Bảo tồn bền vững những di sản quý trên đất Cố đô

Thứ tư, 11/10/2023 18:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, tỉnh đang triển khai lập và trình duyệt ba đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.​

Ngày 11/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Đây là sự kiện nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng phê duyệt trong tháng 1/2024. Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; sở, ban, ngành và các chuyên gia, nhà nghiên cứu…

Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 có mục tiêu bảo tồn di sản văn hoá cảnh quan Cố đô Huế toàn vẹn và bền vững với tư cách một trung tâm văn hoá, di sản quốc gia, khu vực và quốc tế; phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, chuyển hoá khu vực Quần thể di tích thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sinh lực mới, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng…

Quang cảnh buổi Hội thảo

Các nội dung chủ yếu của đồ án quy hoạch bao gồm: Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch; Quy mô lập quy hoạch; Ranh giới quy hoạch Quần thể di tích Cố đô Huế;  Hệ thống di sản Cố đô Huế; Đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di sản Cố đô Huế; Các nhóm giải pháp bảo tồn bền vững; Mô hình bảo tồn bền vững di sản Cố đô Huế với định hướng hiện thực hóa tầm nhìn của Nghị quyết số 54-NQ/TW; Quần thể di tích Cố đô Huế được xác lập bao gồm 5 phân vùng chức năng: (1) Khu vực 14 di tích di sản UNESCO; (2) Khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; (3) Công viên quốc gia Tam Chủ Sơn; (4) Khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; (5) Các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm được thiết lập, tổ chức trên cơ sở chuyển hóa không gian chức năng, cảnh quan hiện hữu, xen cài các khu vực chuyên đề theo đặc trưng di sản, khu vực phát triển mới, khu vực tương tác phát triển, hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng văn hóa, du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật…

Đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, và đang tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng tại số 15 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kể từ ngày 06 đến ngày 31/10/2023.

Tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hiện nay, tỉnh đang triển khai lập và trình duyệt ba đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Những đồ án quy hoạch này đều thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đồng nhất quan điểm, mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần chỉ đạo xuyêt suốt tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Gợi mở các vấn đề thảo luận tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các đại biểu tập vào các nội dung chính như: Bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng di sản; Tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu; các tiền đề về bảo tồn di sản và phát triển bền vững; Dự báo phát triển và các chỉ tiêu chủ yếu; quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Định hướng bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; định hướng phát triển không gian; Khung sử dụng đất, hạ tầng kinh tế, xã hội và hạ tầng kỹ thuật; Định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; dự báo tác động và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường; Các vấn đề kinh tế di sản và giải pháp thực hiện quy hoạch.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, ý kiến của các đồng chí lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức... nhằm hoàn thiện đồ án quy hoạch đảm bảo tính khoa học, chất lượng, có tính đột phá và khả thi cao trong thực hiện, góp phần bảo tồn bền vững những di sản quý báu mà ông cha ta đã để lại trên mảnh đất Thừa Thiên Huế./.

 

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực