Đảng bộ và quân dân Đồng Nai với chiến thắng Trảng Bom

Thứ bảy, 27/04/2024 10:00
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sau ngày quê hương được giải phóng, giữa bề bộn khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, cùng nhân dân cả nước từng bước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Lực lượng của Quân đoàn 4 tiến vào Trảng Bom, Biên Hòa, tháng 4-1975. (Ảnh tư liệu)

Chiến thắng Trảng Bom - Minh chứng thực tiễn cho tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và phát huy sức mạnh binh đoàn chủ lực

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, cục diện chiến tranh có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng ngày càng có lợi cho cách mạng. Trên cơ sở nhận diện đúng thời cơ, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hạ quyết tâm chiến lược: Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền các cấp, thực hiện trọn vẹn mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bộ Chính trị thông qua kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, nhưng nêu rõ nếu thời cơ đến sớm thì thực hiện giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra, sau một quá trình chuẩn bị, quân dân ta bắt đầu mở những đòn tiến công chiến lược bất ngờ, dũng mãnh: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Trị Thiên - Huế, Chiến dịch Đà Nẵng... làm rung chuyển chế độ Sài Gòn. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã giải phóng hơn nửa đất đai và nửa số dân toàn miền Nam, thu giữ một khối lượng lớn vật chất, trang bị, phương tiện chiến tranh. Phát huy thắng lợi giành được, Bộ Chính trị đề ra quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4/1975. Đại quân ta gấp rút cơ động hướng về Sài Gòn, từng bước hình thành thế bao vây từ 5 hướng: hướng tây bắc - Quân đoàn 3; hướng bắc - Quân đoàn 1; hướng đông nam - Quân đoàn 2; hướng đông - Quân đoàn 4; hướng tây và tây nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8). Tất cả đều sẵn sàng cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Về phía địch, trước thất bại nặng nề, nhất là sau khi “cánh cửa thép Xuân Lộc” bảo vệ Sài Gòn từ phía đông thất thủ (21/4/1975), chúng càng lún sâu vào tình thế khủng hoảng trầm trọng. Nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, địch tập trung lực lượng hòng “tử thủ” Sài Gòn. Trên hướng đông - đông bắc, địch dồn đủ loại quân tổ chức phòng thủ. Riêng tại Yếu khu Trảng Bom (cách Thị xã Biên Hòa hơn 20km về phía đông - đông bắc) là địa bàn án ngữ Đường số 1 đi qua, địch tập trung bố trí lực lượng phòng thủ mạnh, gồm Sư đoàn bộ binh 18 (chủ công), 2 chi đoàn xe tăng, 7 trận địa pháo binh (với 20 khẩu) cùng một bộ phận lực lượng bảo an, dân vệ.

Ngay sau khi giải phóng Xuân Lộc (21/4/1975), Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh kịp thời điều chỉnh kế hoạch tác chiến. Theo đó, trên hướng đông, khi chiến dịch nổ súng tiến công, Quân đoàn 4 không cắt đứt Đường số 15, tiến vào Sài Gòn theo hai trục đường là Xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn và Cát Lái - Nhà Bè như kế hoạch cũ nữa, mà sẽ chuyển sang đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hòa, tiến vào Sài Gòn theo trục Đường số 1. Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 tiến công Trảng Bom mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng đông. Thời gian nổ súng là đêm 26 rạng ngày 27/4/1975. Bộ Tư lệnh Quân đoàn nhấn mạnh: Sư đoàn 341 phải quán triệt vận dụng phương châm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; phải chuẩn bị chu đáo, đánh phải chắc thắng.

Quán triệt nhiệm vụ cấp trên giao, vận dụng sáng tạo phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341 họp bàn thống nhất, nêu rõ quyết tâm: Tập trung toàn bộ binh lực, hỏa lực, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch trong một thời gian ngắn nhất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhanh chóng củng cố lực lượng, sẵn sàng cùng lực lượng bạn phát triển vào giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn khi có thời cơ và có lệnh của Quân đoàn. Trên cơ sở đó, đề ra tư tưởng chỉ đạo: Tập trung lực lượng có trọng điểm trên hướng tiến công chủ yếu vào mục tiêu chủ yếu; thọc sâu bao vây, chia cắt nhanh, đánh trúng, đánh chính xác vào mục tiêu chủ yếu nhằm tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch; tiến công liên tục, thần tốc, táo bạo, đánh cả ngày lẫn đêm đến khi dứt điểm hoàn toàn.

Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Sư đoàn tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực làm tốt công tác chuẩn bị trên tất cả các mặt: Khảo sát chiến trường; bình xét khen thưởng xây dựng quyết tâm cho bộ đội; kiện toàn tổ chức; tổng kết rút kinh nghiệm chiến đấu trong những trận vừa qua (đặc biệt là trận Xuân Lộc); vận chuyển vật chất, đạn dược (riêng đạn pháo các loại đã chuẩn bị với số lượng cao 3.570 viên). Bảo đảm cho trận mở màn giành chiến thắng, tạo khí thế cho cánh quân hướng đông của chiến dịch, Quân đoàn 4 tăng cường cho Sư đoàn 341 một số đơn vị binh chủng kỹ thuật, bao gồm một tiểu đoàn xe tăng (13 chiếc), một tiểu đoàn cao xạ hỗn hợp, một đại đội pháo 105mm. Nhờ đó, sức mạnh chiến đấu của Sư đoàn 341 - một binh đoàn chủ lực được tăng lên rõ rệt.

Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, đúng 4 giờ 5 phút, Sư đoàn 341 nổ súng tiến công Yếu khu Trảng Bom. Sức mạnh chiến đấu của binh đoàn chủ lực lúc này nhanh chóng phát huy hiệu quả. Sau loạt “bão lửa” pháo binh trút vào các mục tiêu địch, bộ binh cùng xe tăng (có pháo binh trực tiếp chi viện) trên các mũi, các hướng đồng loạt tiến công. Địch chống trả quyết liệt. Tuy nhiên, trước sức mạnh áp đảo và tinh thần chiến đấu anh dũng của quân ta, các vị trí phòng thủ của địch lần lượt bị tiêu diệt. Đến 8 giờ 30 phút ngày 27/4/1975, ta hoàn toàn làm chủ Yếu khu Trảng Bom. Sư đoàn 341 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Kết quả, ta đã tiêu diệt, làm tan rã Sư đoàn 18 quân đội Sài Gòn (gồm 3 chiến đoàn: 43, 48, 52), 2 chi đoàn xe tăng (phá hủy 15 chiếc), 1 tiểu đoàn và 1 đại đội pháo binh địch (gồm 20 khẩu), 1 tiểu đoàn và 2 đại đội bảo an, Ban chỉ huy Yếu khu, bắt 1.715 tên, giải phóng khoảng 10.000 dân. Sư đoàn 341 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, chấp hành chủ trương, chỉ đạo chiến lược đề ra, Tỉnh ủy Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai ngày nay) tập trung lãnh đạo quân dân toàn tỉnh nắm bắt thời cơ, khẩn trương tập trung mọi lực lượng vũ trang, bán vũ trang và quần chúng phối hợp cùng bộ đội chủ lực tiến công đồng loạt quét sạch địch trong các chi khu, căn cứ yếu khu: Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, Nước Trong, Long Bình, Trảng Bom... và toàn bộ bộ máy kìm kẹp của địch. Tại Trảng Bom, lực lượng vũ trang địa phương phối thuộc dẫn đường, để các đơn vị Sư đoàn 341 bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đồng thời, lực lượng vũ trang tỉnh phối hợp cùng các đơn vị tiến công vào các mục tiêu địch vòng ngoài, góp phần bao vây, chia cắt, tiêu hao lực lượng địch, tạo điều kiện cho Sư đoàn 341 tiến công dũng mãnh tiêu diệt Yếu khu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Những thành tựu sau chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới, phát triển

Sau ngày quê hương được giải phóng, giữa bề bộn khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, cùng nhân dân cả nước từng bước thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Sau gần nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai giành được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. GRDP giai đoạn 2015 - 2020 tăng hơn 8%, nằm trong nhóm tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Thành phố Biên Hòa trở thành đô thị loại 1, thành phố Long Khánh là đô thị sầm uất, huyện Xuân Lộc đang đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Long Thành với dự án quốc gia là Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai thực hiện... Các chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh được các sở, ngành và địa phương của tỉnh chú trọng thực hiện, đạt kết quả tốt. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa xã hội, chính sách, an sinh xã hội được quan tâm đúng mức. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại được triển khai tích cực, chủ động hiệu quả, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh. 

Đồng chí Hồ Thanh Sơn Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Đồng Nai. (Ảnh: Báo Nhân dân) 

Đồng chí Hồ Thanh Sơn Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, đã 49 năm trôi qua, chiến thắng Trảng Bom ngày 27/4/1975 vẫn luôn là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom và trong cả nước; là nguồn động viên, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiếp tục chiến đấu, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những bất ổn, xung đột vũ trang trên thế giới, song với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần tự hào từ chiến thắng Trảng Bom, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 246.448 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 139 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 58 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 17.617 tỷ đồng, đạt dự toán được giao; các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đa số đạt và vượt kế hoạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành 35 khu công nghiệp, trong đó, tại 33 khu công nghiệp Đồng Nai đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.117 dự án; trong đó, 1.464 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 30.020 triệu USD, vốn thực hiện 23.187 triệu USD và 653 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 80.328 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 105/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 34 khu dân cư kiểu mẫu. Công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo quyết liệt; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ có nhiều chuyển biến rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên tiếp tục được nâng lên.

Theo đồng chí Hồ Thanh Sơn, có được kết quả trên là do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã luôn phát huy truyền thống đoàn kết, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp mà Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc, nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh các nhiệm kỳ đề ra, nhất là quan tâm chăm lo và làm tốt công tác xây dựng đảng, trong đó tập trung xây dựng đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Đồng thời nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng nói chung, tinh thần hào hùng của chiến thắng Trảng Bom nói riêng, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, hiện đại và văn minh./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực