Trung ương Đảng công bố Đề cương văn hoá Việt Nam

Thứ tư, 25/09/2019 14:20
(ĐCSVN) - Trong công cuộc vận động giải phóng dân tộc, bên cạnh việc lãnh đạo nhân dân chuẩn bị lực lượng mọi mặt, tổ chức các cuộc đấu tranh trực diện với địch, Đảng rất chú trọng các công tác trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng.

Bản “Đề cương Văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo
năm 1943. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Để chống lại chính sách văn hoá phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc, các trường phái bí hiểm, trụy lạc, các tư tưởng đầu hàng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi... vào năm 1943, Đảng ta đưa ra bản Đề cương văn hoá Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2-1943.

Bản Đề cương vạch rõ: văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá), ở đó, người cộng sản phải hoạt động, do đó, phải làm cách mạng văn hoá và có lãnh đạo được phong trào văn hoá, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền mới có hiệu quả.

Sau khi nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách cai trị của Pháp - Nhật, Đề cương đã phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị với cách mạng văn hoá, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cách mạng văn hoá nhằm mục đích xây dựng một nền văn hoá xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đề cương văn hoá vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của các nhà văn hoá yêu nước Việt Nam là phải chống lại văn hoá phát xít, phong kiến lạc hậu, nô dịch, văn hoá ngu dân, phỉnh dân; xây dựng nền văn hoá dân chủ mới với ba tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng.

Đề cương văn hoá Việt Nam ra đời không những trang bị cho toàn Đảng và trước hết cho những người hoạt động văn hoá một cương lĩnh cách mạng văn hoá dân chủ mới để chiến thắng bọn phát xít Nhật - Pháp trên mặt trận văn hoá và tư tưởng, mà còn vạch ra một phương châm đúng đắn xây dựng nền văn hoá cách mạng ở nước ta. Những luận điểm đầy tính thuyết phục trong Đề cương có sức mạnh thức tỉnh và tập hợp rộng lớn giới trí thức Việt Nam vào sự nghiệp cứu quốc dưới ngọn cờ của Đảng.

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.837-839, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực