Đền Thái Vi (Ninh Bình) và câu chuyện lịch sử về nhà Trần

Thứ bảy, 02/04/2016 19:07
(ĐCSVN) - Những ngày mùa xuân, hòa chung vào dòng du khách trong và ngoài nước tấp nập trẩy hội, chúng tôi tìm về với Tam Cốc, Bích Động (Ninh Bình) – một thắng cảnh được ví như vịnh Hạ Long trên cạn. Dấu ấn sâu sắc đọng lại trong chúng tôi qua hành trình xuân 2016 này là ngôi đền Thái Vi kỳ vĩ với cụ từ trông đền như bước ra từ miền cổ tích.

Đền Thái Vi ngự trong khu rừng Ô Lâm, thuộc tổng Vũ Lâm xưa, ngày nay thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngôi đền linh tiếng từ lâu đời, là nơi thờ các vị vua triều Trần. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Có thể đi bộ đến Đền Thái Vi từ hành trình Tam Cốc hoặc theo đường bộ cách bến thuyền Tam Cốc 2 km.

Đền nằm ở vị thế bên phải là dòng Ngô Giang, bên trái có núi Cối Lĩnh, hài hòa giao quyện từ ngàn đời nay mà làm nên huyền thoại một vùng Tam Cốc được mệnh danh là Vịnh Hạ Long cạn. Trước cửa đền có giếng vàng chứa Bạch Ngọc, bốn mùa trong vắt như gương.

Đến đây, ta không chỉ cảm nhận vẻ đẹp nên thơ của một vùng non xanh cẩm tú, những am động ảo huyền mà còn được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nghệ thuật của người xưa mang đậm bản sắc văn hóa phong phú độc đáo và giàu sức hấp dẫn du khách.

Đoàn chúng tôi chọn hành trình thăm Đền Thái Vi bằng việc xuôi thuyền Tam Cốc – Bích Động từ bến thuyền Đình Các. Trên đường quay trở ra, khi đến bến Thánh hay còn gọi là bến Sính do vua Trần Thái Tông mở, chúng tôi lên bờ đi bộ khoảng 50 mét, men theo đường chân núi bên tay trái là đến Thiên Hương Động (Động trời toả ngát hương) ở núi Đồng Vỡ. Động Thiên Hương ở lưng chừng núi, cao hơn so với mặt đất khoảng trên 15 mét, lên động theo hai lối tả hữu với 30 bậc lên cao. Đến cửa động, bước lên cao hơn một mét nữa là tới nền động. Không gian bên trong rộng lớn, cao sâu thăm thẳm như hình rỗng bên trong một quả chuông đá khổng lồ úp lên.

Dọc theo đường mòn, tận hưởng cái thư thái, yên bình của vùng quê đậm chất nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng tôi đã đứng trước cổng rêu phong của ngôi đền. Bước chân vào đây, một cảm giác  khoan thai, dễ chịu lan tỏa. Ngồi bên cụ từ Đền Thái Vi trong nắng chiều xuân chênh chếch, nghe những câu chuyện cụ kể, tôi cảm thấy mình như đang sống trong những trang sử hào hùng xưa…

Cụ từ Đền Thái Vi cho biết: Dân gian có câu đối truyền tụng về vùng đất này “Thảo tú sơn liêm vô song thánh địa (Đất thánh đây chỉ có một không có hai)/ Hoa hoàng thủy nhiễu đệ nhất thiên châu (Sông núi quanh co, hoa thơm cỏ lạ, cảnh như cõi tiên, cũng chỉ có một không hai)…

Cũng theo cụ từ đền Thái Vi, thiết kế của đền chính gồm: Gian giữa của Bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ Hán lớn “Long đức chính trung”, bái đường thờ công đồng trên bệ đá. Tiếp theo là ba gian Trung đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng bốn cột, đều được chạm khắc nổi long vân. Ở đây đặt nhang án đá. Hai bên có đôi hạc gỗ cao 2 mét và hai bộ chấp kích thờ sơn son thiếp vàng. Qua Trung đường vào năm gian chính tẩm có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, hoạ. Điều độc đáo ở đền Thái Vi là tất cả các cột đều làm bằng các tảng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, đường nét uyển chuyển, tao nhã như chạm gỗ. Phía sau đền Thái Vi nguy nga, trầm mặc là hai mắt rồng ở hai bên. Tương truyền, đây là hai hố sâu đổ đất đá vào cho đầy, một thời gian sau đất lại trũng xuống không bao giờ bằng mặt đất. Tại khu di tích đền Thái Vi còn một am nhỏ là nơi vua Trần Thái Tông đã cho lập lên và ở đó tu hành trong thời gian cuối đời. Theo lệ, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 3 (âm lịch) lễ hội Thái Vi được tổ chức và coi là Quốc lễ. Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao to lớn của các đời vua Trần.

Cụ từ Đền Thái Vi năm nay đã ở cái tuổi xấp xỉ 80, về làm nhiệm vụ trông coi đền từ năm 2000. Ngoài việc trông coi đền, gặp đoàn khách du lịch nào viếng thăm, cụ cũng kể cho họ nghe câu chuyện về lịch sử ngôi đền, về thời đại nhà Trần huy hoàng của lịch sử phong kiến Việt Nam, về 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần… Cụ còn chơi đàn tranh, đàn bầu mỗi khi rảnh và khi có du khách nào ngỏ ý muốn nghe nhạc dân tộc, truyền thống của Việt Nam.

Theo lời cụ, ngôi đền Thái Vi đặc biệt ở cột đá, xà đá chạm trổ hoàn toàn thủ công. Di tích cổ nhất còn lưu giữ tại đây là: nhang án, cột đá, hòm sắt, bàn thờ, gác chuông (xây dựng 1689, quả chuông cũng được đúc từ năm đó).

Xin giới thiệu một số hình ảnh đẹp về ngôi đền mang nhiều giá trị lịch sử này:

 

Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), vua Trần Thái Tông nhường ngôi cho con rồi lui về vùng núi Vũ Lâm tu hành, lập am Thái Vi ở phía Tây thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư ngày nay. (Ảnh: NTUANNGOC).

 

Qua Nghi Môn của đền có gác chuông làm bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài.
 Ở đây treo một quả chuông đúc từ năm Chính Hoà thứ 19. (Ảnh: NTUANNGOC)

 

Đường chính và sân rồng đều lát đá xanh. (Ảnh: NTUANNGOC)

 

Cụ từ Đền Thái Vi bên cây đàn bầu truyền thống.  (Ảnh: NTUANNGOC)

 

Đền thu hút nhiều du khách quốc tế tới tham quan. (Ảnh: NTUANNGOC)

 

Lê Nguyễn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực