Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Dương Thế Trung nêu rõ tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống xã hội, đã được khẳng định qua nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng; nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đã đặt văn hóa vào đúng vị thế. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, nền tảng văn hóa dân tộc có bền vững hay không, phụ thuộc không ít vào việc xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở. Tuy nhiên, theo đồng chí Dương Thế Trung, thực tế khách quan xây dựng đời sống văn hóa cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế; một số cấp ủy chưa xem trọng lĩnh vực văn hóa, cho đây là thứ yếu mà chỉ tập trung phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng…; đội ngũ cán bộ tuyên giáo một số nơi chưa nhận thức đúng, chưa hiểu hết vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc tham mưu cấp ủy thực hiện các nhiệm vụ văn hóa cũng như công tác định hướng tư tưởng, thẩm mỹ tại địa phương…
Tọa đàm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (ảnh: Hồng Hiệp)
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận xoay quanh 6 chủ đề: Xây dựng con người Thành phố phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa Thành phố; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Theo các đại biểu, TP.Hồ Chí Minh với đặc điểm là nơi hội tụ cư dân các vùng miền trong cả nước, là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá vùng miền, khu vực, quốc tế, là sự thống nhất trong đa dạng của các nền văn hoá, vì vậy mà trong quá trình xây dựng và phát triển văn hoá con người Thành phố luôn mang nét đặc trưng riêng.
Theo Trưởng Phòng Văn hoá - Gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao TP.Hồ Chí Minh Đặng Hồng Linh, xây dựng và phát triển văn hoá, con người mang nét đặc trưng TP.Hồ Chí Minh phải thực hiện cho được 2 nhóm giải pháp: Xây dựng gia đình văn hoá gắn liền với xây dựng con người văn hoá; xây dựng tiêu chí công dân TP.Hồ Chí Minh văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình.
Theo bà Linh, phải xây dựng và phát huy cho được lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hoà tính tích cực cá nhân và tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Mọi công dân TP.Hồ Chí Minh đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử văn hoá dân tộc, xây dựng chuẩn mực văn hoá con người Thành phố luôn năng động với các phẩm chất: văn minh- lịch sử- nhân ái- nghĩa tình.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố
Trần Văn Tuấn thì TP.Hồ Chí Minh đang phấn đấu xây dựng Thành phố văn minh, nghĩa tình nên vấn đề định vị nội dung nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá Việt Nam trong các hoạt động văn hoá là hết sức quan trọng và cần thiết. Công tác quản lý văn hoá cần hướng đến chất lượng. Theo ông Tuấn, phải rà soát lại cụ thể từng cơ sở để có được một thiết chế văn hoá phù hợp với mức sống, nhu cầu của người dân trong vùng, không áp đặt theo khuôn mẫu chung.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Gò Vấp Nguyễn Thị Mai Hương đề ra giải pháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phải củng cố từ nền tảng văn hóa gia đình, văn hóa ở địa bàn dân cư, văn hóa trong nhà trường đến toàn xã hội. Trong đó, phải xây dựng và nhân rộng được các mô hình văn hóa, gia đình hạnh phúc có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; xây dựng mỗi trường học thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, phát triển trí tuệ.
Cùng quan điểm trên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 3 Phạm Thị Thanh Tâm nhấn mạnh đến việc đổi mới trong công tác giáo dục đạo đức công dân cho học sinh, sinh viên với việc nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức nền tảng cho các em về gia đình - môi trường hình thành đạo đức đầu tiên cho thế hệ trẻ, từ đó nâng cao nhận thức của cả xã hội vốn đang có những "đứt gãy" giá trị văn hóa giữa các thế hệ.
Kết luận tọa đàm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Dương Thế Trung nhấn mạnh, để phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, ngoài nhận thức đúng đắn, cần tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết là trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể quần chúng, các đơn vị, tổ chức cơ sở, gia đình. Nêu cao trách nhiệm gương mẫu trong từng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, các bậc cha mẹ, thầy cô giáo. Luôn gắn kết hoạt động với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Chú trọng thực hiện tốt chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người.