Bài 1: Giá trị to lớn của thành Nam Chơn

Thứ bảy, 23/09/2023 09:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Di tích thành Nam Chơn là hệ thống thành phòng thủ của nhà Nguyễn, ra đời cách đây khoảng 200 năm. Hiện di tích này vẫn còn khá nguyên vẹn và có giá trị lịch sử to lớn, gắn với 02 trận thắng lớn của nhà Nguyễn trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại mặt trận Đà Nẵng kể từ năm 1858. Tuy nhiên, di tích thành Nam Chơn đang bị “bỏ quên” và có khả năng bị di dời đến một địa điểm khác, hoặc chỉ tồn tại trên màn hình 3D.
Một góc bờ thành được xây bằng đá còn nguyên vẹn của đồn Nam Chơn thuộc làng Chơn Sảng. 

Làng Chơn Sảng hiện thuộc phường Hoà Hiện Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Làng nằm về phía Đông Nam và cách Hải Vân Quan khoảng vài km đường chim bay. Đặc biệt, nơi toạ lạc của làng này có vị thế rất hiểm yếu và như một “ốc đảo”. Làng có lưng dựa vào dãy núi Hải Vân hùng vĩ, trước mặt là biển và Vịnh Đà Nẵng.

Tại làng Chơn Sảng có 02 hệ thống thành phòng thủ của nhà Nguyễn trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và được gọi với cái tên Đồn Nam Chơn. Đồn Nam Chơn có hệ thống thành xây dựng bằng đá và hào sâu rất kiên cố, hiện còn khá nguyên vẹn và đang bị cây cối mọc, che khuất.

Trên thực tế, tại đây từng là nơi sinh sống của hơn 120 hộ dân (với hơn 400 nhân khẩu) là những bệnh nhân phong với tên gọi là Làng Vân. Tuy nhiên, từ năm 2012 chính quyền TP Đà Nẵng và quận Liên Chiểu đã quy hoạch, đưa bà con Làng Vân vào đất liền để tái hoà nhập với xã hội, nhường đất cho một dự án xây dựng Khu sinh thái phía Tây của TP Đà Nẵng.

Để rõ hơn về lịch sử ra đời và giá trị của làng Chơn Sảng và đồn Nam Chơn, chúng tôi đã được TS.Nguyễn Minh Phương, Trưởng bộ môn Việt Nam học (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) cho biết rất nhiều thông tin có giá trị.

Theo TS.Nguyễn Minh Phương, trong tài liệu lịch sử “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An viết năm 1553, cái tên Chơn Sảng chưa xuất hiện. Tuy nhiên, đến thế kỷ 18 (1776), nhà bác học Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” đã có nói đến cái tên Chơn Sảng. Từ đó, TS.Nguyễn Minh Phương đoán định rằng, làng Chơn Sảng ra đời vào khoảng thế kỷ 17 hoặc muộn nhất là đầu thế kỷ 18. Điều này cũng đồng nghĩa là với khoảng thời gian ra đời như trên, cho thấy Chơn Sảng có bề dày trong lịch sử hình thành.

Riêng về cái tên Nam Chơn, TS.Nguyễn Minh Phương cho biết, thời chúa Nguyễn có đặt một nhà trạm thuộc hệ thống thất trạm trên đường thiên lý Bắc - Nam. Sang thời Nguyễn, trạm Nam Chơn từ một nhà trạm được nâng lên thành căn cứ phòng thủ rồi sau đó lại là nhà trạm.

TS. Nguyễn Minh Phương, Trưởng bộ môn Việt Nam học (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm-  Đại học Đà Nẵng) nói về giá trị của Đồn Nam Chơn.

Về vị trí không gian liên đới, kết nối của đồn Nam Chơn, TS. Nguyễn Minh Phương thống kê, tính từ phía Bắc trở vào có Hải Vân Quan, đồn Chơn Sảng, pháo đài Định Hải, tấn Câu Đê, thành Điện Hải và cuối cùng là các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Từ đó cho thấy Nam Chơn là một cơ sở phòng thủ giữ vị trí trọng yếu của nhà Nguyễn. Và theo dòng lịch sử, nơi đây đã diễn ra hai trận đánh lớn trong lịch sử Việt Nam thời cận đại. Đó là vào ngày 1/9/1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, bắt đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc mở đầu thời kỳ lịch sử cận đại của dân tộc Việt Nam.

Lúc bấy giờ, để chống lại sự xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, triều đình nhà Nguyễn đã cử tướng Nguyễn Tri Phương vào chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng và quân nhà Nguyễn đã cầm chân được quân giặc tại đây. Trong bối cảnh đó, viên tướng chỉ huy người Pháp đánh Đà Nẵng (năm 1858) là Regault de Genouilly sau một thời gian đánh không thắng vì bị quân dân nhà Nguyễn cầm chân, đã tỏ ra chán nản và xin từ chức. Vì thế, Pháp đã đồng ý và cử Thiếu tướng Francois Page sang thay thế. 

