​ Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long

Thứ năm, 28/09/2017 20:13
(ĐCSVN) – Ngày 28/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình Vui Tết Trung thu 2017.
Cắt băng khai mạc chương trình

Chương trình không chỉ mang tới cho các em thiếu nhi một mùa Trung thu ý nghĩa, với những hoạt động bổ ích lý thú, mà còn kỳ vọng tất cả những ai đã từng là thiếu nhi đều có thể có những trải nghiệm, hồi ức về những mùa trung thu đã qua của riêng mình.

Đến với chương trình Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long, các em sẽ được tham gia các hoạt động như: tham quan không gian trưng bày những hình ảnh và tư liệu quý về Trung thu; tham quan  các gian hàng  Trung thu truyền thống; xem các nghệ nhân trình diễn làm bánh Trung thu và làm đồ chơi truyền thống; được trực tiếp trải nghiệm làm một số đồ chơi như: đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, dán diều, dán quạt, tô vẽ chuồn chuồn tre; làm bánh trung thu, nặn tò he, làm gốm…; được tham gia nhiều trò chơi dân gian như: đi cầu tre gánh lúa, bịt mắt đánh trống, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi pháo đất…; được thưởng thức những màn biểu diễn múa sư tử vui nhộn, những vở múa rối cạn với những chú rối ngộ nghĩnh, đáng yêu; gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học và các nghệ nhân.

Năm nay, chương trình sẽ có sự tham gia của  các gia đình nghệ nhân như: Gia đình bà Đinh Thị Tú Anh - Nghệ nhân bánh trung thu (Hiệu bánh Phương Soát phố Hàng Đường); gia đình bà Lê Thị Hòa làm cốm (Cầu Giấy - Hà Nội); gia đình ông Hoàng Bá Nhất - Nghệ nhân bồi và vẽ mặt nạ, làm đồ chơi bằng đất nung (Thuận Thành - Bắc Ninh); gia đình ông Vũ Văn Sinh - Nghệ nhân đèn kéo quân, đèn ông sao (Thanh Oai - Hà Nội); gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến - nghệ nhân làm ông tiến sỹ giấy (Vân Canh - Hà Nội); gia đình ông Đỗ Văn Kỳ - Nghệ nhân làm đèn con thỏ, đèn ông sư (Thường Tín - Hà Nội); gia đình ông Lương Mạnh Hải - Nghệ nhân gốm (Bát Tràng - Hà Nội); bà Lê Thị Hà - Nghệ nhân tò he (Phú Xuyên - Hà Nội), gia đình ông Nguyễn Văn Tái - Nghệ nhân làm chuồn chuồn tre (Thạch Thất - Hà Nội), ông Nguyễn Văn Quyền - Nghệ nhân làm diều (Thanh Oai - Hà Nội)…

Bên cạnh đó, khách tham quan còn được thưởng lãm không gian trưng bày những hình ảnh và tư liệu quý về Trung thu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX (tranh khắc Henri Oger và phục dựng lại một số đồ chơi qua tư liệu ảnh của Albert Kahn chụp năm 1915 trưng bày tại Bảo tàng Albert Kahn (Cộng hòa Pháp), với các gian hàng đồ chơi Trung thu mang đậm tính truyền thống.

Đặc biệt, chương trình Đêm rằm phá cỗ sẽ được tổ chức vào 20h00 ngày 4/10/2017. Tại đây, các em nhỏ sẽ được hòa mình vào không khí đón Trung thu mang đậm màu sắc văn hóa truyền thống với màn biểu diễn trống hội, múa lân cùng chương trình văn nghệ đặc sắc.

Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: thông qua các hoạt động, các trò chơi tương tác, những trải nghiệm với các món đồ chơi đầy tính sáng tạo của cha ông và không khí của ngày hội Trung thu truyền thống, các em nhỏ và du khách sẽ có thêm hiểu biết, từ đó thêm yêu quí và trân trọng vốn di sản văn hóa của dân tộc.

Chương trình Vui Tết trung thu tại Hoàng thành Thăng Long kéo dài đến hết ngày 4/10/2017 tại Khu Di sản Thế giới Hoàng Thành Thăng Long (Số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội).

Dưới đây là một số hình ảnh trong chương trình Vui Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long:

 

Những ông tiến sĩ giấy gợi là hồi ức Trung thu xưa
Các loại đèn có trong Tết Trung thu
Học sinh trải nghiệm cách làm gốm
Các em nhỏ tô vẽ mặt nạ
Trải nghiệm làm đèn ông sao cùng nghệ nhân
Nhiều bạn nhỏ thích thú với tò he

Màn rối nước thu hút nhiều bạn nhỏ



Tin, ảnh: V.Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực