Bảo tàng Lịch sử Quốc gia: Đổi mới để thích ứng

Thứ tư, 15/09/2021 09:41
(ĐCSVN)- Đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa ngày càng cao của đông đảo khách tham quan, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan.
 Bảo tàng lịch sử Quốc gia ứng dụng công nghệ trong trưng bày (Ảnh: TT)

Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhằm tạo cơ sở dữ liệu với thông tin chi tiết và mang đến những trải nghiệm cho người sử dụng. Tất cả hướng tới xây dựng một di sản số (E- Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở những kinh nghiệm và hiệu quả bước đầu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và từng bước hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng như: Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”; Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online); Giờ học lịch sử online...

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày bảo tàng. Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ này để giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” với mục đích nhằm phát huy trưng bày lâu dài và tới rộng rãi công chúng sau khi trưng bày chuyên đề kết thúc, đặc biệt là đối với công chúng chưa hoặc không có điều kiện thăm quan trưng bày đồng thời cũng là một cách thức lưu trữ tư liệu sau trưng bày (các trưng bày chuyên đề thường chỉ kéo dài khoảng 3 - 6 tháng và trước đây, Bảo tàng chỉ xuất bản ấn phẩm dưới dạng: tờ gấp, cataloge, sách). Trên cơ sở kinh nghiệm ban đầu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục lập kế hoạch và thực hiện xây dựng nội dung giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực từ thời Tiền sử, đến thời Trần và chuyên đề “Văn hóa Óc Eo”. Từ năm 2014 - 2019, thực hiện số hóa 11 Bảo vật quốc gia và Nhật ký Conali; thử nghiệm số hóa 3D với 34 hiện vật trên các loại hình, chất liệu khác nhau phục vụ chương trình số hóa “Tri thức Việt”…

Tuy sự đầu tư còn gặp một số hạn chế nhưng Bảo tàng cũng đã cố gắng từng bước tiếp cận, nghiên cứu thực hiện được một số phần trưng bày như hiện nay công chúng được tham quan qua website của Bảo tàng. Trong quá trình phát huy, Bảo tàng cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng và đồng nghiệp về sự phù hợp với xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ tất cả các chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật. Thực tế, khi xem trưng bày ảo khách tham quan sẽ thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng thì khách không thể tìm hiểu được hết những giá trị của Bảo vật quốc gia này nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D thì có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin cụ thể về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn...

Từ năm 2020, Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nội dung được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú).

Việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày là xu hướng tất yếu, không thể thiếu đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhưng việc nghiên cứu, xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ trưng bày hiệu quả là vấn đề gặp khó khăn, bởi xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ cũng có những yêu cầu đặc thù. Chẳng hạn, có những tài liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại không đảm bảo hoặc ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là loại hiện vật dưới dạng văn bản giấy, do đó khi ứng dụng công nghệ ảo 3D, 4D… sẽ khó tạo được sự hấp dẫn.

Để bảo tàng ảo thực sự hấp dẫn trong lần nâng cấp này, cùng với nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết thì việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới, thuận lợi, đa dạng phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, góp phần từng bước hiện đại hóa các hoạt động bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ là không gian riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu lịch sử hay những người đến tham quan theo chương trình tour, mà còn là nơi mà mọi đối tượng công chúng được trải nghiệm, học hỏi những kiến thức mới qua các hình thức chuyển tải khác nhau, trong đó, ứng dụng công nghệ số đóng vai trò ưu việt./.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực