50 năm truyền thống Học viện Âm nhạc Huế

Thứ hai, 08/10/2012 16:31

Sáng nay, 7-10, Học viện Âm nhạc Huế long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống, năm năm thành lập Học viện Âm nhạc Huế và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

 

 Học viện Âm nhạc Huế đón nhận Huân chương
Lao động hạng Nhất.

Học viện Âm nhạc Huế tiền thân là Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế (1962-1975). Từ sau năm 1975, trường đổi tên thành Trường Âm nhạc Huế. Năm 1985, sáp nhập với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế trở thành Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế. Năm 1994, nâng cấp thành Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Ngày 8-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1492/QĐ-TTg thành lập Học viện Âm nhạc Huế, trở thành một trong ba học viện âm nhạc và nhạc viện Việt Nam hiện nay.

TS, nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện Âm nhạc Huế cho biết: Trải qua 50 năm xây dựng, phát triển và năm năm ngày Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Học viện Âm nhạc Huế, cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đại diện khu vực miền trung, Tây Nguyên đã khẳng định vai trò, vị trí và thương hiệu của một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn, đào tạo và biểu diễn âm nhạc đặc thù. Học viện Âm nhạc Huế đã chứng tỏ tiềm năng, thế mạnh của trường bằng nhiều hoạt động ý nghĩa như: hợp tác, kết nghĩa với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội; đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học, chuyển giao công nghệ đào tạo và biểu diễn âm nhạc; thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả tốt các dàn nhạc: giao hưởng, dân tộc, xướng và các ban nhạc cộng đồng đường phố…

Học viện cũng đã xây dựng nội dung, chương trình và các thiết chế văn hóa để phát triển, mở rộng ngành đào tạo âm nhạc di sản và âm nhạc truyền thống khu vực miền Trung - Tây Nguyên; quan hệ hợp tác nghiên cứu, đào tạo và giao lưu biểu diễn âm nhạc với các trường đại học, học viện Thái-lan, Trung Quốc; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo của các tỉnh, thành khu vực miền trung - Tây Nguyên để chuẩn hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo cán bộ âm nhạc…

Theo TS Nguyễn Việt Đức, qua 50 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo hơn 4.000 cán bộ làm công tác âm nhạc, văn hóa cho các đoàn nghệ thuật, viện nghiên cứu, sở, phòng văn hóa… ở các tỉnh, thành khu vực miền trung và cả nước.

Đặc biệt, tại Học viện có Khoa Âm nhạc di sản, là cơ sở duy nhất ở Việt Nam đào tạo Nhã nhạc cung đình, đàn - ca Huế, đàn - hát dân ca Việt Nam từ trung cấp lên đại học. Khoa này cũng đang xây dựng giáo trình đào tạo cồng chiêng theo hướng bảo tồn tại cộng đồng, tập trung nghiên cứu sâu âm nhạc Chăm-pa, hô bài chòi Bình Định, hát bả trạo các tỉnh duyên hải Trung bộ, ví dặm Nghệ Tĩnh. Năm 2012, Khoa Âm nhạc di sản đã đoạt huy chương vàng tác phẩm Tứ tuyệt “Tranh – Bầu – Nhị - Nguyệt, hòa tấu bài Nam Bình” trong Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại TP Huế.

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Học viện Âm nhạc Huế; trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Khoa Âm nhạc truyền thống và ba cá nhân của trường: TS-Nhạc sĩ Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Học viện; Thạc sĩ -NGƯT Thân Trọng Bình, Trưởng khoa Đào tạo và Thạc sĩ Hà Mai Hương, Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc.

Đảng bộ Học viện Âm nhạc Huế được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh Thừa Thiên – Huế tặng bức trướng “Đoàn kết, sáng tạo, bản sắc, hội nhập và phát triển”; UBND tỉnh cũng đã tặng Bằng khen cho Học viện Âm nhạc Huế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực