Trung ương Đảng thành lập "Ban chấn chỉnh Đảng” ở Cao Bằng

Thứ hai, 23/09/2019 16:04
(ĐCSVN) - Trong những năm 1939-1940, thực dân Pháp đã tiến hành nhiều đợt khủng bố ác liệt ở Cao Bằng, làm cho các Đảng bộ ở đây bị tổn thất nặng nề. Hầu hết các đồng chí chủ chốt trong Ban Tỉnh uỷ và hai Ban Châu uỷ Hoà An, Hà Quảng bị bắt.
Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, nơi Nguyễn Ái Quốc chọn làm địa điểm hoạtđộng
khi về nước năm 1941 (Ảnh: hochiminh.vn)

Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, một số đảng viên lo sợ, nằm im không dám hoạt động. Thực hiện chủ trương của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về xây dựng Đảng, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, cuối năm 1941, đồng chí Vũ Anh thay mặt Trung ương Đảng thành lập “Ban chấn chỉnh Đảng"1 nhằm gây dựng lại, phát triển cơ sở Đảng ở Cao Bằng, thúc đẩy phong trào cách mạng.

“Ban chấn chỉnh Đảng" gồm các đồng chí Bằng Giang, Lê Đoàn và Lê Quảng Ba. Ban phân công từng đồng chí thực hiện nhiệm vụ ở các châu Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình.

Các đồng chí đến tận các cơ sở để điều tra số lượng và chất lượng đảng viên sau thời kỳ khủng bố. Những đảng viên vẫn tích cực hoạt động, giữ được phẩm chất người đảng viên thì tiếp tục sinh hoạt Đảng. Còn những người dao động, nằm im không hoạt động thì được xem là không đủ tiêu chuẩn người đảng viên, không được tham gia sinh hoạt Đảng và phải tiếp tục trải qua thử thách.

Sau một thời gian tiến hành thẩm tra một cách nghiêm túc, thận trọng, Ban chấn chỉnh Đảng chọn được khoảng 50 đảng viên trung kiên, đã tích cực hoạt động củng cố tổ chức cơ sở Đảng sau khủng bố. Các ban Châu uỷ mới ở Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình được thành lập. Trung ương Đảng chỉ định Ban Tỉnh uỷ lâm thời Cao Bằng do đồng chí Lê Tòng làm Bí thư, nhằm thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng trong tỉnh.

Được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, các cấp bộ Đảng ở Cao Bằng đã được củng cố, kiện toàn, chất lượng đảng viên được nâng lên, đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.

--------------

Chú thích:

1. Còn gọi là “Ban củng cố Đảng”

---------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.775-776, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực