Bài 4: Chuyện về nhà tu hành sống "tốt đời - đẹp đạo"

Thứ tư, 03/06/2020 15:46
(ĐCSVN) - Với quan niệm đến với thế gian để được phục vụ, cống hiến, để lại tinh thần, lưu lại đạo nghĩa,… nên dù còn rất trẻ nhưng Đại đức Thích Quảng Nguyên, trụ trì chùa Bảo Tịnh, Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa, phụng sự chúng sinh, thiết thực cúng dường chư Phật vì "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội" được các tăng ni, phật tử tin yêu.

Những bông hoa trong vườn Bác

Bài 2: Chuyện về người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

​Bài 3: Chuyện về giám đốc trẻ nhường cơm, sẻ gạo trong bão dịch

Để hướng thiện cho các phật tử, Đại đức Thích Quảng Nguyên dành rất nhiều thời gian để hướng dẫn giáo lý nhà Phật cho các phật tử

Sinh năm 1993, từ nhỏ cậu bé Phan Tấn Lợi (tên thật của Đại đức Thích Quảng Nguyên) đã được các thầy giảng dạy về đạo Phật, thấm nhuần giáo lý Phật Đà, cậu bé mong muốn được xuất gia theo các thầy chân tu, để phổ độ chúng sinh, cứu khổ, cứu nạn cho mọi người. Và, như một cái duyên, năm 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, không giống như nhiều thanh niên cùng trang lứa, Phan Tấn Lợi quyết định xuất gia, sống cuộc sống thuần lương mỹ thiện.

Ngày ngày theo các thầy tụng kinh, tu học, Thích Quảng Nguyên ngộ ra biết bao điều, đặc biệt càng thấm thía trách nhiệm lớn lao của một nhà tu hành luôn phải “phụng sự chúng sinh, cúng dường chư Phật”. Vì vậy với sức trẻ và khát khao được cống hiến, Thích Quảng Nguyên tham gia nhiều khóa học về Phật giáo, nắm chắc giáo lý để ngày ngày cùng các thầy đăng đàn giảng đạo, tuyên truyền cho bà con phật tử hiểu được đạo lý “từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật”; “tứ vô lượng tâm” (Từ, Bi, Hỷ, Xả) trong mỗi con người… từ đó có những hành động và việc làm hướng thiện mà trước hết là thực hiện đúng những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đem lại cuộc sống bình đẳng, yên vui, no ấm cho mọi người.

Mong muốn những giáo lý tốt đẹp của nhà Phật như những mạch nguồn được cuộn chảy và thấm sâu, thẫm đẫm vào tâm hồn, nhận thức của các phật tử ngay từ khi còn trẻ để có những hành động và việc làm hướng thiện nên vào mỗi Chủ nhật, thầy Thích Quảng Nguyên lại tập hợp thanh thiếu niên tại địa phương trò chuyện, hướng dẫn giáo lý Phật giáo và chia sẻ những mẩu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những tấm gương người tốt, việc tốt trong cả nước để truyền cảm hứng cho thanh, thiếu niên địa phương noi theo.

Đại đức Thích Quảng Nguyên thường xuyên giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn 

Sống ở đời, đừng so sánh tiền nhiều tiền ít, mà hãy xem tâm tình của mình có tốt hay không…. Lòng tham của con người giống như cái túi không có đáy, cái túi không có đáy thì dù có đựng bao nhiêu vàng bạc, của quý cũng không thể nào đầy được…. Có tiền chưa hẳn trên mặt có nụ cười. Không có tiền chưa chắc mỗi ngày đều không tốt, niềm hạnh phúc của ta tự tâm ta biết rõ…. Ăn mặc sang trọng thì đã sao, bình bình giản dị thì như thế nào? Chỉ cần ta biết đủ, thì cái gì cũng không thiếu... Áo gấm cơm ngọc có thể làm gì, trà thô cơm nhạt thì có làm sao? Chỉ cần ta vui vẻ, thì cái gì cũng không thiếu... Những tâm niệm, tâm sự như thế về lối sống giản dị, cần cù, tiết kiệm…. cứ thấm dần, thấm dần qua mỗi buổi trò chuyện của thầy Thích Quảng Nguyên. Với uy tín và trách nhiệm, năm 2017 thầy được bổ nhiệm làm Phó Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, trụ trì chùa Bảo Tịnh - một trong những ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang.

Ở cương vị mới, ngoài việc chăm lo công tác phật sự của nhà chùa, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Đại đức Thích Quảng Nguyên còn có nhiều hoạt động từ thiện xã hội đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Thực hiện chủ trương “Đoàn kết hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, Đại đức đã hướng dẫn các tăng ni phật tử tổ chức các hoạt động phật sự đảm bảo sự đoàn kết và hòa hợp, đúng Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước. Đại đức luôn hướng dẫn tăng ni, phật tử tu học, sống “Tốt đời, đẹp đạo” phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa và đạo đức, bản chất từ bi và trí tuệ của đạo Phật vào cuộc sống hàng ngày, sống ích đạo, lợi đời để đem lại sự an lạc, giải thoát cho chính mình đồng thời mang lại niềm an vui cho cộng đồng xã hội.

Chăm lo đến thế hệ thanh thiếu niên địa phương 


Nhờ được hướng dẫn, tu học, bà con phật tử đã phát huy văn hóa và đạo đức Phật giáo vào trong đời sống, gương mẫu giáo dục con cái trưởng thành, xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc và tôn giáo, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Để Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, thiết thực nâng cao đời sống vật chất của bà con ở địa phương, với cương vị là trụ trì và là Chánh Văn phòng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Đại đức Thích Quảng Nguyên đã vận động nhân dân cùng các đoàn thể địa phương tạo mô hình bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu và thoát nghèo bền vững trong tôn giáo, được các cấp chính quyền cũng như bà con phật tử đánh giá cao.

Là một trong những tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang cũng như nhiều tỉnh trên địa bàn những năm gần đây bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Tình hình sạt lở xảy ra ở nhiều nơi với mức độ nguy hiểm, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt nơi thầy ở,nếu bị sạt lở sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuyến đường giao thông huyết mạch hàng ngày bà con và học sinh vẫn đi lại. Nếu không xử lý khéo còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tính mạng con người. Thấm nhuần lời Phật dạy “nếu ai tác động đến môi trường là đồng nghĩa với việc hủy hoại cuộc sống, bởi môi trường chính là điều kiện để con người tồn tại, hủy hoại thiên nhiên là đồng nghĩa với hủy hoại môi trường sống của con người....”. Vì vậy, với trách nhiệm của một nhà tu hành, thầy đã vận động bà con địa phương thành lập bờ kè sinh thái chống sạt lở. Tuy nhiên do lúc đầu nhận thức của bà con về ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế nên nhiều người không hợp tác, khiến thầy phải rất vất vả đi lại tuyên truyền, giải thích nhiều lần. Khi nhận thức của bà con được chuyển biến cũng là lúc bờ kè dài 400 km được hoàn thành. Mỗi một mét bờ kè được nối dài, là sự an nguy của bà con được bảo vệ. Để bảo vệ bờ kè sinh tồn này, thầy còn cho trồng cây câu dừa, cà na để lấy bóng mát và tạo mỹ quan.

Không chỉ làm bờ kè để bảo vệ đời sống của bà con, để những con đường quê được thắp sáng, lại không tốn kém, bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho bà con đi lại dễ dàng, giúp cho an ninh địa phương được tốt hơn, thầy đã có sáng kiến và cùng với chính quyền địa phương dựng được 10 trụ đèn sử dụng năng lượng mặt trời trên tuyến đường ở khu vực 2, phường VII, thành phố Hậu Giang.

 Với những việc làm "tốt đời, đẹp đạo" , thầy đã được  tặng rất nhiều bằng khen và giấy khen của các cơ quan, đoàn thể  ở Trung ương và địa phương, cũng như tỉnh Hậu Giang

Thực hiện giáo lý nhà Phật và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thầy đã tiến hành nhiều việc làm thiết thực giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo bền vững ở địa phương. Quan niệm “Cho người khác một con đường chính là cho mình một cánh cửa, giúp người thuận tiện chính là giúp mình thuận tiện, lấy thiện đãi người cũng chính là lấy thiện đãi mình….” nên thầy cùng với chính quyền sở tại tìm hiểu hoàn cảnh những gia đình khó khăn ở địa phương, tạo nguồn vốn cho những hộ nghèo vay, tạo điều kiện cho họ đi học nghề, làm nghề có thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững, không tái nghèo. Mỗi năm những hộ gia đình được thầy giúp đỡ lại dài thêm. Đến nay đã có tới mấy chục gia đình được thầy giúp thoát nghèo bền vững. Đời sống của bà con ở địa phương được nâng lên.

Trong đợt dịch COVID-19, Đại đức Thích Quảng Nguyên cũng đã trao tặng hàng ngàn khẩu trang cho bà con địa phương, tuyên truyền cho bà con cách phòng chống dịch hiệu quả….

Những việc tốt mà Đại Đức Thích Quảng Nguyên đã làm và sẽ làm cho đời còn nhiều, nhưng khi được hỏi thầy chỉ khiêm tốn: Được đến với thế gian, để phục vụ thế gian là cái duyên, cái phúc của Thầy. Là một người con của Phật, lại sống trong đất nước này thầy phải làm tròn nghĩa vụ của người công dân với Tổ quốc và thực hiện đúng “Đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, có như thế cuộc sống mới chân thiện góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương và Giáo hội ngày càng vững mạnh./.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực