bộ quần áo trị giá 1.075.000 đồng, mua công phiếu kháng chiến 1.299.000 đồng, ủng hộ bộ đội địa phương và thương binh 21.027.733 đồng và 604 tấn thóc. Tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra mặt trận 829 tấn gạo, 43 tấn thóc, 7 tấn rau và 305.612 ngày công phục vụ chiến dịch.

Tại Liên khu IV, các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh có những nỗ lực vượt bậc trong việc cung cấp cho Điện Biên Phủ. Nhân dân Liên khu không kể ngày đêm, không kể bom đạn ác liệt, đã nỗ lực tham gia vận tải, cứu thương trong suốt thời gian dài của chiến dịch. Riêng tỉnh Thanh Hoá đã huy động được 3.530 xe đạp thồ, 1.126 thuyền các loại, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 xe ngựa, vận chuyển 10 nghìn tấn gạo và hàng chục tấn súng đạn. Nhân dân Thanh Hoá xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hoá "Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hoá cũng có một phần vinh dự đến đó".

Nhân dân Liên khu IV đóng góp cho chiến dịch Điện Biên Phủ 4.361 tấn gạo, 355 tấn thực phẩm, 2.000 con lợn, 325 con trâu bò và hàng nghìn ngày công.

Mặc dù phải đương đầu với nạn đói, nhưng Liên khu uỷ V lãnh đạo nhân dân vừa khắc phục khó khăn do nạn đói gây ra, vừa đảm bảo cung cấp cho chiến dịch gần 3.000 tấn gạo.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ có phần đóng góp vô cùng to lớn của đồng bào của cả nước.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.928-931, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực