Tranh về các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam và Liên Xô (cũ) tới điểm
chốt bảo vệ Matxcơva năm 1941. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cung cấp)
Triển lãm giới thiệu 100 tác phẩm tranh sơn dầu và màu nước do hoạ sĩ Trần Quân Ngọc vẽ trong những năm học tập và công tác ở Liên Xô (1954 - 1972). Các tác phẩm ghi lại cuộc sống, con người và phong cảnh ở nhiều miền đất khác nhau thuộc Liên bang Xô viết. Tranh của hoạ sĩ Trần Quân Ngọc mang đậm phong cách cổ điển Nga từ bút pháp, cách xử lý bố cục, góc nhìn, ánh sáng đến màu sắc.
Qua triển lãm nhằm tuyên truyền về ý nghĩa thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đối với phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam. Một trăm năm đã đi qua nhưng Cách mạng tháng Mười Nga với những giá trị xuyên thời đại vẫn tiếp tục tỏa sáng. Đối với Đảng và Nhân dân Việt Nam đây là một trong những cội nguồn của động lực, sức mạnh và nguồn cảm hứng trên con đường đi lên phía trước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Họa sĩ Trần Quân Ngọc, hội viên Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh, sinh năm 1938 tại Hà Nội, hiện đang sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Năm 1967 Họa sĩ Trần Quân Ngọc tốt nghiệp khoa Hóa trường Đại học Hóa tinh vi Lômônôxốp Mátxcơva và khoa Hội họa Trường Đại học Sư phạm Lênin Mátxcơva. Ông nguyên là thư ký chuyên trách về dầu khí và công nghiệp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười.
Các tác phẩm được sử dụng trong triển lãm gắn với cuộc đời hoạt động nghệ thuật và thể hiện tình yêu vô bờ đối với đất nước, con người Liên Xô từ khi học tập đến các chuyến công tác sau này của họa sĩ Trần Quân Ngọc.
Họa sĩ Trần Quân Ngọc đã tổ chức triển lãm cá nhân 8 lần (2 lần tại Liên Xô vào năm 1965, 1967) và tham gia nhiều cuộc triển lãm cùng các họa sĩ khác. Tranh của họa sĩ có trong bộ sưu tập của nhiều nhà yêu thích hội họa trong nước cũng như tại các nước Nga, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch,...
Ngoài ra, họa sĩ Trần Quân Ngọc còn là tác giả của gần 20 cuốn sách như: Vòng quanh nước Mỹ (1994), Thăm bạn láng giềng (2001), Leo núi Phú Sĩ (2003), Những người bạn quốc tế của Bác Hồ (1990), Theo bước chân người (2009).../.