Hồ Chủ tịch trong phiên họp Quốc hội thông qua Luật cải cách ruộng đất (1953)
(Ảnh tư liệu TTXVN)
Kỳ họp thứ ba của Quốc hội có 166 đại biểu về dự, trong đó Bắc Bộ có 94 đại biểu, Trung Bộ có 62 đại biểu, Nam Bộ có 10 đại biểu.
Trong diễn văn khai mạc, Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng nêu rõ Quốc hội họp trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, "thế ta mạnh hơn thế giặc", ta đang tiến tới một giai đoạn đề ra dự án Luật cải cách ruộng đất. Đó là một quyết sách để đảm bảo cho kháng chiến thắng lợi, là một nhiệm vụ căn bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ. Với tầm quan trọng đó, quyết sách này phải được Quốc hội, cơ quan quyền lực tối cao, thay mặt toàn dân thông qua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ trình bày trước Quốc hội bản Báo cáo "Tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất".
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đọc báo cáo của Chính phủ về thành tích kháng chiến và thảo luận về Luật cải cách ruộng đất.
Đỗ Đức Dục, Trưởng tiểu ban xét dự án Luật cải cách ruộng đất đọc báo cáo và đề nghị Quốc hội thông qua toàn bộ Luật cải cách ruộng đất vì nó phù hợp với lợi ích kháng chiến và nguyện vọng của nhân dân.
Ngày 4-12-1953, toàn thể Quốc hội biểu quyết nhất trí tán thành Luật cải cách ruộng đất.
Trong kỳ họp này, Quốc hội cũng lần lượt thông qua Nghị quyết tín nhiệm của Chính phủ, Nghị quyết biểu dương các đại biểu Quốc hội đã từ trần vì nước, Nghị quyết truất quyền đại biểu Quốc hội của những đại biểu rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến.
Ngày 4-12-1953, kỳ họp thứ ba Quốc hội bế mạc. Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đáp ứng ý chí, nguyện vọng của quần chúng nông dân. Quốc hội đã quyết định một quốc sách quan hệ đến thắng lợi của kháng chiến, đến hạnh phúc của toàn dân và thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến.
----------
Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.861-862, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.