Đình Ngọ Xá với 4 mái tại thời điểm việc trùng tu chuẩn bị hoàn thành. (Nguồn: baobacgiang.com.vn)
Những thiệt hại không thể lấy lại…
Điều 34, Luật Di sản Văn hóa quy định: "Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích… Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh. Tổ chức, cá nhân thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề đối với tổ chức và chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân". Như vậy, về nguyên tắc, việc trùng tu di tích phải thực hiện một cách cụ thể, bài bản. Đối với những di tích quá trình trùng tu phải tháo rời thì trước khi tiến hành trùng tu cần có bản vẽ, ảnh chụp, đánh dấu các cấu kiện một cách rõ ràng, cụ thể để cho việc lắp ráp khi phục dựng lại… Tuy nhiên, trong thực tế, việc trùng tu di tích không phải khi nào những người có trách nhiệm cũng thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên.
Quay trở lại câu chuyện buồn về việc trùng tu đình Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), có thể thấy sai phạm lớn nhất ở đây đó là những người tham gia tu bổ đã tự ý thay đổi kết cấu, kiến trúc của ngôi đình. Khi phê duyệt hồ sơ tu bổ, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đã nhất trí với phương án tu bổ đình theo hướng “giữ nguyên gốc, có mở rộng và nâng cao hơn đình cũ”. Nhưng trên thực tế, việc tu bổ, tôn tạo lại được thực hiện theo ý muốn chủ quan của một bộ phận người dân. Ban xây dựng đình đã không tuân thủ đúng hồ sơ tu bổ đã được cơ quan chuyên môn phê duyệt; tự ý thay đổi kết cấu từ 2 mái thành 4 mái có đao với lý do “đại đa số người dân trong thôn thấy thiết kế 4 mái có đao đẹp và giống đình cổ Việt Nam”. Vì vậy, khi việc tu bổ, tôn tạo đình Ngọ Xá hoàn thành đã không bảo tồn được yếu tố “gốc” của di tích.
Đối với việc “xóa sổ” đình Lương Xá ở xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, (Hà Nội), theo tìm hiểu, do ngay từ đầu đại diện thôn Lương Xá đã có chủ trương làm mới đình bằng bê tông nên những cấu kiện ở đình Lương Xá, sau khi hạ xuống đều đổ dồn thành những mớ hỗn độn, ngổn ngang trong sân. Nhiều cấu kiện bị gãy, thậm chí có cấu kiện bị mất sau khi tháo rời. Bởi vậy, theo các chuyên gia, hiện nay không thể tiến hành phục dựng nguyên trạng đình Lương Xá cũ. Và với việc tồn tại một ngôi đình được bê tông hóa thì những giá trị văn hóa tâm linh, giá trị kiến trúc của mái đình Lương Xá hơn 300 năm tuổi cũng đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó là những khối bê tông “vô hồn”, những kiểu nét kiến trúc nửa cũ, nửa mới; nửa truyền thống, nửa hiện đại.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm về việc bê tông hóa đình Lương Xá (Hà Nội). Ảnh: QĐ
Những di tích văn hóa lịch sử luôn là sự kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống đã được kiểm chứng trong thực tiễn lịch sử. Suy đến cùng, việc trùng tu, tu bổ cũng nhằm mục đích bảo tồn, gìn giữ những giá trị đó cho các thế hệ mai sau. Vì vậy, dư luận lo lắng, nếu không có biện pháp xử lý triệt để, những sai phạm trong trùng tu đình Lương Xá rất có thể sẽ tạo tiền lệ không tốt trong việc giữ gìn, trùng tu di tích; nhiều nơi sẽ cố tình phá bỏ di tích để xây mới, đặt các cơ quan chức năng trong tình thế “sự đã rồi”...
Cần những giải pháp đầy đủ, quyết liệt
Thực tế cho thấy, những lo lắng nói trên của dư luận không phải là không có cơ sở. Bởi công tác quản lý tu bổ, tôn tạo di tích tại các địa phương thời gian qua còn có khá nhiều mặt hạn chế. Một số nơi thực hiện chưa nghiêm các quy định như: Thi công không đúng theo hồ sơ thiết kế được phê duyệt làm sai lệch yếu tố gốc cấu thành và biến dạng di tích, nhiều trường hợp tôn tạo di tích khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, có nơi dịch chuyển vị trí công trình, mở rộng diện tích, thay đổi kiểu dáng kiến trúc, chuyển chất liệu từ gỗ sang bê tông hoặc xây dựng thêm công trình phụ trợ, phá vỡ cảnh quan, không gian truyền thống di tích…
Việc các cá nhân, tập thể có trách nhiệm tùy tiện xem nhẹ, bỏ qua các quy định của pháp luật cũng như sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã để lại những hậu quả khó có thể khắc phục triệt để. Theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), khi tu bổ di tích cần tuân thủ theo các quy định trong Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và các văn bản quy định khác; đồng thời bảo đảm các nguyên tắc như: Bảo tồn tối đa yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế can thiệp làm giảm hoặc thay đổi đặc điểm, giá trị di tích, đồng thời ưu tiên bảo quản, gia cố, sau đó mới đến tu bổ, tôn tạo.
Nhiều cấu kiện của đình Lương Xá bị vứt tại sân Nhà văn hóa sau khi được tháo rời. (Ảnh: QĐ)
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những sai phạm trong thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích, song về chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền sở tại còn xem nhẹ các quy định của pháp luật trong quản lý di tích. Bên cạnh đó còn là sự buông lỏng của cơ quan quản lý văn hóa các cấp. Liên quan đến việc “trẻ hóa” đình Lương Xá, trao đổi với báo chí, ông Lương Ngọc Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hóa cũng thừa nhận đó là một phần trách nhiệm của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện; do những di tích chưa được xếp hạng đã phân cấp cho UBND các xã trực tiếp quản lý nên việc quản lý của Phòng cũng chưa sát sao.
Một nguyên nhân khác thường gặp trong sai phạm khi trùng tu các di tích đó là xuất phát từ chính việc thực hiện xã hội hóa hoạt động trùng tu, tu tạo di tích. Cụ thể, hiện nay, ngoài khoản đóng góp tự nguyện của người dân và phần hỗ trợ của ngân sách nhà nước, các địa phương thường kêu gọi sự ủng hộ của các nhà tài trợ tham gia ủng hộ trùng tu di tích. Song, quá trình thực hiện, vì nhiều lý do nên nhiều địa phương có xu hướng dễ “thỏa hiệp” với các đề xuất, kiến nghị của nhà tài trợ mà quên đi trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích. Việc xã hội hóa nhưng không làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng, để người dân tự ý thay đổi kết cấu di tích trái pháp luật; không bảo tồn được các yếu tố gốc như ở Ngọ Xá, xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là thực tế rất đáng lo ngại, bởi dù nguồn kinh phí là người dân tự đóng góp thì khi phục dựng di tích vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý, nghiên cứu về di tích, di sản, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hội Di sản văn hóa Việt Nam, việc phân cấp trong công tác quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Thực tế, việc xử phạt các vi phạm về quản lý di sản thời gian qua chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe; đối với những di tích bị “biến dạng” trong quá trình trùng tu, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đứng ra làm công trình này. Một mặt, các cơ quan liên đới từ chính quyền xã, huyện về quản lý di tích cũng phải xem xét trách nhiệm.
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Do đó, để việc trùng tu di tích thực sự đạt được hiệu quả lâu dài, bền vững, thiết nghĩ cần có nhiều hơn nữa những giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Song song với việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về mục đích, ý nghĩa, trình tự, thủ tục trùng tu, tôn tạo di tích; các cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa cũng cần có những biện pháp kiên quyết hơn trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, siết chặt hoạt động tu bổ di tích, tránh tình trạng “tiền trảm hậu tấu”; tiếp tục hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở. Đồng thời, đối với những công trình trùng tu có sai phạm, cần làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật. Có như vậy mới từng bước đưa công tác quản lý di tích đi vào nề nếp; để việc trùng tu thực sự giúp các di tích trường tồn cùng với thời gian; góp phần giữ gìn các giá trị truyền thống cho các thế hệ mai sau./.