Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa tại tỉnh Bến Tre

Thứ hai, 20/06/2022 14:50
(ĐCSVN) - Trong chiến lược phát triển, Bến Tre xác định phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhanh và bền vững là nhiệm vụ trung tâm, đặc biệt xác định văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ gặp gỡ, động viên các nghệ nhân Hát sắc bùa Phú Lễ và diễn xướng Nói thơ Vân Tiên. (Ảnh: Ánh Nguyệt )

Ngày 2/4,2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 13-NQ/TW); ngày 22/4/2022, Bộ Chính trị đã tổ chức Hội nghị toàn quốc (theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến) quán triệt, triển khai thực hiện.

Đây là nghị quyết rất quan trọng về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những nội dung của Nghị quyết số 13-NQ/TW đã bảo đảm tính toàn diện, sâu sắc, đồng bộ, khả thi với các mục tiêu và tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển vùng ĐBSCL nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước. Tỉnh Bến Tre tổ chức quán triệt toàn bộ nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TW đến hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tuyên truyền, phố biến đến nhân dân và xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện có kết quả Nghị quyết số 13-NQ/TW trên tất cả các lĩnh vực.

Có nhiều nội dung cần phải triển khai và tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả. Bài viết này nêu một số nội dung cơ bản về nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử; văn hóa sông nước, miệt vườn; văn hóa các dân tộc tại tỉnh Bến Tre theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị.

ĐBSCL chiếm khoảng 13% diện tích và khoảng 18% dân số cả nước; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam với nhiều lợi thế về tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu. Hàng năm, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng cá xuất khẩu, khoảng 80% sản lượng sản xuất và sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBSCL đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức rất lớn, ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các hoạt động khai thác, sử dụng nước, tài nguyên... bất hợp lý, thiếu bền vững, đặc biệt là khu vực thượng nguồn sông Mekong.

Ngày 28/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Quy hoạch đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, xác định mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới, trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung; phát triển dịch vụ và công nghiệp đa dạng; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu... Trong đó, xác định khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, địa phương, của vùng gắn với bảo vệ môi trường, phát triển toàn diện, đồng bộ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Bến Tre hội tụ đầy đủ các đặc điểm của vùng ĐBSCL. Bến Tre có đường bờ biển dài khoảng 65km, có rừng ngập mặn với hệ động vật, thực vật phong phú; các sông, kênh, rạch chằng chịt cùng nhiều cù lao, cồn, bãi; khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Tỉnh còn là một ốc đảo được hợp thành từ ba dải cù lao và được bồi tụ bởi phù sa của 4 con sông (trong đó có 3 con sông lớn) của sông Cửu Long, đất đai phì nhiêu, màu mỡ tạo hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú, thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, hải sản, chăn nuôi gia cầm, gia súc… trong đó có nhiều sản phẩm nông sản đa dạng, đặc sắc, nổi tiếng nhất là cây dừa. Bên cạnh đó, Bến Tre phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, đó là địa hình chia cắt, nền đất yếu, chịu tác động trực tiếp, rõ nét nhất của nước biển dâng, nhu cầu đầu tư cho hệ thống giao thông, thủy lợi rất lớn. Hiện nay, Bến Tre đang hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch năm 2017, đồng bộ với quy hoạch vùng ĐBSCL, quán triệt đầy đủ nội dung Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển ĐBSCL; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với sự phát triển và quy hoạch phát triển TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lãnh đạo Tỉnh ủy thắp hương và tham quan trưng bày tư liệu về Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Anh hùng Lực lượng vũ trang, Nhà tình báo chiến lược tại Bảo tàng Bến Tre, ngày 14/2/2022. (Ảnh: Ngọc Thạch )

Trong chiến lược phát triển, Bến Tre xác định phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội nhanh và bền vững là nhiệm vụ trung tâm, đặc biệt xác định văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên; phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa các hoạt động đối ngoại trong và ngoài nước.

Quán triệt Nghị quyết số 13-NQ/TW, chúng ta cần xác định một số nội dung trọng tâm về nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử; văn hóa sông nước, miệt vườn; văn hóa các dân tộc tại tỉnh Bến Tre, như sau:

Bến Tre là một trong những vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, giàu bản sắc văn hóa truyền thống yêu nước của vùng ĐBSCL và cả nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử, Bến Tre được biết đến là một trong những vùng đất “địa linh nhân kiệt” đã sản sinh, hội tụ những danh nhân tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Bến Tre đã lập nhiều thành tích vang dội như: Phong trào Đồng khởi diễn ra ngày 17/1/1960 tại xã Định Thủy, Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) với sự ra đời của “Đội quân tóc dài cầm súng” và phương châm “Ba mũi giáp công” đã được ghi vào Từ điển Lịch sử quân sự Việt Nam và tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, Bến Tre được tuyên dương danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”… 

Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể của địa phương luôn được tỉnh quan tâm bảo tồn. Văn hóa, văn học dân gian tại Bến Tre khá phong phú về thể loại (đặc sắc là loại hình diễn xướng dân gian hát sắc bùa Phú Lễ, hơn 70 điệu lý và các làn điệu dân ca được lưu giữ). Lễ hội truyền thống được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các làng nghề truyền thống đặc trưng của vùng đất xứ Dừa như: Bánh tráng Mỹ Lồng, Bánh phồng Sơn Đốc...; các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu cây Dừa; nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo cây giống, cây kiểng... tạo nét văn hóa riêng, thể hiện sự phong phú, đa dạng loại hình. Có thể khẳng định rằng trong tiến trình lịch sử, mỗi giai đoạn, người dân Bến Tre đều có sự sáng tạo nên những thang bậc giá trị văn hóa mới, sức mạnh tinh thần mới, đáp ứng yêu cầu mới của lịch sử và của sự phát triển của đất nước.

Tỉnh Bến Tre hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Di tích Đồng Khởi Bến Tre và Di tích Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu), 16 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh. Các di tích trên địa bàn tỉnh và Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam, Chi nhánh tại Bến Tre đã phục vụ nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu, học tập. Việc sửa chữa, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, từng bước đi vào nền nếp và được nâng cao về chất lượng. Đồng thời, tỉnh đã ban hành Quy định phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý và khai thác có hiệu quả giá trị của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.

Bến Tre có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng; Hát sắc bùa Phú Lễ; Nghề truyền thống làm Bánh tráng Mỹ Lồng; Nghề truyền thống làm Bánh phồng Sơn Đốc). Có 2 nghệ nhân hoạt động lĩnh vực Đờn ca tài tử được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; 1 “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực sinh vật cảnh.

Tuy là tỉnh không có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm và đề ra chủ trương, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp tổ chức các hoạt động phong phú, hưởng ứng “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4) nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc tại Bến Tre. Các địa phương trong tỉnh tùy vào điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống, gắn kết cộng đồng dân cư.

Tỉnh đã tập trung điều tra toàn diện, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; các loại hình nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, văn hóa dân gian của các địa phương trong tỉnh; nghề thủ công truyền thống; lễ hội tiêu biểu… Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Tổ chức trưng bày, trình diễn, giới thiệu, truyền dạy các các loại hình di sản đặc sắc, có nguy cơ mai một; hình thành và định hình một số nội dung biểu diễn, vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu xã hội và mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cao.

 Làng nghề truyền thống. (Ảnh: Trung Hiếu)

Để đưa Nghị quyết số 13-NQ/TW vào thực tiễn, tỉnh Bến Tre cần xác định một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa - lịch sử; văn hóa sông nước, miệt vườn; văn hóa các dân tộc. Cụ thể là:

1. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Tuyên truyền, vận động thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức thiết thực, chuyển tải nội dung về các giá trị văn hóa, tầm quan trọng của các loại hình văn hóa trong đời sống người dân đến cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, trân trọng giữ gìn; chú trọng đến đối tượng thanh, thiếu niên, truyền đạt tầm quan trọng của các giá trị di sản văn hóa cho thế hệ trẻ; đưa chương trình học tập ngoại khóa vào nhà trường theo hướng dẫn của ngành giáo dục nhằm giúp học sinh hình thành thói quen tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của các di sản văn hóa. Tổ chức các hoạt động thiết thực để thế hệ trẻ có điều kiện tìm hiểu, góp sức mình vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, từ đó thắp sáng tình yêu quê hương đất nước, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc.

2. Nghiên cứu, cụ thể hóa mối quan hệ chặt chẽ, hữu cơ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, gìn giữ, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phát triển kinh tế phải gắn kết với phát triển văn hóa; phát triển kinh tế có văn hóa, trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế; góp phần rất quan trọng để phát triển nhanh và bền vững, khai thác tối ưu tiềm năng cho phát triển, nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân.

3. Chủ động nghiên cứu, ứng dụng một cách hợp lý và có hiệu quả các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong trưng bày và bảo quản tài liệu, hiện vật bảo tàng; ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý và thông tin tư liệu bảo tàng. Đầu tư xây dựng bảo tàng và hiện đại hóa công tác trưng bày, hướng đến vừa thực hiện các chức năng giáo dục, quảng bá, giới thiệu, vừa phát triển kinh tế du lịch.

4. Đầu tư đồng bộ, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và môi trường văn hóa, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế du lịch. Triển khai việc quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị di sản văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các di tích; ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, làm biến dạng môi trường cảnh quan.

5. Tiếp tục triển khai việc điều tra, sưu tầm toàn diện các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu của dân tộc. Lựa chọn những giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu để xem xét đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thực hiện việc giáo dục, phổ biến rộng rãi về văn hóa phi vật thể. Tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ nắm giữ và có công truyền dạy, phổ biến văn hóa phi vật thể.

6. Đối với văn hóa sông nước, miệt vườn, tỉnh Bến Tre và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều đặc điểm, đặc trưng riêng có, khác biệt và độc đáo, gắn kết với thiên nhiên. Do đó, cần có sự nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, thực sự kỹ lưỡng để hệ thống, nêu bật được sự khác biệt và độc đáo này, trở thành lợi thế tuyệt đối, lợi thế so sánh của tỉnh, của vùng và của quốc gia, từ đó phát huy và khai thác hợp lý, tối ưu nhất. Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế đòi hỏi cần phải có sự liên kết và có tính xã hội hóa cao, cần phải có sự chủ động tham gia và phối hợp tích cực của cộng đồng địa phương. Đồng thời, cần phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ văn hóa bản địa, tài nguyên, môi trường, bảo đảm việc khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa, tài nguyên du lịch trong quá trình tham gia hoạt động du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn để người dân thấy được những lợi ích mà du lịch mang lại; hướng cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch và phát triển ngành du lịch, lựa chọn những phương án tốt nhất đáp ứng những mong đợi của người dân và du khách. Đồng thời, có những cơ chế chính sách phù hợp để cộng đồng địa phương tham gia vào phát triển kinh tế du lịch có tổ chức theo quy hoạch, có sự chia sẻ lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương như: Thường xuyên trao đổi với người dân để thông tin và lấy ý kiến về hoạt động phát triển du lịch; thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tổ chức các cuộc khảo sát cho người dân, các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong và ngoài tỉnh, các cơ quan báo, đài để xây dựng, quảng bá các tuyến, các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn… nhằm phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

7. Thực hiện tốt việc cân đối hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình thực hiện cần thận trọng, có kế hoạch cụ thể, có thể khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển và di sản văn hóa cần được nhìn nhận là thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cũng không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không chú ý đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn các giá trị văn hóa; không thể “hy sinh” di sản vì mục tiêu kinh tế. Việc này cần luôn được quan tâm chỉ đạo và giải quyết thấu đáo.

8. Phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Khuyến khích cộng đồng tự nguyện tham gia giữ gìn, phát huy di sản, nghiên cứu phân quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể… Cần giải quyết hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản; phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía; từ đó huy động được người dân tự nguyện, tự giác bảo vệ di sản, tạo sự gắn kết cộng đồng với di sản. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đa dạng trong việc bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tham vấn chuyên gia, các nhà khoa học để huy động trí tuệ của toàn xã hội từ nhiều phía: Nhà quản lý, cộng đồng, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản... Đây là một kênh giám sát các hoạt động bảo tồn và khai thác di sản sâu sát và rất hữu hiệu.

Toàn hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bến Tre của chúng ta cần nỗ lực cao hơn, đồng sức, đồng lòng, thực hiện tốt phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre ngày càng giàu đẹp, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

 

 

Lê Đức Thọ
Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực