Những ngày đầu xuân này, mỗi ngày, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 (ngụ tại số 03 đường Duy Tân, phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) đón tiếp nhiều đoàn khách đến tham quan, tìm hiểu về các hiện vật lịch sử đang trưng bày tại đây.
Mỗi ngày, nhất là vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm các ngày lễ lớn, đông đảo cán bộ,
chiến sỹ và nhân dân các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên đến Bảo tàng Hồ Chí Minh
- Chi nhánh Quân khu 5 để viếng thăm hoặc làm lễ tuyên thệ, báo công dâng Bác.
Theo thiết kế, ở tầng 1 của bảo tàng có 04 phòng trưng bày, tổng diện tích trưng bày 700m2; được bố trí theo 8 chủ đề với nhiều hình ảnh, hiện vật và tài liệu khoa học, đã khái quát được toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá Hồ Chí Minh. Đặc biệt, bảo tàng có trưng bày nhiều hiện vật quý thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, cán bộ và chiến sỹ Khu 5 đối với Bác Hồ và tình cảm sâu nặng của Bác Hồ đối với đồng bào, chiến sỹ Khu 5.
Chia sẻ thông tin về các hiện vật được trưng bày, giới thiệu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, Trung uý Trần Thị Lệ Tuyết - hướng dẫn viên của Bảo tàng cho hay: Hiện Bảo tàng đang trưng bày khoảng 350 đến 400 hiện vật, tư liệu về Bác, trong đó, đa số đều được phục chế lại từ hiện vật, tư liệu gốc của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Riêng đối với các tư liệu, hiện vật thể hiện tình cảm mà quân và dân Khu 5 đối với Người đều là những hiện vật, tư liệu gốc.
Giới thiệu về các hiện vật, tư liệu tại đây, trong đó có các hiện vật, tư liệu gốc thể hiện tình cảm của quân và dân Khu 5 đối với Bác, Trung uý Trần Thị Lệ Tuyết cho biết: Trong số các hiện vật, tư liệu này, có rất nhiều hiện vật, tư liệu như tấm ảnh Bác Hồ, chiếc áo do Bác tặng hay chiếc khăn quàng cổ, chiếc khăn thêu để tặng Bác… được quân và dân Khu 5 gìn giữ, cất giấu cẩn thận. Có nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng do địch lùng sục, tìm kiếm… nhưng cán bộ, chiến sỹ ta vẫn không ngại, sẵn sàng hy sinh để cất giữ, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã đem tặng lại cho Bảo tàng.
Kể lại câu chuyện bức ảnh Bác Hồ được bà Đặng Thị Kiểm cất giấu trong ống tre từ năm 1965, Trung uý Trần Thị Lệ Tuyết xúc động nói: “Bà Kiểm có con trai tên là Nguyễn Lâm, là bộ đội địa phương huyện Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ), hy sinh ngày 10/9/1965. Chồng bà hoạt động cách mạng từ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông bị địch bắt đi tù nhiều lần, bị tra tấn dã man, nên khi ra tù về nhà bị vết thương tái phát và mất năm 1962. Tấm ảnh Bác Hồ mà bà cất giữ là của anh Lâm được tặng thưởng vì đã có kết quả tốt trong đợt học tập 20 ngày về cách đánh Mỹ do huyện đội Tam Kỳ tổ chức vào đầu năm 1965. Để giữ lại kỷ niệm của con trai và tỏ lòng kính trọng Bác Hồ, bà Kiểm đã giấu tấm hình này vào trong ống tre và để trên giàn bếp. Thời đó, nghe nói bà Kiểm cất giữ hình Bác, địch đã nhiều lần đến khám xét nhà, nhưng chúng không phát hiện ra vì tưởng ống tre bà dùng để đựng hạt giống như nhiều người dân trong vùng nên đã không để ý tới”.
Kể về tấm ảnh Bác Hồ với khẩu hiệu “Mừng sinh nhật Bác” của ông Phan Hùng Dũng ở Nha Trang (Khánh Hoà) tự làm để thờ cúng, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác, Trung uý Trần Thị Lệ Tuyết cho biết: Ông Dũng sinh ra và lớn lên ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông nhiều lần bị bắt và đánh đến thương tật. Sau năm 1954, ông không ra Bắc tập kết mà chuyển vào hoạt động hợp pháp tại Nha Trang. Ngày 4/9/1969, khi nghe tin Bác qua đời, ông bàn với vợ con lấy tấm ảnh của Bác mà ông đã cất giấu trước đây đem ra đặt lên bàn thờ tổ tiên và cúng Bác trong 3 ngày liền. Sau đó, ông làm thêm tấm băng khẩu hiệu “Mừng sinh nhật Bác” để cứ vào dịp sinh nhật Bác (19/5) là ông đem ra cúng rồi bí mật cất giấu. Ông đã làm như vậy cho đến ngày TP. Nha Trang được giải phóng.
Một buổi lễ báo công dâng Bác của học sinh trường Tiểu học Bế Văn Đàn (TP. Đà Nẵng)
tại Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Quân khu 5.
Không những ở trong vùng địch tạm chiếm hay ngoài chiến trường rực lửa mà ngay trong ngục tù, người dân Khu 5 vẫn một lòng quyết tâm theo Đảng, theo Bác. Ngoài những bài viết, bài thơ gửi gắm tình cảm của mình trong những cuốn vở nhỏ, thì cũng bằng nhiều cách, thông qua con đường bí mật, những người tù cách mạng đã chuyển lời thề quyết tâm vì cách mạng đến cùng tới Bác.
Điển hình cho việc làm như thế, Trung uý Trần Thị Lệ Tuyết giới thiệu về chiếc khăn thêu của chị Nguyễn Thị Hải Châu (một tự vệ ở Đà Nẵng bị địch bắt) tự thêu trong tù gửi ra Bắc kính dâng đến Bác Hồ vào năm 1969. Trên chiếc khăn này, chị Châu đã thêu mấy dòng: "Nhớ lời Bác tim lòng xao xuyến/ Cháu quyết thề dâng hiến thành công/Miền Nam bao kẻ ước mong/ Lao tù bao cháu ruột bào gan thâm…".
Nói thêm về sự ra đời của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, Thiếu tá Thân Ngọc Huệ, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: Sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, ngày 12/9/1976, thể theo nguyện vọng, tình cảm của đồng bào, chiến sỹ Khu 5 đối với Bác Hồ kính yêu, Khu Nhà sàn Bác Hồ (mô phỏng đúng theo tỷ lệ kích thước 1/1 và kiến trúc của Nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội) đã được xây dựng tại trung tâm TP. Đà Nẵng, bên ngoài là vườn cây, ao cá… đã tạo ra một không gian vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, ấm áp hơi thở của Người; là nơi để cán bộ, chiến sỹ Khu 5 thường xuyên lui tới để tưởng nhớ Người.
Nhận thấy nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của quân và dân trên địa bàn, sau nhiều lần bàn bạc, đề xuất với các bộ, ngành có liên quan, năm 1982, được sự cho phép của Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hoá - Thông tin và Bảo tàng Hồ Chí Minh, các đơn vị có liên quan của Quân khu 5 đã tiến hành xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 ngay cạnh Khu Nhà sàn Bác Hồ.
Một góc trưng bày, giới thiệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh- Chi nhánh Quân khu 5.
Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, ngoài các khu vực trưng bày hiện vật, tư liệu còn có Phòng tưởng niệm Hồ Chí Minh. Đây là nơi trang nghiêm để tổ chức các lễ dâng hương, dâng hoa và báo công dâng Bác của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 5 nói riêng và nhân dân trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Nói về mong muốn nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng của bảo tàng trong thời gian tới, Thiếu tá Thân Ngọc Huệ bày tỏ: Chúng tôi đang tiếp tục tổ chức nhiều đợt khảo sát để tìm hiểu, thu thập thêm các hiện vật, tư liệu về Bác, về tình cảm của quân và dân Khu 5 dành cho Bác để bổ sung vào kho lưu trữ, trưng bày và giới thiệu đến cộng đồng. Thông qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ của các thế hệ người dân trên địa bàn./.