Khi Thiếu tướng Francois Page sang thay thế, vì muốn thể hiện quyền uy, năng lực của mình đã quyết định mở một trận đánh lớn lên đồn Nam Chơn vào ngày 18/11/1859.

Hệ thống bờ thành đồn Nam Chơn bằng đá cao và hào sâu đến đầu người vẫn còn nguyên vẹn. 

Khi tấn công đồn Nam Chơn, quân Pháp đã bị ta kháng cự rất quyết liệt. Trong trận đánh này, viên thiếu tá công binh Déroulède chỉ huy trận đánh đã chết tại trận, quân Pháp bị tổn thất rất lớn. Tuy nhiên, quân Pháp vẫn chiếm được đồn Nam Chơn. Trận đánh ngày 18/11/1859, đồn Chơn Sảng bị chiếm nhưng đó không phải là một thắng lợi của Pháp. Cái giá mà Page phải trả cho nó khá đắt không chỉ về nhân mạng bị tổn thất mà cả về uy tín và sự nghiệp của y.

Đồn Chơn Sảng bị thất thủ, đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế qua đèo Hải Vân bị nghẽn do quân Pháp án ngữ, vua Tự Đức liền cử thống chế Nguyễn Trọng Thao làm Đề đốc quân vụ đem quân vào Hải Vân cự đánh. Quân Nguyễn Trọng Thao từ trên đèo tiến xuống, quân của Trần Đình Túc và Nguyễn Hiên từ 2 đồn Nam Ổ (Nam Ô) và Câu Đê tấn công lên, mới đuổi được quân Pháp ra khỏi Chơn Sảng vào tháng 1/1860.

Sau sự kiện trên, người Pháp thấy không thể chiếm được Đà Nẵng nên đã bỏ mặt trận này để chuyển hướng vào Sài Gòn - Gia Định. Cùng với hàng loạt sự kiện, đến năm 1884, Hiệp ước Patơnốt được nhà Nguyễn ký kết với thực dân Pháp khiến đất nước ta bị Pháp đô hộ.

Sau vụ binh biến kinh thành Huế 1885 đã dấy lên phong trào Cần Vương. Quảng Nam - Đà Nẵng là một trong những địa phương hưởng ứng phong trào Cần Cương rất sớm. Lúc ban đầu, Hội chủ là Trần Văn Dư, sau đó chuyển giao Hội chủ cho Nguyễn Duy Hiệu. Ông Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc (nay thuộc huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) để chống Pháp và người Pháp từng nhận định “Nguyễn Duy Hiệu đã xây Quảng Nam gần như một nước”.

Năm 1885, mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã ký Hiệp ước Patơnốt với Pháp nhưng phong trào kháng Pháp của Nhân dân ta vẫn nỗ ra.

Vào ngày 28/2/1886, một đêm tối trời, đoàn công binh của Pháp do Đại úy Besson chỉ huy dừng chân ở trạm Chơn Sảng. Được sự mật báo của một người thông dịch viên tên Trần Văn Quế, quân Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu đã kéo về ém dưới chân đèo từ trước. Nửa đêm, 300 quân Nghĩa hội xuất phát từ làng Nam Ô dùng thuyền và ghe tam bản, theo sông Thủy Tú ra vịnh Đà Nẵng sau đó vòng eo biển dưới chân Hải Vân rồi tiến lên bao vây nhà trạm Chơn Sảng. Toàn bộ đội lính công binh của Pháp bị tiêu diệt. Tiêu diệt xong địch, nghĩa quân đã châm lửa đốt hai nhà trạm, sau đó chia làm hai cánh, một cánh rút lên các thác nước ẩn vào rừng già Bạch Mã, một cánh ra biển về lại làng Nam Ô.

Theo quan sát của phóng viên, bờ thành bằng đá tại Đồn Nam Chơn được xây dựng kiên cố, vững chắc, có đoạn 2 lớp thành, có đoạn 3 lớp thành. 

Như vậy, lịch sử Việt Nam thời cận đại nói chung và lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp đã có hai trận đánh diễn ra tại đồn Nam Chơn. “Hai trận đánh này, nếu xét về lịch sử thì cả hai đều rất có ý nghĩa, bởi từ khi Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta, Đà Nẵng là nơi duy nhất mà người Pháp thất bại. Chính vì vậy, hai trận đánh này là hai trong những chiến công tô điểm thêm chiến công chặn đứng bước tiến, làm thất bại kế hoạch xâm lược bước đầu Việt Nam của thực dân Pháp. Đây không chỉ là chiến công của riêng mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng mà là chiến tích của quân và dân ta trong buổi đầu chống Pháp xâm lược” - TS. Nguyễn Minh Phương khẳng định và chia sẻ thêm: Nếu tính về thời gian, trạm Nam Chơn ra đời cách ngày nay khoảng 200 năm. Dù thời gian trôi qua dài như vậy, mặc dù cùng bụi thời gian, cây cối mọc che khuất, song kết cấu xây dựng của hệ thống thành hào tại đồn Nam Chơn hiện vẫn còn khá nguyên vẹn. Chính vì vậy, đồn Nam Chơn rất có giá trị. “Tuy nhiên rất đáng tiếc là vì nhiều lý do mà đến hôm nay, di tích này vẫn chưa được xếp hạng là di tích lịch sử”- TS. Nguyễn Minh Phương bày tỏ.

Cũng theo chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Phương, vừa qua TP Đà Nẵng với chủ trương phát triển du lịch khu vực phía Tây thành phố đã thông qua đồ án quy hoạch phân Khu sinh thái phía Tây và đồn Nam Chơn cũng nằm trong khu vực quy hoạch.

“Đây là việc làm cần thiết, thể hiện được sự nhạy bén của chính quyền TP Đà Nẵng. Bởi Đà Nẵng đang được đánh giá là thành phố “đáng sống”, là một trong những địa chỉ thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến. Do vậy, việc phát triển du lịch là một trong những hướng phát triển kinh tế mũi nhọn mà Đà Nẵng đã và đang tiến hành. Tuy nhiên theo tôi, việc phát triển du lịch phải tính đến nhiều yếu tố; đặc biệt là cần phải giữ lại các di tích, trong đó có di tích đồn Nam Chơn” - TS. Nguyễn Minh Phương bày tỏ, đồng thời cho biết thêm: Thực tế tại đây còn 02 nền thành, hào khá nguyên vẹn, nếu được giữ lại và khai thác đúng hướng thì nơi đây chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm, yêu thích của du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Video về một đoạn thành và hào của Đồn Nam Chơn. 

Liên hệ với các địa danh khác có thể kết nối với Chơn Sảng - Nam Chơn để phát triển du lịch, TS. Nguyễn Minh Phương nêu rõ: “Không xa với đồn Nam Chơn là Hải Vân Quan nổi tiếng trên đỉnh Hải Vân và ngay cả ở đèo Hải Vân hiện vẫn đang tồn tại cung đường đi qua mà lịch sử đã nhắc đến là con đường Thiên lý Bắc - Nam. Cũng trên con đường này, lùi lại lịch sử, khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam vượt đèo Hải Vân đã chỉ vào và nói câu nổi tiếng: “Nơi đây là yết hầu của miền Thuận Quảng”. Đến thời Pháp, người Pháp đã xây dựng tuyến đường sắt nối liền Đà Nẵng với Huế. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, Nhà nước ta cũng đã đầu tư xây dựng hầm Hải Vân rất quy mô và đẹp. Do vậy, nếu khai thác được giá trị của các cụm quần thể di tích, di sản mà lịch sử đã để lại cũng như một số công trình hạ tầng nơi đây; từ Hải Vân Quan, đường Thiên Lý, hầm Hải Vân, đến làng biển Nam Ô, Cu Đê… và đặc biệt là có một hệ thống kiến trúc thành, hào phòng thủ gắn với lịch sử những ngày đầu đánh Pháp tồn tại trên dưới 200 năm thì rõ ràng, đây là một địa chỉ giàu giá trị để phát triển du lịch” - TS. Nguyễn Minh Phương khẳng định.

“Khi du khách tìm đến với những di tích rất có giá trị như vừa kể thì chắc chắn các tour, tuyến du lịch ở khu vực này rất phát triển. Một khi một nhà đầu tư đầu tư vào đây, nếu biết về lịch sử, biết về các giá trị di tích tại đây chắc chắn họ sẽ biết khai thác, nâng tầm gía trị của vùng đất này; đồng thời qua đó sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, văn hoá của đất và con người nơi đây. Ngược lại, nếu phát triển du lịch mà không giữ lại di tích, nhất là vừa qua, khi Đà Nẵng quy hoạch phát triển khu sinh thái phía Tây, đã có thông tin trong dư luận về các phương án như: Có thể giữ và cũng có thể di dời di tích đồn Nam Chơn đến một địa điểm khác, đồng thời thực hiện mô hình 3D về khu thành, hào phòng thủ giàu giá trị này để giới thiệu đến du khách. Tôi cho rằng, nếu xoá bỏ hay chọn điạ điểm khác để phục dựng đồn Nam Chơn hoặc triển khai mô hình 3D thì là việc không nên làm. Hiện với sự phát triển của công nghệ, mô hình du lịch qua màn hình 3D không xa lạ, song thực tế nó chỉ là mô hình để bổ sung, làm phong phú thêm di tích sống. Đặc biệt, nếu không có di tích, chứng tích gốc sau một thời gian mô hình này sẽ bị nhàm chán, mất đi tính giá trị của nó, Do vậy, rất cần thiết TP Đà Nẵng phải giữ lại đồn Nam Chơn để phát huy giá trị và ý nghĩa lịch sử của nơi này như trên tôi đã đề cập” - TS. Nguyễn Minh Phương nhấn mạnh.

Mời đọc Bài 2: Đà Nẵng nói gì về di tích Đồn Nam Chơn?

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực